Đứa con kẻ tử tội
Truyện ngắn của VÕ HẠNH
Một hồi chuông réo vang. Cả hội trường xử án đang xôn xao bỗng im bặt. Chủ tọa phiên tòa dõng dạc đọc bản tuyên án: “Căn cứ vào điều… khoản… của Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Căn cứ vào tính chất phạm tội… nay tòa tuyên án phạt bị cáo V.C.T tội “TỬ HÌNH”. Hai tiếng “tử hình” vang lên khiến mọi người có mặt đều nín thở. Tên tử tội kêu lên yếu ớt: “Con ơi!” rồi quỵ ngã xuống vành móng ngựa. Bốn công an lập tức khóa tay đưa hắn ra xe. Những kẻ hiếu kỳ bám theo chật kín. Một đứa bé trai khoảng chừng năm, sáu tuổi cố chen lấn chạy theo kêu gào thảng thốt: “Ba ơi! Ba đi đâu nữa đấy? Sao không về nhà mình hở ba? Ba ơi!”. Nhưng chiếc xe chở tên tử tội đã lao đi. Tiếng gọi của thằng bé lạc lõng rồi chìm nghỉm vào giữa đám đông người hỗn loạn…
Đoạn cuối của phiên tòa lưu động xét xử vụ án giết người ở một huyện trung du hơn 5 năm về trước làm xôn xao dư luận một thời gian rồi cũng đi vào quên lãng. Mọi người như bị cuốn vào cuộc sống lo toan của riêng mình, ít ai để ý đến số phận của đứa bé trai năm nọ.
***
Thằng Hải - thằng bé con năm ấy đã lớn lên trong một ngôi nhà nhỏ bên rìa núi. Trông nó đen đủi và hoang dại như một con sói rừng. Nó không được yêu thương như những đứa trẻ khác. Mẹ nó đi buôn bán đường xa, cả tháng mới về với nó vài ngày rồi lại đi biền biệt. Thằng Hải cũng đi học nhưng nó có rất ít bạn. Mà lũ bạn hình như cũng hay e dè với nó. Một lần thằng Hải bẫy được con chim rừng thật đẹp. Nó xách đi bộ gần cả năm cây số qua quãng đường đất để đến nhà cậu bạn ngồi bên cạnh. Cậu bạn thích lắm. Hai đứa hào hứng tìm mồi cho chim ăn. Không hiểu sao khi mẹ cậu bạn về hỏi nó con ai. Nghe nó nói tên ba nó thì bà sa sầm nét mặt, nắm tay bạn nó đẩy vào nhà đóng chặt cửa lại rồi xua nó bảo: “Thôi, thôi! Về đi, để nó học bài. Lần sau đừng đến rủ rê nó nữa nhé!”. Thằng Hải tần ngần với cái lồng chim trên tay. Nó lững thững ra về và nghe rất rõ tiếng chát chúa từ trong cánh cửa vọng theo: “Tao cấm mày không được chơi với cái thằng mà cha giết người, mẹ đĩ điếm đấy nghe chưa!”. Thằng Hải không hiểu. Nó về nhà hỏi mẹ. Mẹ nó phẩy tay: “Hơi sức nào để ý cho mệt. Nhà mình mình ở, đến nhà người ta chi”.
Cái nhìn định kiến của những người xung quanh. Sự vô tâm đến tàn nhẫn của người thân trong gia đình đã chặt đứt dần các mối quan hệ với cuộc sống bên ngoài của thằng Hải. Nó trở nên lầm lỳ, chai sạn như viên đá cuội trong khe núi và rất ít khi nó nói cười.
Ở trường, thằng Hải bị xếp vào diện học sinh cá biệt. Những công thức toán, những bài học văn học, lịch sử… nó học mãi mà không tài nào nhớ nổi. Học trước quên sau nên nó hay bị thầy cô la rầy. Chỉ có mỗi một môn Công dân là nó đủ điểm và cũng chỉ có giờ Công dân nó mới tập trung nghe giảng mà không nghĩ ngợi đến những chuyện khác. Cô Diệu Linh giọng thật ấm áp, mà những câu chuyện cô kể cũng thật hay. Thằng Hải như bị thôi miên. Nó ao ước cả tuần chỉ học mỗi môn Công dân. Ngày mai là đến giờ Công dân rồi. Cô Diệu Linh dặn lớp nó về nhà tìm đọc trước những mẫu chuyện về phòng chống tệ nạn xã hội. Nó đã tìm được hai chuyện, ngày mai nó sẽ xung phong đọc trước lớp.
Tâm trạng phấn chấn làm thằng Hải tươi tỉnh hẳn. Nó đi sớm quét lớp, lau bảng sạch sẽ, mặc dù không phải đến phiên nó trực nhật. Nó thích giờ học của cô Diệu Linh bởi vì bao giờ cô cũng bắt đầu và kết thúc bài học bằng những mẫu chuyện ngắn gọn nhưng thâm thúy. Hôm nay, trước khi kết thúc bài học, cô Diệu Linh ôn tồn dặn cả lớp:
- Các em cần tích cực tham gia vào công tác phòng chống các tệ nạn xã hội, tránh xa cờ bạc, rượu chè, thuốc lá… Bởi vì đó là những nhân tố có thể hủy hoại dần nhân cách con người và dẫn con người đến phạm tội.
