Quản lý nhà nước về VSATTP: Còn nhiều khoảng trống
Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là lĩnh vực mang tính thiết thân đối với đời sống xã hội. Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này đang tồn tại không ít khoảng trống...
3 điểm nóng
Ngày 7.9.2012, Chính phủ ban hành Quyết định số 1228/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia VSATTP giai đoạn 2012-2015. Chương trình gồm 6 dự án, trong đó 4 dự án do Bộ Y tế chủ trì, 1 dự án do Bộ NN&PTNT chủ trì và 1 dự án do Bộ Công Thương chủ trì. Hằng năm, Sở Y tế và Sở NN&PTNT đều được phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia VSATTP, riêng Sở Công Thương lại phải “tự lo” kinh phí cho các hoạt động liên quan đến công tác đảm bảo VSATTP.
Cán bộ đoàn thanh tra liên ngành về VSATTP tỉnh thực hiện test nhanh mẫu rau tại Metro Quy Nhơn.
Kinh phí cho công tác đảm bảo VSATTP rất hạn chế, đặc biệt kinh phí Chương trình mục tiêu bị cắt giảm nhiều trong thời gian qua. Kinh phí cấp cho Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP (BCĐ) cấp huyện từ Chương trình mục tiêu trong năm 2015 là 5 triệu đồng/huyện, chỉ đủ cho công tác truyền thông. Theo quy định, UBND cấp huyện phải bố trí kinh phí cho hoạt động ATTP, tuy nhiên các địa phương vẫn “ngó lơ”. Phó chánh Thanh tra Sở Y tế Lê Cảnh Sơn lấy ví dụ, qua kiểm tra tình hình tại các huyện Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão nhân Tháng hành động vì ATTP năm nay, chỉ có duy nhất Hoài Nhơn bố trí 60 triệu đồng cho BCĐ hoạt động. Tuyến huyện đã “hẻo”, đến tuyến xã thì hầu hết “tay không bắt giặc”.
Bên cạnh đó là những bất cập về nhân lực. Đến nay, ngành Nông nghiệp và Công Thương vẫn chưa có mạng lưới quản lý ATTP tại tuyến huyện, xã. Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Mai Xuân Hoàng cho hay, lực lượng quản lý thị trường có hệ thống “chân rết” đắc lực ở cơ sở, thông thạo địa bàn, nắm chắc tình hình kinh doanh thực phẩm. “Vậy nhưng chúng tôi lại như đứng ngoài cuộc, không được cơ cấu trong BCĐ”, ông Hoàng bức xúc nói.
Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Trần Thị Ánh Hồng bổ sung thêm một sự “tréo ngoe” là BCĐ cấp xã thường do Phó Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, tuy nhiên vị này thường không nắm việc bằng cán bộ y tế xã. Đoàn kiểm tra liên ngành cấp xã thường do trưởng trạm y tế phụ trách, vững chuyên môn nhưng không có “tiếng nói”, không dễ để đưa ra các quyết định xử phạt cơ sở vi phạm.
Đây chính là một trong những nguyên nhân chính khiến hiệu quả hoạt động thanh kiểm tra về thực phẩm ở cơ sở không cao, hình thức xử lý khi phát hiện vi phạm chỉ đơn thuần là nhắc nhở. Với tuyến tỉnh, lực lượng thanh tra quá mỏng dẫn đến diện thanh tra chưa rộng, không thể “nằm vùng”; số mẫu test nhanh trong mỗi đợt thanh tra quá ít. Ông Lê Cảnh Sơn cũng thừa nhận, năng lực của các bộ phận chưa đều tay, hoạt động thanh tra liên ngành vẫn còn mang tính thời vụ.
Cần quyết liệt, rốt ráo
Tại buổi làm việc mới đây với BCĐ tỉnh, Trưởng đoàn thanh tra liên ngành Trung ương - Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đỗ Thanh Lam lưu ý hoạt động thanh kiểm tra VSATTP phải có trọng tâm, trọng điểm. “Phải tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các lực lượng trong việc trao đổi thông tin để tổ chức kiểm tra, kiểm soát đảm bảo hiệu quả, hiệu lực; tránh tình trạng đoàn tỉnh kiểm tra xong lại đến đoàn huyện, gây khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Lam nhấn mạnh.
Cần có sổ theo dõi khi thanh tra thực phẩm
Mỗi đợt cao điểm kiểm soát tình hình VSATTP, ở tuyến tỉnh có 3 đoàn thanh tra liên ngành (do lãnh đạo 3 ngành Y tế - Nông nghiệp - Công Thương làm trưởng đoàn) thực hiện thanh tra luân phiên theo 3 nhóm địa bàn. Nhiều lần trực tiếp tham gia hoạt động thanh tra, chúng tôi ghi nhận có không ít trường hợp đoàn thanh tra “du di” một số lỗi nhỏ của cơ sở, chỉ phạt khi “vi phạm nhiều lần”. Tuy nhiên, với hình thức thanh tra luân phiên thì vi phạm không được bảo lưu. Do đó, mỗi đoàn nên có sổ theo dõi để giám sát chặt chẽ tình hình thực hiện các quy định về VSATTP của từng cơ sở, có căn cứ để xử phạt nghiêm minh, tăng hiệu quả hoạt động thanh tra, khiến chủ cơ sở “tâm phục khẩu phục”.
Rõ ràng, những bất cập trong công tác quản lý nhà nước về VSATTP cần sớm giải quyết một cách quyết liệt, rốt ráo. Theo Phó trưởng ban thường trực BCĐ tỉnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Tuyết Nhung, sắp tới, BCĐ sẽ tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn về kinh phí. BCĐ cũng sẽ tổ chức làm việc để “xốc lại” hoạt động, tập trung vào quy chế làm việc và kiện toàn BCĐ.
“Thông tư liên tịch số 13 ngày 9.4.2014 giữa liên ngành Y tế - Nông nghiệp - Công Thương đã phân công rõ ràng nhiệm vụ của từng ngành, tránh chồng chéo giữa 3 Bộ trong công tác quản lý ATTP. Quy chế làm việc mới phải chú trọng sự phối hợp, tăng cường vai trò của từng ngành, xác định nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên, từng vị trí trong BCĐ. Về thành phần BCĐ, quan trọng nhất là phải hợp lý, bố trí những lực lượng có chức năng nhiệm vụ liên quan mật thiết”, bà Nhung khẳng định.
Bên cạnh vai trò của BCĐ cấp tỉnh, từng hoạt động cụ thể trên lĩnh vực quản lý cũng cần có những thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế. Ông Lê Cảnh Sơn nêu một thực tế thời gian gần đây ở tỉnh ta xuất hiện loại hình nấu tiệc thuê, hoạt động kiểm tra xử phạt hết sức khó khăn vì chưa có quy định cụ thể. “Vài người rủ nhau mở dịch vụ, khi bị kiểm tra thì bảo là bà con của chủ nhà nấu giùm thôi. Trước mắt, chúng tôi yêu cầu lực lượng cơ sở tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn đảm bảo VSATTP. Song, về lâu dài sẽ phải tính toán để có biện pháp quản lý chặt đối tượng này”, ông Sơn bày tỏ.
NGUYỄN VĂN TRANG