Khi “bảo mẫu” là ipad, tivi
Những đứa trẻ 2 tuổi, 3 tuổi lặng im mê mải lướt máy tính bảng, smart phone sành điệu, trong khi cha mẹ rảnh rang làm việc nhà, hoặc trò chuyện với bạn bè...
Tiện cả đôi đường
Đây là hình ảnh tôi thường gặp ở quán quen: Sáng, đôi vợ chồng nọ chở con đến quán cà phê. Chưa ngồi vào chỗ, mẹ đã lấy từ trong túi xách ra chiếc ipad đưa cậu con trai chừng 3 tuổi. Rất thành thạo, con bật máy tính chọn các trò chơi đã cài sẵn trên màn hình. Bố và mẹ cũng ngồi lướt điện thoại cho đến giờ con đi trẻ. Lần nào cũng vậy, cậu bé đợi mẹ nhắc nhiều lần mới rời mắt khỏi màn hình, kèm theo câu kèo nài: “Chiều về mẹ cho con chơi tiếp nhé”.
Hãy cho con tiếp xúc nhiều hơn với thế giới thiên nhiên.
Và hình như, nhiều ông bố bà mẹ khác cũng thường xem ipad, smart phone như một “vị cứu tinh” khi cần làm việc riêng. Mỗi khi nhóm bạn cùng lớp cũ của chị Kim Ngân (nhà ở đường Phan Chu Trinh, Quy Nhơn) tụ tập, hầu như ai cũng đưa máy tính bảng, smart phone cho con mượn để được rảnh rang. Còn bọn trẻ mừng như bắt được vàng, mỗi đứa ngoan ngoãn kiếm một góc, mắt dán vào kho trò chơi ảo. Chị Ngân nói: “Biết thế là không tốt nhưng đâu có cách nào hơn để khỏi bị con quấy rầy. Lâu lâu mới gặp bè bạn mà”.
Thậm chí, ngay cả khi trẻ ở nhà thì tivi, ipad cũng được coi là “bảo mẫu” hiệu quả giúp trẻ ngồi yên để người lớn làm việc, hoặc để dỗ cho trẻ ăn. Chiều nào cũng vậy, sau khi đón cháu ở nhà trẻ về, bà Vân Hưng (phường Nguyễn Văn Cừ, Quy Nhơn) lại bật tivi cho cháu xem. “Tôi già rồi làm sao mà dẫn cháu chơi, rồi ai nấu cơm, đi chợ cho cả nhà. Tôi cũng chẳng yên tâm khi để cháu một mình ra chơi ngoài đường với trẻ hàng xóm. Vậy nên, đành mở tivi cho cháu xem trong lúc mình làm việc”, bà Hưng than thở.
Coi chừng tác dụng ngược
Một giảng viên Khoa Tâm lý, giáo dục và công tác xã hội, Trường ĐH Quy Nhơn (đề nghị giấu tên) có nhiều năm kinh nghiệm trong việc can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật, cho hay: Nhiều trường hợp trẻ chậm nói, chậm phát triển hoặc có những biểu hiện tự kỷ được cha mẹ đưa đến Trung tâm tư vấn và can thiệp sớm trẻ khuyết tật (thuộc Khoa Tâm lý, giáo dục và công tác xã hội), có liên quan đến việc xem tivi quá sớm hoặc quá nhiều. Thậm chí có trường hợp phụ huynh đã cho con xem tivi từ lúc mới 3 tháng tuổi. Và trong 5 trường hợp mới đây nhất đưa đến Trung tâm thì có 3 liên quan đến việc xem tivi suốt ngày.
Trẻ chúi đầu vào các sản phẩm công nghệ cao, trong khi người lớn chuyện gẫu, cảnh thường thấy tại các quán cà phê.
Giảng viên này phân tích thêm về nguyên nhân: “Tất cả các phương tiện này đều tương tác một chiều, chỉ đơn thuần phát ra thông tin, trong khi đó để trẻ từ 0 tháng tuổi đến 6 tuổi giao tiếp tốt, cần có sự tương tác 2 chiều. Trẻ bị hạn chế về tương tác dẫn đến bị hạn chế phát triển ngôn ngữ, tư duy. Đặc biệt, trẻ phản ứng đối thoại kém và không có nhu cầu về tương tác qua lại”.
Từ kinh nghiệm 9 năm điều trị, dạy dỗ cho các bé chậm nói, chậm phát triển và tự kỷ tại gia ở TP Quy Nhơn, cô giáo Trần Thị Ánh Phượng (đã tốt nghiệp chuyên ngành giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Quy Nhơn), cho hay, một số trường hợp trẻ bị chậm nói, chậm phát triển rơi vào gia đình ít con (con một). Bố mẹ, vì điều kiện công việc hoặc bận rộn, ít gần gũi, chơi với con. Con ở nhà với ông bà hoặc người giúp việc - vốn không có thời gian và đủ sức khỏe để chơi với con trẻ, nên cả ngày bé “giao tiếp” với tivi, ipad nhiều hơn. Tối về, ba mẹ chơi với con một chút rồi cho con đi ngủ. Ngày nọ qua ngày kia, thế giới của bé chỉ gói gọn trong tivi, game. Không được “nạp” vốn từ, vốn sống cần thiết để giao tiếp với thế giới bên ngoài, lâu dần bé trở nên tự cô lập, thu mình vào thế giới ảo, không muốn và không cần giao tiếp với người lạ.
