Kỷ niệm 55 năm ngày mất nhà văn Nga Boris Pasternak (1890-1960):
“Em cởi áo như rừng cây trút lá”
Nói đi em, Lara vô cùng thông minh của anh - vâng, đó là một câu thoại trong tiểu thuyết lừng danh “Bác sĩ Zhivago” - quyển tiểu thuyết đưa tên tuổi Boris Pasternak vượt qua mọi rào cản của ngôn ngữ dân tộc, định chế xã hội, lãnh thổ quốc gia để đến với nhân loại, đoạt giải Nobel văn chương 1958.
Thực ra, ở nền văn học thời ấy, Pastenak được định danh là một trong những nhà thơ hàng đầu với các tập thơ đỉnh cao “Người anh em sinh đôi trong mây đen”, “Những chủ đề và biến tấu”... Nhà thơ ấy bắt đầu một tiểu thuyết định mệnh “Bác sĩ Zhivago” với một hành trình thăng trầm những vinh quang tột cùng cũng như cay đắng tột đỉnh. Tôi đã tiếp xúc với nội dung quyển tiểu thuyết sử thi thấm đẫm chất thơ này từ trước 1975, qua phim ảnh (do David Lean đạo diễn, tài tử chính là Omar Sharif và Julie Christie, âm nhạc của Maurice Jarra) và một bản dịch mang tên Vĩnh biệt tình em của Nguyễn Hữu Hiệu. Lần thứ hai, tôi được tiếp xúc trọn vẹn hơn với tiểu thuyết này là quyển “Boris Pasternak Con người và tác phẩm” do Lê Khánh Trường chuyển ngữ văn xuôi, Hoàng Hưng và Nguyễn Đức Dương dịch thơ (NXB TP Hồ Chí Minh 1988) trong không khí những năm đầu thời kỳ đổi mới. Giờ đọc lại, chậm rãi hơn, lắng đọng hơn bi kịch một tình yêu của Yuri và Lara - hai nhân vật chính giữa bối cảnh lịch sử xã hội thời ấy, mới cảm nhận sâu hơn tính thời đại và tính muôn đời của nó.
Boris Pasternak. Nguồn Wikipedia
Nói đi em, Lara vô cùng thông minh của anh - vâng, khi yêu, con người dù tuổi tác và dày dạn đến đâu cũng chỉ là trẻ thơ trong âm điệu, trong ngữ pháp, trong tư duy và trong thể hiện. Khi Zhivago tình cờ nhìn thấy Lara trong thư viện, rồi len lén đi tìm địa chỉ, nàng như đọc rõ từng ý nghĩ của chàng: “Ông đã ở đây hơn một năm rồi, thế mà vẫn chưa bao giờ rảnh rỗi để tới nhà tôi phải không?” “- Tại sao cô biết” “- Đất truyền lan tin đồn. Vả lại cuối cùng thì tôi chũng nhìn thấy ông ở thư viện” “- Thế sao cô không gọi tôi?” “- Ông sẽ chẳng làm cho tôi tin được rằng ông đã không trông thấy tôi”. Ngôn ngữ của trách hờn người xưa, khi người là bác sĩ, người là nữ y tá phục vụ trong quân ngũ, giờ gặp lại trong hoàn cảnh mới. Khi người ta thông cảm, người ta lại có những lời lẽ đắm đuối: “Chúng mình giống như Adams và Eva, hai kẻ chả có gì che thân hồi mới khai thiên lập địa, và bây giờ chúng mình cũng lại bơ vơ và bị lột trần vào buổi tận thế như hồi đầu kia. Và chúng mình là kỷ niệm cuối cùng về toàn bộ sự vĩ đại, vô cùng vĩ đại, đã được tạo ra trên thế gian sau bao ngàn năm giữa Adams, Eva với hai ta, và chính là để tưởng niệm những kỳ quan đã mất ấy, mà hai ta đang thở và yêu, cùng khóc, và cùng dựa vào nhau, nép vào nhau”. Khi người ta nhớ về nhau, người ta hành động, trốn chạy khỏi vùng chiến sự mà như đi thực tế… làm thơ: “Cây thanh lương trà bị ngập tuyết đến lưng chừng, còn ở nửa trên thì các cành lá và các chùm quả nhỏ bị đông cứng vì băng. Nó chĩa hai cành đầy tuyết về phía chàng. Chàng chợt nhớ đến hai cánh tay mập mạp trắng nõn của Lara, hai cánh tay tròn lẳn và hào phóng của nàng. Chàng bèn ôm lấy hai cành thanh lương trà, kéo cả hai cây lại với mình. Như đáp lại tấm lòng của chàng, cây rũ tuyết rơi lả tả xuống khắp người chàng. Chàng lắp bắp mà không hiểu mình nói gì và chẳng nhớ mình là ai nữa: - Ta sẽ gặp lại em người đẹp của ta, nữ hoàng của ta, thanh lương trà yêu dấu của ta, máu thịt của ta.”
