Người Hà Tĩnh tại Bình Ðịnh: Ðất lành chim đậu
Theo ông Nguyễn Khắc Minh, Trưởng Ban liên lạc Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Bình Ðịnh, hiện nay, có hơn 500 hộ người Hà Tĩnh đang sinh sống và làm việc ở nhiều ngành nghề khác nhau trên đất Bình Ðịnh.
“Ban liên lạc Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Bình Định thành lập năm 1996, hoạt động theo quy ước: xích lại gần nhau, giúp nhau khi hoạn nạn, mừng nhau lúc thành công; động viên các gia đình luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trước năm 1995, trong Hội đồng hương vẫn còn có hộ đói, hộ nghèo, nhưng nay thì không còn nữa. Hiện, nhiều người trong số họ đã gặt hái được những thành công nhất định ở một số lĩnh vực trong sản xuất, thương mại, giáo dục...”, ông Minh nói.
Mấy mươi năm nghiên cứu, sưu tầm về văn hóa dân gian Bình Định, đến nay điều mà ông Nguyễn Xuân Nhân (83 tuổi, quê ở huyện Can Lộc, huyện Hà Tĩnh, nguyên giảng viên Khoa Văn, Trường ĐH Quy Nhơn) tâm đắc nhất là 13 tác phẩm của ông đã được xuất bản đều liên quan đến văn hóa dân gian Bình Định. Nói đến điều này, ông hào hứng hẳn: “Ngay từ năm 1978, khi về công tác tại Trường ĐH Quy Nhơn tôi đã đi điền dã sưu tầm cùng sinh viên rồi. Bình Định có nhiều tầng văn hóa chồng lên nhau, nghiên cứu cả đời vẫn không hết”. Ở tuổi này, ông Nhân vẫn miệt mài nghiên cứu, đọc sách, tìm hiểu về văn hóa dân gian Bình Định bởi vẫn còn nhiều điều đặc sắc, đáng nghiên cứu.
Một đồng nghiệp và cũng là đồng hương của ông Nhân là tiến sĩ Nguyễn Quang Cương cũng đã chọn Bình Định là nơi “đất lành chim đậu”, góp phần xây dựng quê hương thứ hai. Với quan niệm “Dạy học vừa để mưu sinh, vừa để giúp đời”, cách đây 20 năm, ông Cương thành lập Trung tâm luyện thi số 1 Quy Nhơn (đường Trần Bình Trọng, Quy Nhơn), và ngay từ đầu Trung tâm đã có chính sách miễn giảm học phí cho học sinh nghèo. Hiện ông Cương còn thành lập một trung tâm dạy những phương thức chế biến giải khát theo công nghệ cao của Ý giúp học viên có thể kiếm được việc làm sau này.
Từ thế hệ thứ nhất, thứ hai là người Hà Tĩnh, những thế hệ kế tiếp được sinh ra lớn lên trên đất Bình Định. Quê cha Hà Tĩnh - quê mẹ Bình Định hay ngược lại, mối lương duyên Bình - Hà gắn bó với nhau ngày một thêm sâu sắc. Ông Phạm Quang Hoạt, một người con của Hà Tĩnh tâm sự: “Năm 1983, đang công tác trong quân ngũ tại Hà Tĩnh thì tôi chuyển ngành vào Quy Nhơn. Thế rồi, tôi bén duyên với một cô gái Bình Định, chọn nơi này làm quê hương. Tôi có hai cháu thì một làm việc tại TP Hồ Chí Minh, một đang làm việc tại Công ty sữa Vinamilk chi nhánh Bình Định. Anh em Hội đồng hương Hà Tĩnh mỗi khi gặp mặt lại đều bảo nhau Hà Tĩnh - Bình Định tuy hai mà một, bởi chúng ta sinh con đẻ cháu, sinh sôi bén rễ trên mảnh đất nồng hậu tình người này”.
40 năm sau ngày giải phóng, những thành tựu phát triển KT-XH mà Bình Định có được, có một phần công sức của những người con Hà Tĩnh. Và cũng từ đây, những thế hệ tiếp nối của người Hà Tĩnh cũng được nuôi dưỡng, trưởng thành, ở nơi này hay ở nơi khác. “Hà Tĩnh - Bình Định, cùng nhau hợp lực phát triển kinh tế, xây dựng quê hương”, ông Nguyễn Khắc Minh nói trong niềm tự hào.
NGUYỄN SƠN