Giao lưu nghệ thuật kỷ niệm 55 năm kết nghĩa Bình Ðịnh - Hà Tĩnh: Lời ca, điệu múa ân tình
Tối 16.5, tại Trung tâm Văn hóa - Ðiện ảnh tỉnh Hà Tĩnh, sẽ diễn ra chương trình giao lưu nghệ thuật “Nghĩa nặng tình sâu” kỷ niệm 55 năm kết nghĩa hai tỉnh Bình Ðịnh - Hà Tĩnh. Từ ngày 12.5, đoàn cán bộ, nhạc công, diễn viên từ Bình Ðịnh đã có mặt ở TP Hà Tĩnh để tập luyện chương trình cùng lực lượng nghệ sĩ của Hà Tĩnh.
Vượt qua chặng đường dài hơn 700 km, gần 30 cán bộ và cộng tác viên Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định đã có mặt tại TP Hà Tĩnh vào tối 11.5. Không chỉ có những diễn viên trẻ háo hức khi lần đầu đến với vùng đất kết nghĩa với quê hương Bình Định, mà những ca sĩ đã được đi nhiều biết nhiều cũng có những cảm xúc đáng ghi nhận.
Lời ca điệu múa vượt đường xa
Ca sĩ Kiều Lệ chia sẻ: “Công việc biểu diễn ở Phòng trà Nghệ sĩ của tôi ở Quy Nhơn cũng bận rộn nhưng quyết định gác lại, tham gia chuyến đi này để đóng góp cho một chương trình giao lưu nghệ thuật mang chiều sâu, sức nặng nghĩa tình hai tỉnh Bình Định - Hà Tĩnh được vun đắp hơn nửa thế kỉ qua. Đặt chân đến TP Hà Tĩnh, tôi thấy có thêm nhiều cảm xúc khi thể hiện ca khúc quen thuộc để giới thiệu về truyền thống văn hóa- lịch sử của quê hương Bình Định…”.
“Ðược sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở VH-TT &DL đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức cho các ca sĩ, diễn viên, nghệ nhân tập luyện trên tinh thần đóng góp vào thành công chung của chương trình nghệ thuật tại tỉnh kết nghĩa Hà Tĩnh, đồng thời giới thiệu, quảng bá được những nét đặc sắc trong truyền thống văn hóa - lịch sử Bình Ðịnh…”
Ông NGUYỄN VĂN DŨNG, Giám đốc Sở VH-TT &DL
Ngay sáng hôm sau, sự mệt mỏi tan biến khi các ca sĩ, diễn viên, biên đạo múa ở Bình Định được gặp mặt và tập luyện đầy hứng khởi trong chương trình giao lưu nghệ thuật “Nghĩa nặng tình sâu” cùng với lực lượng nghệ sĩ ở Hà Tĩnh. Ngoài tiết mục đơn ca của ca sĩ Kiều Lệ, đoàn Bình Định sẽ góp mặt trong chương trình một số tiết mục đặc sắc, cũng như biểu diễn chung với các ca sĩ, diễn viên Hà Tĩnh hai tiết mục hát múa mở và kết chương trình.
Sau đoàn của Trung tâm Văn hóa tỉnh 1 ngày, đoàn diễn viên, nhạc công của Bảo tàng Quang Trung cũng đã có mặt tại TP Hà Tĩnh. Anh Hồ Văn Sỹ, thành viên đội Nhạc võ của Bảo tàng Quang Trung, tâm sự: “Đã từng biểu diễn trong nhiều lễ hội ở các tỉnh, thành trong cả nước, nhưng các thành viên đội nhạc võ vẫn đầy hứng khởi khi được tham gia chương trình giao lưu nghệ thuật trên quê hương kết nghĩa Hà Tĩnh. Chúng tôi đã tập luyện nhiều ngày qua để đem đến tiếng trống trận Tây Sơn hào hùng, những màn múa cờ, biểu diễn võ thuật đặc sắc phục vụ cán bộ và nhân dân Hà Tĩnh…”.
Nỗ lực tập luyện
Sáng 13.5 vừa qua, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã tổ chức họp rà soát lại công tác chuẩn bị tổ chức các hoạt động kỷ niệm 55 năm kết nghĩa Hà Tĩnh - Bình Định. Ông Võ Kim Cự, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, đến chủ trì buổi họp đã dành nhiều quan tâm đến chương trình nghệ thuật “Nghĩa nặng tình sâu” khi chỉ đạo: Cần có cơ cấu hợp lý, dành phần lớn thời lượng để 2 tỉnh Bình Định - Hà Tĩnh biểu diễn những tiết mục văn nghệ giới thiệu những nét đặc sắc văn hóa truyền thống. Bí thư Tỉnh ủy Võ Kim Cự chỉ đạo Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh tổ chức sơ duyệt, tổng duyệt lại chương trình nghệ thuật kĩ lưỡng, chuẩn bị tốt cho việc truyền hình trực tiếp để chương trình lan tỏa đến với đông đảo khán giả ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Chương trình nghệ thuật “Nghĩa nặng tình sâu” sẽ được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh, gồm 14 tiết mục do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh, Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định và một số nghệ sĩ ở Hà Nội tham gia biểu diễn. Đáp lại sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, các diễn viên, ca sĩ đến từ đất Võ càng thêm nỗ lực tập luyện để hoàn thành các tiết mục.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Nghệ thuật quần chúng Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định, trao đổi qua điện thoại vào trưa 14.5 cho biết: “Các chương trình biểu diễn chung Bình Định - Hà Tĩnh gồm hai tiết mục: Tiết mục mở đầu là “Câu hát ân tình” nói về mối quan hệ gắn bó keo sơn giữa Bình Định - Hà Tĩnh, cùng tiết mục kết thúc là “Bài ca thống nhất”. Các diễn viên, ca sĩ của Bình Định đã nỗ lực tập luyện để hòa nhập nhanh chóng và tạo được ấn tượng cho các diễn viên, ca sĩ ở Hà Tĩnh đã tập luyện trước 10 ngày. Chúng tôi cũng đang đề nghị trong chương trình sơ duyệt vào chiều 14.5, để đưa tiết mục “Rủ nhau đi đánh bài chòi” vào chương trình truyền hình trực tiếp vào tối 16.5. Qua đó, góp phần quảng bá cho di sản Bài chòi Bình Định trong việc lập Hồ sơ di sản bài chòi miền Trung đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại…”.
HOÀI THU