55 năm ấy biết bao nhiêu tình
“Mối tình” Bình Ðịnh - Hà Tĩnh đã bước vào tuổi 55. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh luôn giữ tấm lòng son sắt, kiên trung, cùng kề vai sát cánh với nghĩa tình sâu nặng. Tháng 5, nhân kỷ niệm 55 năm kết nghĩa giữa hai tỉnh, đi trên quê hương Hồng Lam, chúng tôi cảm nhận được những ân tình sâu đậm.
Anh em một nhà
Chính thức kết nghĩa vào năm 1960, song mối lương duyên giữa Bình Định và Hà Tĩnh đã thật sự bắt đầu từ rất sớm trong lịch sử. Một thuở vua Quang Trung tiến quân ra Bắc đánh quân Thanh, giải phóng Thăng Long, trên đường đi đã dừng lại ở bắc Kỳ Anh (Hà Tĩnh) để tuyển thêm quân lương và voi trận. Trong đoàn quân thần tốc ấy có rất nhiều người con Hà Tĩnh tham gia, nhiều người đã thành tướng tài của quân Tây Sơn đã được sử sách chép ghi, như: Hồ Phi Chấn, Dương Văn Tào, Đặng Quốc Đống.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hà Tĩnh vừa là tiền tuyến của hậu phương lớn Miền Bắc, vừa là hậu phương của tiền tuyến lớn Miền Nam. Vì Miền Nam, vì Bình Định thân yêu, con em Hà Tĩnh đã lên đường tòng quân giết giặc. Trên quê hương, ngày ngày quân dân Hà Tĩnh thi đua lao động sản xuất, với tinh thần một người làm việc bằng hai, tất cả vì Bịnh Định ruột thịt.
Nguyên Bí thư tỉnh Hà Tĩnh, đồng chí Trần Quốc Thại, bồi hồi nhớ lại: “Ngày ấy, trên các số báo, trên các chương trình phát thanh ở Hà Tĩnh, đều dành thời lượng để đưa tin chiến sự, cổ vũ chiến thắng của quân dân Bình Định. Đúng như một nhà thơ đã viết: “Mỗi bữa ăn miếng cơm còn nghẽn cổ/ Bình Định ruột rà thương nhớ không nguôi”.
Chung dòng hồi tưởng, đồng chí Nguyễn Duy Quý, nguyên Quyền Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, cho biết: Bình Định và Hà Tĩnh có nhiều điểm tương đồng, lương duyên sâu thắm, có truyền thống bất khuất, kiên cường. Những năm 1930 - 1931, Hà Tĩnh có cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh; Bình Định có cao trào đấu tranh Cây số 7 Tài Lương, Hoài Nhơn. Trong những năm đánh Mỹ, hàng vạn thanh niên đã lên đường gia nhập vào đoàn quân giải phóng, nhiều đồng chí bám đất, bám dân và trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Bình Định, ở nơi đây, những cán bộ là con em Hà Tĩnh được cán bộ và nhân dân Bình Định yêu thương, che chở như con em ruột thịt của mình. Nhiều đồng chí đã chiến đấu kiên cường và hy sinh anh dũng hoặc để lại một phần xương máu trên quê hương Bình Định.
“Tôi mong rằng tiếp nối truyền thống của các thế hệ đi trước, lãnh đạo hai tỉnh tăng cường giáo dục cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tiếp tục gìn giữ, phát huy tình đoàn kết “Bình - Hà keo sơn” để hỗ trợ cùng nhau hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa của hai tỉnh”, đồng chí Nguyễn Duy Quý tâm sự.
Đã 55 năm trôi qua kể từ khi chàng trai Phạm Phê Phô - một người con Bình Định tập kết ra Hà Tĩnh (nay là cựu chiến binh) - nhưng ký ức về những ngày đầu ra Bắc vẫn in đậm trong tâm trí của ông. Ông xúc động nhớ lại thời kỳ gian khổ nhưng đầy hào hùng ấy: “Hà Tĩnh đón những người con Bình Định nồng nhiệt, cưu mang, đùm bọc. Mảnh đất này còn lắm những khó khăn nhưng luôn giàu tình cảm với con em Bình Định”.
Ông Đào Văn Tinh, nguyên cán bộ Ty Thủy lợi Hà Tĩnh nhớ lại: “Ngày đó mặc dù ông chưa một lần được đặt chân đến Bình Định nhưng khi nghe tin chiến thắng từ đất “Võ” ông và nhiều người thấy chộn rộn, mừng vui…”.
Dấu ấn Bình - Hà trên đất “mình thương”
Mối quan hệ ruột rà thủy chung Hà Tĩnh - Bình Định đã tạo nên một sức mạnh tổng hợp, động viên, cổ vũ Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh đẩy mạnh sản xuất, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. 55 năm - hơn nửa thế kỷ đã trôi qua - tình cảm gắn bó son sắt nghĩa tình luôn là động lực để cán bộ, đảng viên và nhân dân hai tỉnh vươn lên xây dựng quê hương ngày một mạnh giàu. Trong thời bình, cả hai vẫn luôn hỗ trợ nhau đắc lực trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.
Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ, tiểu đoàn Bình - Hà, vinh dự được mang tên 2 tỉnh kết nghĩa Hà Tĩnh và Bình Định. Tiểu đoàn có 5 đại đội đều được đặt tên gắn với các địa danh của tỉnh Bình Định như: Bình Định, An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn và Phù Mỹ... Trở lại Núi Nài trong những ngày tháng 5 lịch sử này, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Bình - Hà vẫn còn nhớ như in những trận đánh máy bay Mỹ bảo vệ các mục tiêu quan trọng trên địa bàn Hà Tĩnh vào những năm đầu đế quốc Mỹ leo thang đánh phá Miền Bắc.
