Vọng mãi Trường Sơn
Trong hành trình về dự lễ kỷ niệm 55 năm kết nghĩa giữa hai tỉnh Bình Ðịnh và Hà Tĩnh vừa qua, đoàn đại biểu tỉnh ta có dịp đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Tại đây, chúng tôi kịp ghi lại câu chuyện xúc động của những người lính Bình Ðịnh với đồng đội, đồng hương đã ngã xuống trên “tuyến lửa” Trường Sơn huyền thoại.
Anh tôi nằm lại nơi này!
Sau lễ dâng hoa, dâng hương, phút mặc niệm tại đài tưởng niệm uy nghiêm, sừng sững, các đại biểu Bình Định đã tản ra các khu mộ để thắp nén tâm nhang, tri ân những người đã hi sinh. Gây chú ý đặc biệt cho chúng tôi là hình ảnh người cựu chiến binh lặng lẽ bày bánh trái, vàng mã và rót rượu lên một phần mộ. Lặng lẽ thắp nén hương, ông ngồi đăm chiêu, thì thầm trò chuyện đôi điều với người nằm dưới mộ. Khói hương, cái nắng khô khốc của Quảng Trị những ngày tháng 5 và quan trọng hơn cả là niềm xúc động đã làm mắt ông đỏ hoe, cay xè.
Người cựu chiến binh ấy là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng Nguyễn Kim (83 tuổi, ở TP Quy Nhơn). Và người nằm dưới mộ là Trung úy Nguyễn Huých, anh trai ruột của ông, hi sinh vào ngày 26.6.1966.
Vuốt ve tấm bia khắc tên anh trai, ngắm nghía mấy cành hoa sen bằng vải được cắm trên mộ, ông Kim rưng rưng kể lại: “Anh tôi đi bộ đội năm 1947. Kể từ đó, gia đình không nhận được tin tức của anh. Sau này, chúng tôi được thông tin anh đã nằm xuống ở đất Quảng Trị nhưng không biết cụ thể là đang được an táng ở đâu. 10 năm trước, trong một chuyến đi thăm lại các “địa chỉ đỏ”, tôi may mắn tìm thấy anh mình ở Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Ngày ấy, như có anh dẫn đường, vừa thắp nhang tại tượng đài xong, tôi đi thẳng một mạch về Khu I và nhìn thấy tên anh đầu tiên”.
Giây phút ấy, ông Kim bật khóc, nức nở như trẻ nhỏ. Chiến tranh đã chia cắt hai anh em họ. Phút gặp lại nhau, một người - tóc đã trắng như cước, người còn lại - cỏ đã lên xanh. Buồn thương xen lẫn niềm vui hội ngộ. Mặt khác, ông Kim cũng thấy an lòng bởi anh đang nằm giữa đồng đội và được nhiều người chăm sóc, bảo vệ.
Sau chuyến viếng mộ anh trai này, ông Kim dự định đưa mộ anh về quê hương. “Dẫu biết, anh nằm ở đó, giữa chốn huyền thoại, linh thiêng, lại được chăm chút cẩn thận nhưng tôi vẫn có ý định đưa anh về. Bởi, tuổi tôi đã cao, sợ rằng những chuyến thăm anh không còn được nhiều nữa. Mà về với quê hương, với gia đình, có con cháu chăm lo, chắc anh sẽ ấm lòng hơn”, ông Nguyễn Kim tâm sự
Tên anh hóa thành bất tử
Trong số hơn 10.300 mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Bình Định có 15 người. Họ lên đường ra trận theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chiến đấu ngoan cường và ngã xuống khi tuổi vừa mười tám, đôi mươi. Đứng trước họ, tất thảy mọi người, dù là lần đầu tiên hoặc đã nhiều lần đến nơi này, đều không khỏi xúc động. Đó không chỉ là niềm xúc động bởi thương tiếc, xót xa mà còn xen lẫn tự hào, biết ơn.
Ông Nguyễn Khắc Minh - Phó Ban liên lạc bộ đội Trường Sơn tỉnh - xúc động khi nhớ đến những đồng đội đã ngã xuống trên “tuyến lửa”. Ông Minh tâm sự: “Nơi đây là nơi yên nghỉ của những con người đã khai mở, giữ vững cho con đường huyền thoại trong suốt 6.000 ngày đêm. Nó trở thành minh chứng bi hùng của cuộc cách mạng dân tộc thế kỷ XX, giúp mọi thế hệ thấm thía giá trị của hòa bình, độc lập”.
Theo ông Hồ Tất Ái, Trưởng ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, mỗi năm, đồi Bến Tắt đón hơn 50.000 lượt người vào viếng mộ các anh trong niềm biết ơn chân thành. Ở đó, những câu chuyện về những người liệt sĩ anh hùng, đã bất tử cùng với những chiến công tiếp tục được truyền lại dưới gốc cây bồ đề 40 năm tuổi. Và rồi, “...Mười nghìn trái tim neo ở đầu nguồn/ Mười nghìn đôi vai từng gánh Trường Sơn/ Mười nghìn đôi tay mở rừng xé núi/... Mười nghìn Trường Sơn trong một Trường Sơn...” (Khát vọng Trường Sơn – nhà thơ Nguyễn Hữu Quý) sẽ còn sống mãi trong tâm khảm của hàng triệu người dân Việt.
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn được khởi công xây dựng vào ngày 24.10.1975 và hoàn thành vào ngày 10.4.1977. Chỉ huy xây dựng là Bộ Tư lệnh Sư đoàn 559 với sự tham gia của hơn 40 đơn vị bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương. Nghĩa trang rộng 52 ha, thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Phần đất mộ được phân thành 10 khu vực chính. Ðây là nơi yên nghỉ của hơn 10.300 liệt sĩ đã hi sinh trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, tôn vinh hàng ngàn chiến sĩ đã hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh biên giới.
NGUYỄN MUỘI