Cân nhắc thiệt hơn!
Thời gian qua, việc hạn chế nhận trợ cấp BHXH một lần theo quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), sẽ có hiệu lực từ 1.1.2016, đã khiến dư luận hết sức quan tâm. Bởi lẽ, mặc dù điều luật chưa có hiệu lực thi hành nhưng đã dấy lên những dư luận trái chiều nhau. Phía cơ quan ban hành cũng như các bộ, ngành có liên quan đều cho rằng quan điểm xây dựng Điều 60 Luật BHXH là đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và phù hợp với xu hướng quốc tế, hướng đến chiến lược an sinh lâu dài cho người lao động.
Tuy nhiên, quy định mới này đã không được một bộ phận người lao động đồng tình. Theo số liệu thống kê, hằng năm vẫn có khoảng 500 ngàn người yêu cầu được nhận BHXH một lần. Việc giải quyết cho người lao động nhận BHXH một lần tuy giúp họ có thu nhập để trang trải các nhu cầu trước mắt, nhưng về lâu dài người lao động không có lương hưu, khó đảm bảo ổn định cuộc sống.
Hiện nay, cả nước mới có 11,6 triệu người tham gia vào BHXH bắt buộc, chiếm hơn 20% tổng lực lượng lao động xã hội. Mục tiêu đề ra là đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia vào hệ thống BHXH, tức là khoảng 28 triệu lao động và 35% lực lượng lao động tham gia vào chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Việc sửa Luật BHXH theo hướng hạn chế việc người lao động nhận BHXH một lần sẽ tạo mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn, bảo đảm cuộc sống lâu dài cho người lao động lúc về hưu và tránh rủi ro khi về già.
Từ thực tiễn còn có nhiều ý kiến khác nhau về một điều luật đã ban hành, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa qua, Chính phủ đã nhất trí kiến nghị Quốc hội sửa đổi Điều 60 Luật BHXH 2014 theo hướng nếu người lao động không đủ thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì được hưởng BHXH một lần như Luật hiện hành. Đồng tình với quan điểm của Chính phủ, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị sửa Điều 60 của Luật hoặc giao Chính phủ ban hành nghị định theo hướng điều chỉnh linh hoạt như trên.
Trong phiên họp vào chiều 12.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ và của Ủy ban Về các vấn đề xã hội xung quanh việc triển khai Điều 60 của Luật BHXH. Sau phiên thảo luận được đánh giá là khá căng thẳng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn chưa quyết định chủ trương sửa hay không sửa Điều 60 Luật BHXH sửa đổi. Kết luận phiên họp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã yêu cầu Chính phủ và Ủy ban Về các vấn đề xã hội tiếp tục hoàn thiện báo cáo, phân tích kỹ vấn đề để Quốc hội tiếp tục thảo luận tại kỳ họp thứ 9 sắp tới, dự kiến sẽ khai mạc ngày 20.5. Và như vậy, việc có sửa hay không Điều 60 Luật BHXH vẫn phải chờ.
Cách đây 20 năm chúng ta đã có bài học về giải quyết chế độ 176 cho người lao động. Ban đầu rất nhiều người hào hứng nhận một lần, nhưng sau đó lại nghĩ khác và hối tiếc vì không được hưởng chế độ lâu dài. Việc thực hiện Luật BHXH mới, với sự điều chỉnh nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, là cách tiếp cận rất nhân văn. Do đó, nếu có một bộ phận người lao động chưa đồng tình có thể là do họ chưa nhận thức hết ý nghĩa của chủ trương này. Vì vậy, trong thời điểm hiện nay người lao động đang rất cần sự tuyên truyền đến nơi đến chốn để họ nhận thức rõ được quyền lợi, sự thiệt hơn trong việc thực hiện BHXH. Mặt khác, Luật cũng nên tạo điều kiện để người lao động được quyền lựa chọn việc nhận BHXH theo ý nguyện của mình.
H.Đ