Hoạt động khuyến công:
Góp phần phát triển CN-TTCN khu vực nông thôn
Hiện nay, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC) tỉnh đang đẩy mạnh công tác khuyến công bằng những hoạt động cụ thể, với mục tiêu góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) ở khu vực nông thôn.
Hoạt động khuyến công đã góp phần khôi phục nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Bana ở Vĩnh Thạnh.
- Trong ảnh: Đồng bào Bana ở làng Hà Ri (xã Vĩnh Hiệp - Vĩnh Thạnh) dệt thổ cẩm.
Kết quả bước đầu
Qua hơn 8 năm xây dựng và phát triển (từ năm 2005), TTKC tỉnh đã hoạt động khá hiệu quả trên các lĩnh vực: đào tạo, truyền nghề và du nhập nghề mới; khôi phục làng nghề truyền thống (LNTT); chuyển giao công nghệ cho các cơ sở sản xuất CN-TTCN… Cụ thể, từ năm 2005 đến nay, bằng nguồn kinh phí của Trung ương và của tỉnh, TTKC đã hỗ trợ trên 10 tỉ đồng cho các địa phương đầu tư xây dựng hạ tầng và khôi phục các LNTT, như nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Bana ở Vĩnh Thạnh; nghề dệt chiếu cói ở Hoài Châu Bắc, dệt thảm xơ dừa ở Tam Quan Nam (Hoài Nhơn); rượu Bàu Đá Nhơn Lộc (An Nhơn)..., giúp các làng nghề nâng cao năng lực sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, một số nghề đang có nguy cơ mai một đã được phục hồi và phát triển thành làng nghề ở cấp độ cao hơn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 38 LNTT được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chí làng nghề, bằng 70% tổng số LNTT trên địa bàn tỉnh.
“Một số nghề đang có nguy cơ mai một đã được phục hồi và phát triển thành làng nghề ở cấp độ cao hơn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 38 LNTT được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chí làng nghề, bằng 70% tổng số LNTT trên địa bàn tỉnh”
Các chương trình khuyến công của tỉnh cũng đã hỗ trợ gần 5 tỉ đồng để du nhập nghề mới, xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho các cơ sở sản xuất CN-TTCN ở khu vực nông thôn. Trong đó, TTKC đã đầu tư trên 2 tỉ đồng đào tạo nghề làm các sản phẩm mỹ nghệ từ bẹ chuối, nghề đan lồng chim, đan bàn ghế nhựa giả song mây… cho gần 4.000 lao động ở An Nhơn, Phù Cát, Tuy Phước, Hoài Nhơn...
Ông Nguyễn Văn Thu, Giám đốc Công ty cổ phần An Phúc Thịnh (chuyên sản xuất bàn ghế nhựa giả song mây ở An Nhơn), cho biết: “Trong thời gian qua, đơn vị chúng tôi đã được TTKC tỉnh hỗ trợ trong việc đào tạo nghề cho người lao động. Tuy kinh phí khuyến công hỗ trợ không nhiều, nhưng đây là sự tiếp sức đáng quý trong lúc doanh nghiệp gặp khó khăn. Hơn 100 lao động được TTKC tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề hiện nay đều làm việc rất tốt, thu nhập bình quân đạt trên 3 triệu đồng/người/tháng…”.
Ngoài ra, các chương trình khuyến công cũng đã góp phần tạo động lực, khuyến khích các cơ sở sản xuất CN-TTCN ở khu vực nông thôn mạnh dạn đầu tư, áp dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho sản phẩm, làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp ở khu vực này. Nếu như năm 2005, giá trị sản xuất công nghiệp ở khu vực nông thôn tỉnh ta chiếm tỉ trọng dưới 25% so với tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, thì hiện nay đã tăng lên gần 34%.
Hướng đến mục tiêu mới
Theo đánh giá của ngành chức năng, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động khuyến công ở tỉnh ta vẫn còn một số tồn tại: Nguồn vốn hỗ trợ của TTKC cho các đề án, nhất là đề án trình diễn mô hình kỹ thuật còn hạn chế, chưa khuyến khích được các cơ sở sản xuất CN-TTCN kết hợp với khuyến công đầu tư vốn mở rộng sản xuất. Nhận thức của người dân về hoạt động khuyến công cũng như chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ khuyến công còn hạn chế. Số học viên bỏ nghề sau đào tạo còn cao; đầu ra sản phẩm còn khó khăn do việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chưa hiệu quả… Bên cạnh đó, ngành công nghiệp ở khu vực nông thôn của tỉnh cũng còn nhiều khó khăn. Dù trong những năm gần đây các cơ sở ngành nghề nông thôn trong tỉnh đã tăng nhanh về số lượng, nhưng lại phân bổ không đều, quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu và mang tính chất kinh tế hộ gia đình là chủ yếu. Do đó, việc tiếp xúc cũng như triển khai xây dựng đề án, hoàn thiện các thủ tục thanh quyết toán cũng rất khó khăn…
Ông Nguyễn Bá Tài, Giám đốc TTKC tỉnh, cho biết: “Những tồn tại nêu trên đã làm cho các chương trình khuyến công chưa đem lại kết quả như mong muốn. Để phát huy hơn nữa hiệu quả của công tác khuyến công, đồng thời khắc phục những hạn chế, trong thời gian đến, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương bố trí cán bộ chuyên trách lĩnh vực công nghiệp, thương mại. Hỗ trợ thành lập mạng lưới khuyến công viên cấp xã nhằm nâng cao hiệu quả công tác khuyến công. Ngoài ra, TTKC tỉnh cũng sẽ tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm phổ biến rộng hơn nữa chính sách khuyến công, qua đó khuyến khích người lao động, cơ sở sản xuất CN-TTCN ở khu vực nông thôn tham gia và thụ hưởng, đồng thời huy động thêm nguồn lực xã hội cho công tác khuyến công… Mục tiêu mà tỉnh đặt ra là đến năm 2015, tỉ trọng giá trị sản xuất CN-TTCN ở khu vực nông thôn chiếm 38% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh”.
Để thực hiện đạt mục tiêu này, trong năm 2013, từ nguồn kinh phí của Trung ương và của tỉnh, TTKC sẽ triển khai 18 đề án khuyến công trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 9 đề án khuyến công được thực hiện từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, với tổng kinh phí thực hiện trên 18 tỉ đồng, và 9 đề án khuyến công được thực hiện từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, với tổng kinh phí thực hiện trên 3,3 tỉ đồng. Các đề án khuyến công này chủ yếu tập trung vào công tác đào tạo nghề, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ đầu tư thiết bị máy móc, xây dựng các hiệp hội ngành nghề, bảo tồn và phát triển các LNTT...
NGỌC THÁI