Không thể cấm, cần hướng dẫn trẻ dùng đúng cách
Khi phát hiện ra con có “vấn đề”, có phụ huynh chuyển từ cực nọ sang cực kia. Trước con thoải mái chơi bao nhiêu thì nay bị cấm tiệt. Có phụ huynh còn đóng gói tivi đem đi cất, cấm cả nhà không được xem tivi luôn. Nhưng với cháu nhỏ, bao năm qua tivi như một người bạn thân, nay biến mất hẳn, bé đâm ra trầm cảm, thẫn thờ cả ngày. Cuối cùng tôi khuyên gia đình phải cho trẻ xem tivi trở lại nhưng giảm dần thời lượng, từ 8-10 tiếng một ngày, giảm xuống 5-7 tiếng và thấp nữa. Không nên cực đoan quá.
Các thiết bị điện tử công nghệ cao là phương tiện giao tiếp không thể thiếu trong xã hội hiện đại. Vì vậy, phụ huynh không nên và cũng không thể cấm con tiếp xúc, sử dụng mà nên hướng dẫn con dùng đúng cách, sử dụng tần suất vừa đủ phục vụ học tập và vui chơi giải trí.
Khi con còn nhỏ (2-3 tuổi), tuyệt đối không nên để trẻ xem tivi, chơi điện tử một mình, tự xoay xở với nguồn thông tin thu nạp được. Phụ huynh hãy cùng xem với con, thông qua các nhân vật, chi tiết trong phim, trò chuyện, gợi mở con trả lời các câu hỏi, từ đó hướng dẫn, uốn nắn con phát triển đúng cách.
Điển hình là trường hợp cháu Bin mà cô giáo Phượng đã điều trị. Ba công tác ở nước ngoài, cả năm mới về nhà một lần, mẹ cũng thường xuyên đi công tác dài ngày, Bin ở với ông bà, người giúp việc. Bin có hẳn một phòng riêng, một mình sở hữu 1 điện thoại iphone, 1 ipad, 1 máy vi tính và 1 tivi. Đến 4 tuổi, bé vẫn chưa nói được. Sau 2 năm học với cô giáo, bé nói chuyện thoải mái với cô, nhưng với người khác thì không vì thấy không tin tưởng, ngay cả với mẹ. Cuối cùng, mẹ bé phải nghỉ làm hẳn, toàn tâm toàn ý chơi với con. Bệnh tình của bé nay đã tiến triển nhưng chậm mất một năm học.
Chơi cùng con
Liệu các “bảo mẫu” này có phải là nguyên nhân gây ra các bệnh chậm nói, chậm phát triển hoặc có dấu hiệu tự kỷ ở trẻ? Cả vị giảng viên trên và cô giáo Phượng đều cho rằng trong mọi trường hợp thì không phải vì nhiều trẻ chơi nhưng không phải trẻ nào cũng bị bệnh. Song, với một số trường hợp đây lại là tác nhân trực tiếp. Tuy nhiên, vị giảng viên nhấn mạnh thêm: “Hầu hết các thiết bị điện tử công nghệ cao đều có ảnh hưởng hóa sinh đến sự phát triển vùng não bộ của trẻ. Vì vậy, không nên cho trẻ tiếp xúc quá sớm”.
Cả hai cho biết thêm, từ thực tế điều trị cũng cho thấy, nhiều phụ huynh chỉ chú ý đến việc lo cho con ăn, mà không mấy quan tâm đến việc chơi cùng con vì cho rằng không cần thiết. “Vậy nên có ông bố bà mẹ đã rất ngạc nhiên khi nghe tôi miêu tả các sở thích, tính cách của bé, thích ăn gì, chơi gì, khi giận dỗi sẽ ra sao. Họ nói sao hồi giờ mình chẳng biết gì cả, cô giáo làm gì mà để nó kể ra vậy. Tôi nói rằng mình chẳng làm gì cả, chỉ “chơi” với trẻ thôi , và phụ huynh cũng nên như vậy”, cô giáo Phượng tiết lộ thêm.
ANH THƯ
Vì sao các “ông vua” công nghệ cấm con mình sử dụng ipad, iphone
Trong gia đình của Steve Jobs (đồng sáng lập viên, chủ tịch và cựu tổng giám đốc điều hành của hãng Apple, đã mất) thậm chí có một lệnh cấm sử dụng các loại hình công nghệ này vào ban đêm và cuối tuần.
Hai con trai của Evan Williams, người sáng lập Blogger và Twitter, cũng bị cấm như vậy. Trong nhà của Evan Williams có tới hàng trăm cuốn sách, và những đứa trẻ có thể đọc chúng thoải mái, nhưng còn với máy tính bảng và điện thoại thông minh thì rất khó khăn. Chúng có thể sử dụng các thiết bị trên không quá một giờ mỗi ngày.
Vì lẽ, các nghiên cứu khoa học cho thấy trẻ con dưới 10 tuổi đặc biệt nhạy bén với các công nghệ mới và hoàn toàn có thể trở thành nô lệ của chúng. Steve Jobs đã làm đúng, bởi các nhà nghiên cứu kết luận rằng, trẻ con không nên chơi máy tính bảng hơn nửa giờ một ngày, điện thoại thông minh - không hơn 2 giờ một ngày. Trẻ em 10 - 14 tuổi có thể sử dụng các thiết bị công nghệ nhưng chỉ sau khi làm xong các bài tập về nhà.
N.SƠN (Tổng hợp)