“Cũng chỉ là giấc mơ ”
Mang Viên Long đến với văn học khá sớm và bền bỉ sáng tạo đến tận bây giờ. Cũng chỉ là giấc mơ (Nxb Hồng Đức, 2015) là cuốn sách thứ 23 và là tập truyện ngắn thứ 17 kể từ tác phẩm đầu tiên Trên đỉnh mù sa (1969), cũng là tập truyện ngắn của anh được xuất bản.
Tập sách có 14 truyện, chia làm 2 khoảng thời gian sáng tác: 7 truyện sáng tác trước 1975, đăng trên các báo, tập san văn nghệ ở miền Nam trước đây và 7 truyện được sáng tác sau 1975. Không gian truyện hoặc là chốn thị thành sôi động (Sài Gòn, Tuy Hòa, Quy Nhơn, Đà Lạt...); hoặc là chốn làng quê yên tĩnh như ở An Nhơn quê nhà... Đấy là nơi anh sống, dạy học, và trải nghiệm.
Mảng truyện sáng tác trước 1975 của anh thường gắn bó với những số phận bé bỏng, những mảnh đời dễ tan vỡ trước biến động của thời cuộc, chiến tranh, là những nỗi buồn cô độc, hay những mối tình vô vọng của người lính phía bên kia, hoặc là tâm trạng của kẻ thất thế, thua cuộc… (Bóng mây, Lão Tư Kéo, Thác ghềnh, Mùa xuân bay xa…). Mảng truyện sáng tác sau 1975 vẫn là những mảnh đời tưởng chừng vụn vặt, những mối tình không ít sóng gió, những tâm trạng không nguôi day dứt và cả những háo hức, đợi chờ một sự đổi đời… (Người sống và người chết, Nghe được từ bên ngoài, Xóm kẹo, Mùa Vu lan xuân ấy…). Dấu ấn của những năm chiến tranh ở miền Nam trước đây, lòng thuần hậu, chân chất, ân cần, tình nghĩa của người dân xứ nẫu, sự nhân hậu, hỉ xả của một người con Phật luôn bàng bạc trong tập truyện này.
Với lối kể mộc mạc, thủ thỉ, câu chuyện thường “có đầu có cuối”, không có ý tạo nên cấu tứ bất ngờ, đôi lúc, chỉ với một chi tiết nhỏ như được bạn mời Ăn đám giỗ vợ bạn hay là phút hoài niệm trước một tấm ảnh (Cũng chỉ là giấc mơ) cũng đủ thành truyện, người đọc trân quý tấm lòng của Mang Viên Long nhưng cũng khó trông chờ nhiều hơn về một sự “phá cách”, qua nhiều tập truyện ngắn trước đó, và ở cả tập truyện này.
TRẦN XUÂN TOÀN