Nói đi em, Lara vô cùng thông minh của anh - đó chính là cuộc đời thực của Boris Pasternak mà ông trả lời phỏng vấn báo chí: “Nàng là người bạn lớn, rất lớn của tôi”. Onga Ivinscaia, người mà Pasternak không tiếc một ngôn từ nào để ngợi ca về lòng yêu đời hoặc đức tự hy sinh, cũng tâm sự: “Thế là mối tình của chúng tôi bắt đầu gần như đồng thời với việc anh ấy sáng tác Bác sĩ Zhivago. Một trong những đề tài chính là số phận, là những gì tất yếu phải xảu ra. Sự thể là cuốn tiểu thuyết ấy đã bắt đầu quyết định số phận của hai chúng tôi. Nó như một thứ bùa mê, nó đem đến niềm hanh phúc điên cuồng cũng như nỗi khổ ghê gớm.”
Nói đi em, Lara vô cùng thông minh của anh - nàng Lara của bác sĩ Zhivago trong tiểu thuyết hay nàng thơ Onga kiều diễm của Boris Pasternak trong đời thực, sau những giằng xé của thế nhân: “Bấy giờ sự dối trá tràn vào đất Nga. Tai họa chủ yếu, nguồn gốc của cái ác sau này là sự mất tin tưởng vào giá trị của ý kiến cá nhân. Người ta ngỡ rằng đã qua rồi cái thời tuân theo tiếng gọi của linh cảm đạo đức, rằng ngày nay phải nói theo mọi người, phải sống theo những quan niệm của kẻ khác được áp đặt cho hết thảy mọi người.”.
Nói đi em, Lara vô cùng thông minh của anh - văn chương và đời sống, đời sống lẫn văn chương trộn vào làm nên bản tình ca bất hủ của thời đại, nhan sắc và cá tính của Onga ngoài đời cũng chính là nhan sắc và cá tính của Lara trong văn chương, và bởi Onga yêu cái loài thanh lương trà nên mới có loài hoa đỏ ngọt ngào ấy trong tiểu thuyết. Hai người không chỉ thủ thỉ cùng nhau về số phận, tình yêu, gia đình, con cái, xã hội, chiến tranh mà còn bàn luận triết học, lịch sử, nghệ thuật, âm nhạc, thi ca. Pasternak biến việc dịch thuật hàng loạt các bản dịch bi kịch Shakespeare, thơ cổ điển Anh, Pháp, Đức, Gruzia… sang những bản tiếng Nga được đánh giá là mẫu mực, thành những lời tỏ tình huyền diệu với Onga như phép lạ giữa ngày thường: “Chữ Pêtơphi là ký hiệu quy ước dạo tháng 5 và tháng 6 năm 1947, còn các bản dịch thơ trữ tình Pêtơphi của anh- chính là việc miêu tả các ý nghĩ và tình cảm của anh đối với em và về em”. Hoặc khi tác phẩm lừng danh Faust của đại thi hào Đức Goethe được in ở Nga qua bản dịch của ông, ông ghi ngay lời đề tặng Onga: “Onga yêu dấu, em hãy từ trong sách bước ra một phút, bước ra bên ngoài mà đọc nó xem”.
Boris và Onga, Zhivago và Lara đã thắp đến tận cùng ngọn nến của đời mình để vượt thoát mọi bóng tối, giá tuyết, định kiến, thị phi, ảo tưởng, nhân danh… Họ đã sống và yêu, và truyền lại một thông điệp cho nghệ thuật và đời sống: “Mục đích của sáng tạo là xả thân- Không phải trò rùm beng, không phải mưu thành đạt- Thật nhục nhã khi anh chả ra gì- Mà tên tuổi lại lừng lẫy khắp”. Thơ tình cho Lara ở phần cuối tiểu thuyết, chính là thơ tình của Boris Parternak dành cho Onga, nó chất chứa những suy tư trong đời sống khốc liệt, nhưng cao hơn hết, đó là tiếng kêu xé lòng của hai trái tim trong cơn bão táp của số phận, của lịch sử của chiến tranh và của thời đại. “Em cởi áo dài ra - Hệt như rừng cây trút lá - Em là hạnh phúc của bước đi tai hại - Khi đời sống đáng ghét hơn bệnh tật - Còn cội nguồn của cái đẹp là sự can đảm - Và điều đó kéo chúng mình lại với nhau”(Mùa thu). Bài học sống đến cùng là bài học, nói như Onga: “Niềm hanh phúc điên cuồng cũng như nỗi khổ ghê gớm” và nói như Pasternak nói với bạn thân: “Tôi đang yêu, Lyusya à. Cuộc sống là gì? Nếu không là chúng ta sống bởi vì yêu". Một tình yêu chấn động thế giới, qua Boris Pastenak và Onga, qua Doctor Zhivago và Lara, đó phải chăng vừa là trần thế vừa là thiên mệnh giữa cõi người đông đảo nhưng không hiếm những cô đơn và bất trắc này.
NGUYỄN THANH MỪNG