Tôn vinh anh hùng chống Pháp Võ Duy Dương
Sáng nay, 19.5, tại Đền thờ Võ Duy Dương, thuộc thôn Nam Tượng 1, xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn, UBND tỉnh long trọng tổ chức Lễ khởi công xây dựng tôn tạo Đền thờ anh hùng Võ Duy Dương - một trong những lãnh tụ nghĩa quân chống thực dân Pháp đầu tiên ở nước ta.
1.
Đây là sự kiện quan trọng nhằm tôn vinh anh hùng chống Pháp Võ Duy Dương, một nhân vật lịch sử có nguồn gốc dòng tộc từ Bình Định. Theo lịch sử, Võ Duy Dương sinh năm Minh Mạng thứ 8 (1827) tại thôn Cù Lâm Nam, tổng Nhơn Nghĩa, huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn (nay là thôn Nam Tượng 1, xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn).
Hưởng ứng chính sách đồn điền do vua Tự Đức ban hành, năm 1857 Võ Duy Dương vượt biển tìm đến đất Ba Giồng, Đồng Tháp Mười chiêu dân lập ấp. Năm 1859, Pháp đánh chiếm Gia Định, ông cùng Thủ khoa Huân chiêu mộ nghĩa quân chống pháp. Thành Gia Định vỡ, ông về Huế bái yết vua Tự Đức hiến kế đánh đuổi Pháp. Sau đó, ông được điều về Quảng Ngãi dẹp cuộc nổi dậy ở Thạch Bích và được phong hàm Chánh bát phẩm Thiên hộ năm 1860. Năm Tự Đức thứ 15 (1861) ông nhận sắc chỉ phái vào Nam Kỳ sung vào phái bộ của Khâm phái quân vụ Đỗ Thúc Tĩnh, chiêu mộ nghĩa dõng chống ngoại xâm. Nghĩa quân lấy vùng rừng đầm lầy Đồng Tháp Mười làm căn cứ.
Giữa lúc nghĩa quân đang quyết chiến, triều đình Huế ký Hoà ước Nhâm Tuất (1862) và buộc các tổ chức nghĩa quân phải hạ khí giới. Không tuân lệnh, ông bị triều đình tướt binh quyền và sai người lùng bắt. Nhưng Võ Duy Dương đã cùng các nghĩa sĩ vẫn kiên cường chiến đấu. Năm 1866, Pháp huy động một lực lượng lớn quân thuỷ bộ quyết đánh chiếm sở chỉ huy của nghĩa quân, trước sức công phá của vũ khí mạnh, nghĩa quân phải rút đi. Tháng 10 năm 1866, Võ Duy Dương dùng thuyền theo đường biển ra Bình Thuận để liên lạc với nghĩa sĩ miền Trung nhằm gây dựng lại lực lượng, đến cửa biển Cần Giờ, ông cùng các thuộc hạ bị cướp biển sát hại.
Để tưởng nhớ ông, tại Gò Tháp (xã Mỹ Hoà, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), nhân dân lập Đền thờ ông và đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 2006.
2.
Trên mảnh đất Bình Định giàu truyền thống lịch sử - văn hoá, những năm qua, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh rất quan tâm đến công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị các di sản văn hoá. Đền thờ Võ Duy Dương tại quê hương (Nhơn Tân, An Nhơn) do dòng họ xây dựng được xếp hạng di tích năm 2007.
Phối cảnh xây dựng mới Đền thờ Võ Duy Dương.
Nhằm tỏ lòng kính ngưỡng, tri ân, tôn vinh xứng tầm anh hùng chống Pháp Võ Duy Dương và lưu lại cho hậu thế một công trình kiến trúc lịch sử, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở VH-TT&DL và các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về quy hoạch thiết kế xây dựng Đền thờ Võ Duy Dương, khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục đầu tư xây dựng công trình. Đến nay, thiết kế quy hoạch công trình xây dựng Đền thờ Võ Duy Dương đã được hoàn thành: Thiết kế quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 quy mô khoảng 3.600m2, lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1/500 quy mô 10.600m2; gồm 3 khu vực. Trong đó, Khu vực 1 là khu vực bảo vệ bên trong di tích, có các hạng mục: Cổng ngõ, tường rào, Bình phong, Sân hành lễ, Cột cờ, Đền thờ, Nhà vọng cảnh, Nhà quản lý điều hành, Nhà soạn lễ, Khu vệ sinh chung và hệ thống trang trí điện chiếu sáng, hệ thống cấp thoát nước, sân vườn, đường nội bộ, cây xanh cảnh quan… Khu vực 2 là bãi đậu xe; Khu vực 3 là khuôn viên đất ngoài di tích tiếp giáp với các tuyến giao thông đối ngoại. Kinh phí xây dựng tôn tạo Đền thờ từ vận động xã hội hoá và một phần ngân sách Nhà nước.
Với truyền thống, đạo lý ngàn đời của dân tộc ta “Uống nước nhớ nguồn”, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm, bà con thân tộc tích cực đóng góp công sức, tiền của chung tay thực hiện dự án xây dựng tôn tạo di tích lịch sử Đền thờ anh hùng Võ Duy Dương sớm được hoàn thành, phát huy giá trị. Điều đó, không những nói lên lòng tự hào và biết ơn tiền nhân của hậu thế, mà còn góp phần đắc lực vào tiến trình xây dựng và bảo vệ đất nước của thế hệ hôm nay cũng như mai sau.
NGUYỄN THANH QUANG
Cụ Võ Bách năm nay 92 tuổi, ở thôn Phú Hòa xã Tây Xuân huyện Tây Sơn, một người cao tuổi nổi tiếng về các công tác xã hội của tỉnh, một cựu sĩ quan quân đội thời chống Pháp, chống Mỹ...là một trong những hậu duệ của anh hùng Võ Duy Dương. Thật ra, trước khi Hội sử học Việt Nam, Tạp chí Xưa và Nay, lãnh đạo tỉnh BĐ tìm lại nguồn gốc của anh hùng Võ Duy Dương thì trong gia phả dòng tộc của cụ Võ Bách đã có ghi về ông Võ Duy Dương-Thiên hộ Dương. Các cụ cao tuổi dòng họ Võ của cụ Bách còn kể về chuyện giỏi võ và sức mạnh của Thiên hộ Dương...