Trưng bày, triển lãm hình ảnh, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta (*)
Sáng 18.5, tại 26 Nguyễn Huệ, TP Quy Nhơn, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã khai mạc phòng trưng bày, triển lãm các hiện vật, tư liệu, tranh ảnh về Bác Hồ với chủ đề: “Bác Hồ với nhân dân Bình Định, nhân dân Bình Định với Bác Hồ” và “Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế”.
Người xem nghe thuyết minh viên nói về cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại của Hồ Chí Minh và tình cảm của Bác với nhân dân.
Khu trưng bày, triển lãm đã giới thiệu với người xem nhiều hiện vật, tư liệu, tranh ảnh quý hiếm về Bác. Qua đó cho thấy tình thương yêu bao la của Bác Hồ đối với nhân dân ta, nhân dân thế giới và nhân dân ta, nhân dân thế giới đối với Người. Bộ sưu tập hình ảnh “Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế” (gồm 110 ảnh) với 2 nội dung chính: Bác Hồ với các tầng lớp nhân dân ta và Bác với tình đoàn kết giữa các dân tộc và tình cảm, sự ủng hộ, đoàn kết của nhân dân tiến bộ thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhiều người xem xúc động với Chiếc áo choàng Bác Hồ tặng cho ông Huỳnh Đăng Thơ (xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn), khi ông tập kết ra Bắc và được làm việc gần Bác. Đó là mùa đông giá rét năm 1958, Bác thấy ông Huỳnh Đăng Thơ mặc chiếc áo mỏng manh, Bác nói người miền Nam khó chịu đựng được cái rét buốt của miền Bắc và đã mang chiếc áo choàng này đến tặng cho Huỳnh Đăng Thơ. Dù đây là chiếc áo chiến lợi phẩm ta thu được của Pháp trong chiến dịch Đông Khê năm 1950, nhưng ông Huỳnh Đăng Thơ xem nó là kỷ vật quý giá nhất của đời mình. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30.4.1975, ông mang áo về quê hương và cất giữ nó rất cẩn thận. Trước khi qua đời, ông Huỳnh Đăng Thơ trao kỷ vật này cho cháu nội cất giữ và con trai ông là Huỳnh Đăng Én quyết định tặng chiếc áo cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh lưu giữ.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hồng, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh: “Trưng bày, triển lãm là dịp gợi nhắc công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân dân Bình Định nói riêng, với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế nói chung. Đồng thời, qua đây, giáo dục thế hệ trẻ càng thêm tự hào, kính yêu Bác. Từ đó, có những việc làm thiết thực góp phần xây dựng quê hương, đất nước”.
Trong các hình ảnh về Bác với nhân dân, tấm ảnh “Bác Hồ với thiếu nhi Tam Quan” là tư liệu quý của Bác về Bình Định. Tấm ảnh được chụp vào tháng 2.1958 trong buổi gặp mặt Bác Hồ và thiếu nhi học sinh miền Nam. Tại buổi gặp mặt này, Đoàn thiếu nhi Tam Quan (Bình Định) đã tặng Bác bức thư thêu bằng vải, phía góc trái thêu hình con chim bồ câu trắng đang bay lên, ở giữa là câu “Nam Bắc một nhà” được thêu lớn, phía dưới được thêu nhỏ hơn câu “Đoàn thiếu nhi Tam Quan, Liên khu 5”.
Ngoài ra, một số tranh ảnh, hiện vật, tư liệu như: Sách “Nhân dân Bình Định với Bác Hồ” (một công trình nghiên cứu và xuất bản nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh), Hai bài vị thờ của bà Võ Thị Đời (phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn)... cũng gây ấn tượng và làm người xem xúc động.
Có mặt tại Khu trưng bày, triển lãm từ rất sớm, sinh viên Trương Tấn Lộc (Lớp Sư phạm Lịch Sử- K33, Trường Đại học Quy Nhơn), tâm đắc: “Tôi và các bạn cùng lớp đã rủ nhau đến đây xem Triển lãm. Những tư liệu, hiện vật, tranh ảnh về Bác với Bình Định thật sự là những tư liệu quý, giúp ích cho ngành học của chúng tôi rất nhiều”. Còn em Nguyễn Ngọc Phi Thiện (học sinh lớp 6A1, Trường THCS Lê Lợi), nói: “Đây là lần đầu tiên em tham gia Triển lãm, em ấn tượng nhất là hình ảnh bộ quần áo ka - ki đã bạc màu và chiếc mũ cối của Bác. Nhìn hiện vật em càng thêm yêu quý Bác và học tập được phẩm chất giản dị, mộc mạc của Người”.
KIM CƯƠNG
(*) Câu thơ trong bài thơ Theo chân Bác của Tố Hữu.