Nữ văn công 2 lần biểu diễn phục vụ Bác Hồ
Cứ đến những ngày tháng 5 lịch sử, nữ nghệ sĩ đạo diễn - cựu chiến binh Trần Thị Kim Nam lại bồi hồi xúc động khi nhớ lại những kỷ niệm về 4 lần được gặp Bác, và bà càng tự hào trong đó có 2 lần bà được tham gia biểu diễn phục vụ Người.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Bình Định, từ một nữ sinh miền Nam tập kết ra Bắc học tập, chưa đầy 17 tuổi, Trần Thị Kim Nam dự tuyển vào Đoàn Văn công Quân khu 4 và được theo học lớp kịch trường Nghệ thuật Quân đội. Lợi thế là con nhà nòi, cha và anh đều là nghệ sĩ dân ca kịch, lại có năng khiếu từ nhỏ, bà Nam nhanh chóng tiếp thu kiến thức nghệ thuật cơ bản ở trường, tích cực học hỏi từ đàn anh đàn chị và sớm gặt hái nhiều thành công trên con đường nghệ thuật.
Nghệ sĩ Kim Nam và các cháu.
Những năm bom đạn, tiếng hát của nghệ sĩ Trần Thị Kim Nam và Đoàn Văn công Quân khu 4 đồng hành cũng bộ đội ta trên khắp các “tuyến lửa”. Những năm đầu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Trần Thị Kim Nam đi đến tất cả các trận địa pháo, các chiến trường khu 4 biểu diễn động viên bộ đội và nhân dân chiến đấu với những bài hát như: Gánh chè xanh, Em bé giao liên, Mẹ Suốt…
Trong đời nghệ sĩ của mình, Kim Nam may mắn và vinh dự được tham gia biểu diễn phục vụ Bác Hồ 2 lần. Lần đầu tiên biểu diễn cho Bác xem vào tối 22.7.1967 tại Phủ Chủ tịch, lúc đó bà tham gia biểu diễn tiết mục Thà chết bảo vệ Tổ quốc. Lần thứ 2 bà tham gia biểu diễn tại Hội trường Ba Đình, lần này hạnh phúc hơn khi bà cùng các nghệ sĩ trong đoàn được trò chuyện cùng Bác. “Những lời dạy bảo, căn dặn của Bác thật gần gũi”, nghệ sĩ Trần Thị Kim Nam tâm sự.
Nhớ lời Bác dặn, phải cố gắng gìn giữ và phát huy nét văn hóa của quê hương, trở về sau những năm tháng chiến tranh, nghệ sĩ Trần Thị Kim Nam cùng chồng mình là Nghệ sĩ ưu tú Phan Ngạn đã dồn tâm huyết vào việc bảo tồn bài chòi cổ và tìm kiếm gầy dựng lực lượng nghệ nhân bài chòi cổ bám trụ với nghề. Những kiến thức từ đề tài nghiên cứu khoa học của 2 vợ chồng bà đã đóng góp những tư liệu quan trọng cho quá trình phục hồi bài chòi cổ Bình Định ngày nay.
Đã gần 50 năm trôi qua kể từ lần cuối cùng được gặp Bác, những kỷ niệm, những lời dạy của Người vẫn sống mãi trong ký ức của nghệ sĩ Kim Nam. Đến nay dù gần 70 tuổi, bà vẫn cố gắng đi biểu diễn phục vụ những người yêu mến nghệ thuật bài chòi, truyền dạy cho con cháu tiếp tục gìn giữ và phát triển nét văn hóa nghệ thuật độc đáo của quê hương.
MAN ĐỨC DŨNG