Thành lập 3 Tòa án nhân dân cấp cao trên cơ sở 3 Tòa phúc thẩm hiện có
Chiều 14.5, trong buổi làm việc cuối của Phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua các Nghị quyết phê chuẩn quyết định tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trong bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân tối cao; thành lập Tòa án nhân dân cấp cao, số lượng Tòa án nhân dân cấp cao và phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của mỗi cơ quan xét xử này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thông qua danh sách Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; quy chế hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; dự kiến nhân sự trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Xuất phát từ thực tế công tác xét xử, để nâng cao chất lượng xét xử, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Tòa án nhân dân tối cao đề xuất thành lập các Tòa án nhân dân cấp cao.
Chủ trương này được thực hiện trên cơ sở tổng kết công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án theo trình tự phúc thẩm của các Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao; số lượng các loại vụ án xét xử theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm và số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân tối cao và Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh phải giải quyết trước đây; đánh giá hiệu quả công tác xét xử trong 10 năm qua.
Trước mắt, Tòa án nhân dân tối cao đề xuất thành lập bốn Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
Thẩm tra các Đề án này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trước mắt quyết định thành lập ba Tòa án nhân dân cấp cao (tại thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và tại Thành phố Hồ Chí Minh) trên cơ sở ba Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao hiện nay, bảo đảm ổn định ngay về tổ chức, tiếp quản cơ sở vật chất hiện có của ba Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao.
Phương án này không gây ra sự xáo trộn lớn, không phải đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm các Tòa án nhân dân cấp cao triển khai hoạt động kể từ ngày 1.6, ngày Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 có hiệu lực.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với quan điểm này, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao thực hiện đúng Kết luận số 79 và Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, bảo đảm không tăng tổng biên chế, các đơn vị tự cân đối, điều chỉnh trong tổng số biên chế hiện có.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý các cơ quan liên quan phải quyết tâm và khẩn trương thực hiện các công việc để đảm bảo từ 1.6 bộ máy đi vào hoạt động, không ảnh hưởng đến công tác xét xử.
Đối với đề xuất tăng số lượng Thẩm phán của Tòa án nhân dân cấp cao, Ủy ban Tư pháp đề nghị giữ nguyên 120 Thẩm phán theo Nghị quyết 437a của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 28.3.2012 cho đến khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyết định mới về biên chế, số lượng Thẩm phán của Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp.
Theo quan điểm của Ủy ban Tư pháp, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định, các Tòa án nhân dân cấp cao tiếp nhận nhiệm vụ, quyền hạn của các Tòa chuyên trách và Tòa phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao hiện nay, do đó các Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hiện nay không được bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sẽ được xem xét, trình Chủ tịch nước bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao. Vì vậy, Ủy ban Tư pháp đề nghị trước mắt xem xét, quyết định điều chuyển số biên chế Thẩm phán trên cho các Tòa án nhân dân cấp cao.
Về biên chế cán bộ, công chức khác, nhân viên và người lao động trong các Tòa án nhân dân cấp cao, Ủy ban Tư pháp đề nghị giữ nguyên như hiện nay. Trên cơ sở đó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao điều chuyển, bố trí biên chế cho các Tòa án nhân dân cấp cao.
Theo QUANG VŨ (TTXVN/VIETNAM+)