Qua 8 năm triển khai Luật Trợ giúp pháp lý: Cần điều chỉnh để phù hợp thực tế
Từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh có trên 19.800 người được trợ giúp pháp lý (TGPL) miễn phí theo yêu cầu nhờ có dịch vụ tư vấn, TGPL miễn phí. Tuy nhiên, bên cạnh các hoạt động hiệu quả, hoạt động TGPL cũng đã bộc lộ một số bất cập cần được điều chỉnh về chính sách.
Sẵn sàng trợ giúp cho dân
Trong số trên 19.800 vụ, việc được tư vấn thì tư vấn về lĩnh vực đất đai chiếm số lượng lớn nhất (4.961 vụ), tiếp đến là ưu đãi chính sách (2.644 vụ), dân sự (2.547 vụ), hôn nhân gia đình (2.263 vụ), hình sự (2.150 vụ)... Đối tượng được TGPL phần lớn thuộc diện yếu thế trong xã hội, trình độ hiểu biết về pháp luật còn nhiều hạn chế. Trong 8 năm qua, đã có tổng cộng 2.707 người thuộc diện hộ nghèo, 2.032 người có công, 296 người già cô đơn, 4.022 người dân tộc thiểu số, 1.512 trẻ em và người chưa thành niên… được TGPL bằng các hình thức: tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và các hình thức TGPL. Khi gặp vướng mắc về pháp luật, không đủ điều kiện để tư vấn hoặc thuê luật sư người dân chủ động đến các trung tâm TGPL trong tỉnh để được hướng dẫn, tư vấn tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn về pháp lý mà không phải tốn tiền.
Anh Nguyễn Trần Khiêm, Chi hội trưởng chi hội khuyết tật Niềm Tin (huyện Vân Canh) đồng thời cũng là một cộng tác viên về TGPL, cho biết: “Nhờ có các hoạt động TGPL, người khuyết tật đã hiểu hơn về các chế độ, chính sách của Nhà nước dành cho mình như: chế độ hỗ trợ miễn giảm một số dịch vụ công cộng, vay vốn hay học nghề. Mỗi lần được đi tập huấn về TGPL ở tỉnh, tôi lại về tuyên truyền, hướng dẫn những chính sách pháp luật mới cho những người đồng cảnh ngộ như mình tại địa phương, hoặc hướng dẫn họ đến đúng nơi cần đến để được tư vấn, hướng dẫn”.
Thông qua các đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật, sinh hoạt chuyên đề pháp luật rộng rãi trong nhân dân, các trung tâm TGPL trong tỉnh giúp người dân nâng cao nhận thức, quyền lợi và nghĩa vụ của mình, góp phần giải quyết những mâu thuẫn nội bộ nhỏ nhặt trong cuộc sống. Đặc biệt, ở các địa phương “nóng” về khiếu kiện liên quan đến chính sách bồi thường, giải tỏa, năng lực thực hiện chính sách công vụ hành chính của cán bộ cơ sở một số nơi còn hạn chế, thì hoạt động TGPL kịp thời tại những nơi này đã góp phần giải tỏa được những bức xúc của người dân, hướng dẫn họ khiếu kiện đúng nơi, đúng chỗ, đồng thời góp phần khắc phục một số bất cập trong quá trình tổ chức và thực thi pháp luật ở cơ sở.
Cần điều chỉnh cho phù hợp
Tuy nhiên, theo UBND tỉnh, qua 8 năm thực hiện, Luật TGPL đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
TGPL hiện nay không chỉ là nhu cầu của người dân mà còn là yêu cầu của xã hội. Để người dân có sự lựa chọn khi tham gia vào các quan hệ pháp luật, và từng bước tạo điều kiện cho người dân ứng xử theo pháp luật, cần có người bào chữa hoặc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều người không thuộc đối tượng được TGPL miễn phí theo quy định, lại cũng chẳng có khả năng để thuê luật sư tư vấn, bào chữa; do đó, dù rất cần được tư vấn trợ giúp trong các vụ án, nhưng trung tâm TGPL không thể cử người tham gia. Việc này cũng giải thích được tình trạng năng lực thực hiện TGPL ở địa phương thừa đáp ứng nhu cầu của người dân, nhưng số lượng vụ, việc tham gia tố tụng lại còn thấp. Theo thống kê, trong năm 2014 có trên 5.000 vụ án các loại được đưa ra xét xử trên địa bàn tỉnh nhưng chỉ có trên 500 đối tượng thuộc diện được TGPL, chiếm tỉ lệ chưa đến 10%. Do đó, trong Luật TGPL cần củng cố tổ chức TGPL miễn phí của Nhà nước song hành với tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý có thu phí.
Ngoài ra, đối với các hoạt động tố tụng, các quy định triển khai thi hành Luật TGPL chưa đồng bộ với các quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, dân sự, hành chính. Cho đến nay, cũng chưa có hướng dẫn từ cơ quan chức năng (Bộ Công an, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, Viện KSND tối cao, TAND tối cao) nên việc thực hiện còn thiếu đồng bộ. Mặt khác, Bộ Tư pháp cũng chưa có sự phối hợp với các bộ, ngành liên quan, nhất là cơ quan tố tụng để hướng dẫn về đối tượng được TGPL theo Nghị định triển khai thi hành Luật TGPL (theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia) nên hiện mới chỉ có đối tượng là người chưa thành niên được TGPL.
THU HÀ