Mối quan hệ thủy chung son sắt, gắn bó máu thịt giữa Hà Tĩnh - Bình Định không chỉ được đo bằng chiều dài năm tháng, mà còn được vun đắp bằng xương máu, bằng nghĩa tình sâu nặng. Tiếp nối truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước, trong sự nghiệp đổi mới hôm nay, chính quyền và nhân dân hai tỉnh tăng cường và đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế xã hội để cùng có bước phát triển nhanh, bền vững. Từ ấy, nhiều công trình mang dấu ấn văn hóa truyền thống giữa hai tỉnh được hình thành, tạo nên những nghĩa cử nặng ân tình của con người ở quê hương “mình thương”.
Đứng chân trên địa bàn phường Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh), năm học này, Trường Mầm non Bình Hà - ngôi trường mang tên hai tỉnh kết nghĩa Bình Định và Hà Tĩnh được hoàn thành với tổng kinh phí xây dựng 35 tỉ đồng (trong đó Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam - BIDV đầu tư 20 tỉ đồng), đưa vào sử dụng, đáp ứng niềm mong mỏi của phụ huynh và con em trên địa bàn. Công trình đầy ý nghĩa này là lời khẳng định mối đoàn kết, gắn bó keo sơn, cũng như mong ước về sự giàu đẹp giữa hai tỉnh tiếp tục được phát huy.
Trong thời khắc “lịch sử”, những ngày trung tuần tháng 5.2015, công viên Tuy Phước - công trình thể hiện tinh thần hợp tác, kết nghĩa thắm tình anh em của huyện Tuy Phước với huyện Can Lộc - cũng khánh thành và đưa vào sử dụng. Công viên Tuy Phước được đầu tư nâng cấp trên cơ sở công viên thanh thiếu niên huyện Can Lộc với tổng kinh phí 5 tỉ đồng từ nguồn ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp, trong đó huyện Tuy Phước hỗ trợ 200 triệu đồng. Đây là một trong những hoạt động thúc đẩy mối quan hệ kết nghĩa truyền thống giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai huyện.
Cùng nhau hợp tác, “chắp cánh” bay cao
Có thể nói trải qua các chặng đường lịch sử 55 năm, ngày nay, với những điều kiện mới, thời cơ mới, các thế hệ tiếp nối 2 tỉnh Bình Định - Hà Tĩnh đang cùng nhau viết tiếp những trang sử mới trong mối thâm giao của mình, xây dựng tình đoàn kết, thủy chung son sắt, nghĩa tình sâu nặng, chung bước trên con đường xây dựng và phát triển trong những năm tới.
Niềm hy vọng về sự khởi sắc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà như được nhân lên qua sự kiện lãnh đạo hai tỉnh Bình Định và Hà Tĩnh đã ký kết chương trình hợp tác phát triển giai đoạn 2016 - 2020 vào chiều 16.5. Theo đó, hai tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực nhằm đạt nhiều thành quả to lớn hơn. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, tại buổi ký kết, lãnh đạo hai tỉnh thống nhất sẽ thường xuyên tổ chức trao đổi kinh nghiệm trong phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực, chú trọng vào những thế mạnh của từng địa phương, như: kế hoạch - quy hoạch, nông - lâm - thủy sản, xây dựng nông thôn mới, xúc tiến đầu tư, thương mại...; chú trọng tạo điều kiện kêu gọi thu hút, động viên các doanh nghiệp là con em Bình Định, Hà Tĩnh đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn hai tỉnh, cùng phấn đấu xây dựng quê hương phát triển, giàu mạnh.
Chúng tôi xin mượn lời thơ trong trẻo, đậm đà tính quê hương, quyện trong thời khắc gian khổ, khắc ghi dấu ấn trong tinh thần quả cảm, giàu lòng son sắc của con người 2 tỉnh của Bùi Quang Thanh để khép lại bài viết: “Tiếng súng nổ trên đèo Cù Mông/Hoa lá Đèo Ngang bồi hồi thao thức/ Bom Ngô Mây nổ vào giặc Pháp/ Nâng căm thù cho anh Giót bịt lỗ châu mai/Hai mốt năm trời nỗi nhớ cháy khôn nguôi/Hà Tĩnh mở đường chở tình vào chia lửa/Quảng đất nước non ngàn cây số/Tầm súng giao nhau trên bầu trời Bến Thủy - Quy Nhơn…”.
* Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vui mừng trước sự đoàn kết, gắn bó và cùng giúp nhau phát triển giữa 2 tỉnh trong hơn nửa thế kỷ qua. Mối quan hệ giữa lãnh đạo, quân, dân 2 tỉnh từ các thế hệ là tình nghĩa keo sơn, thủy chung, hy sinh cao cả. Mối quan hệ tốt đẹp này có ý nghĩa quan trọng trong những năm chiến tranh cũng như trong hòa bình. Trong thời kỳ đổi mới, Hà Tĩnh và Bình Ðịnh đang bứt phá đi lên, đang thi đua cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
* Tại buổi Hội đàm vào ngày 16.5 của đại diện 2 đoàn tỉnh Bình Ðịnh và Hà Tĩnh cùng Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HÐQT BIDV đề xuất: “2 tỉnh nên thành lập Quỹ Bình - Hà để phát triển kinh tế tại 2 địa phương”.
NGUYỄN MUỘI - VĂN LỰC