Và để chứng minh cho lời nói của mình, cô lấy ra một tờ báo cũ đọc chuyện một vụ án giết người nghiêm trọng mà nguyên nhân cũng từ men rượu. Thằng Hải chăm chú lắng nghe từng lời. Bỗng trong lớp có tiếng xì xào: “Ba thằng Hải đấy!”. Một cặp mắt. Hai cặp mắt. Rồi cả lớp đổ dồn về phía nó. Cô Diệu Linh dừng đọc, nghiêm giọng:
- Lớp im lặng! Có chuyện gì thế các em?
Một trò đứng lên:
- Thưa cô, tên giết người trong bài báo là… ba của bạn Hải đấy ạ!
Thằng Hải ngơ ngác. Mặt nó tái mét. Miệng ú ớ không thành tiếng.
Cô Diệu Linh sững sờ:
- Trời ơi! Hải… Xin lỗi em! Cô… không biết…
Thằng Hải òa khóc rồi vụt chạy ra khỏi lớp. Trong đầu nó có tiếng chan chát như búa đập. Lâu nay nó vẫn chưa biết tường tận về cái chết của ba nó. Nó mang máng nhớ, hôm mẹ nó thuê xe thồ bảo cho nó đi nhà hát. Đến nơi nó thấy người ta dẫn ba nó đi. Rồi hơn một tháng sau, giữa đêm khuya, nó giật mình tỉnh giấc thấy trong nhà có nhiều người, bác nó, chú nó đang xúm lại lau vết máu trên người ba nó rồi mặc áo trắng, liệm vào quan tài. Nó gào khóc thì mẹ nó bịt chặt miệng nó lại. Người ta vội vã khiêng ba nó đi chôn trong đêm lén lút như kẻ trộm. Thằng Hải đâu biết được ba nó bị xử bắn. Nhà nó lén đào lên đem về khâm liệm, chôn cất. Nó hỏi mẹ nó ba nó vì sao chết. Bà bảo bị tai nạn khi đang làm giếng và còn dặn nó không được nói chuyện này với bất cứ ai. Thằng Hải còn quá nhỏ nên nó tin mọi điều người lớn nói. Trong trái tim của nó, hình ảnh ba vẫn đẹp lắm! Đến giờ đây nó mới biết sự thật: ba nó là kẻ giết người. Nó đau đớn tưởng chừng như trái tim sắp vỡ tan. Nó chạy về nhà với ý định sà vào lòng mẹ để khóc, để mẹ nó che chở nó khỏi ánh mắt chế giễu của bạn bè. Nhưng… nó đã ngã quỵ ngay xuống nền nhà khi nhìn thấy mẹ nó đang trên giường với người đàn ông mà bà mới đưa về bảo là bạn làm ăn. Trái tim thằng Hải như bị bồi thêm một mũi tên. Thất vọng về ba, căm ghét mẹ làm nó không thiết sống. Nó vùng dậy, băng núi, vượt rừng, chạy như mộng du, chạy như ma đuổi… Đến khi mở mắt, nó thấy mình nằm trong một ngôi nhà sàn, có tiếng người lao xao: “Nó sống lại rồi! Nó sống lại rồi!”.
Già làng Chơbri đi hái thuốc trên núi thấy thằng Hải nằm bất tỉnh dưới một vực đá nên cõng về. Nó bị ngã, đầu đập vào tảng đá chấn thương nên sau khi tỉnh lại cũng không nhớ là mình đến từ đâu nữa. Mười ngày sau dân làng Chơbri làm lễ cúng thần đặt tên mới cho thằng Hải gia nhập thành người làng.
Chưa đầy một năm mà thằng Hải lớn phổng ra. Nước suối, măng rừng làm đôi chân nó dẻo dai, cái vai nó khỏe mạnh. Nó cũng đóng khố đi rừng, gùi sắn như người làng Chơbri. Nó cũng thổi khèn, nhảy múa dưới sân nhà rông như trai tráng làng Chơbri. Và đêm nay, trong lễ mừng vụ mùa mới, thằng Hải được già làng Chơbri cho uống rượu cần. Nhưng cái tin làm nó sung sướng hơn cả là vài ngày nữa có cô giáo dưới xuôi lên bản dạy học. Già làng khen nó sáng dạ và bảo nó đi học để sau này dạy lại cái chữ cho con em của làng.
Thằng Hải háo hức chờ đợi cái ngày được đi học. Trong ngực nó như có tiếng trống trường rộn vang. Mắt nó rực sáng màu hoa phượng. Nó ngã mình xuống thảm cỏ bên đống than hồng. Bầu trời lồng lộng lấp lánh những vì sao. Nó đưa mắt đếm… rồi lịm dần vào giấc ngủ êm đềm. Trong mơ, nó thấy một ngôi trường giữa rừng thiêng, có tiếng suối du dương, có hương đại ngàn ngào ngạt. Bạn bè nó đều đi học. Già làng Chơbri cũng đi học.
V.H