Xã làm ngơ để dân “xẻ” ruộng bán đất trái phép?
Gần đây, tại xóm 4, thôn Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn) rộ lên tình trạng người dân ngang nhiên “xẻ” đất ruộng bán cho các lò gạch làm nguyên liệu. Trong khi đó, chính quyền địa phương không có động thái ngăn chặn, xử lý.
Công trường “không giấy phép”
Con đường bê tông nối dài từ quốc lộ 19 về thôn Thủ Thiện Thượng, hơn 1 tháng nay trở nên náo động bởi các xe chở đất sét khai thác trái phép tại cánh đồng ở xóm 4 đưa đi khắp nơi tiêu thụ. Cả trăm lượt xe tải trọng lớn nối đuôi nhau chạy ầm ầm suốt ngày đêm.
Tiếp cận công trường khai thác đất trái phép từ di tích Tháp Thủ Thiện ngược về xóm 4, đập vào mắt chúng tôi là cả vùng đất ruộng rộng lớn, phẳng phiu đã trở nên tan hoang; hầm hố, đồi bãi ngổn ngang. Tại đây, có 3 xe đào đang hoạt động, hơn chục lượt xe ben liên tục ra vào “ăn” đất.
Người dân tự ý “xẻ” ruộng bán đất sét trái phép (ảnh chụp lúc 10 giờ, ngày 15.5 tại xóm 4, thôn Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn).
Một người dân ở xóm 4 (đề nghị giấu tên) cho biết: “Tôi nghe nói tỉnh đã cấm khai thác đất sét từ lâu rồi nhưng không hiểu sao ở đây hầu như ngày nào người ta cũng đến khai thác đất sét; máy đào, máy xúc gầm rú cả đêm, xe tải chở đất luôn chạy ầm ầm trên đường”.
Chính quyền xã làm ngơ hay bất lực?
Ngày 15.5, chúng tôi đến UBND xã Bình Nghi gặp ông Văn Ngọc Quế, Phó Chủ tịch UBND xã. Ông Quế thừa nhận biết rõ việc khai thác đất sét trái phép tại địa phương, nhưng cho rằng khu vực bà con tự ý lấy đất ruộng bán cho các chủ lò gạch đều thuộc khoảnh đất gò, đồi; có diện tích rộng 1,2 ha nằm trong diện được địa phương quy hoạch, đề xuất lên UBND tỉnh xin chủ trương để khai thác đất sét, kết hợp với cải tạo đất để sản xuất. Trước đó, Tổ công tác của huyện Tây Sơn và tỉnh cũng đã về kiểm tra, song cho đến nay, đề xuất này chưa được UBND tỉnh chấp thuận.
Theo Chỉ thị số 04/2011/CT-UBND của UBND tỉnh ngày 18.11.2011, về việc tăng cường kiểm tra, rà soát tình hình sản xuất gạch ngói đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh, từ 1.1.2012 UBND các huyện, thành phố không cấp phép mới, không gia hạn việc tận dụng đất sét trong công tác cải tạo đồng ruộng cho các lò gạch nung thủ công ngoài Cụm Công nghiệp, khu sản xuất tập trung theo quy hoạch của huyện, thành phố. Đến ngày 31.12.2012 chấm dứt mọi hoạt động khai thác đất sét để sản xuất gạch, ngói sử dụng lò nung thủ công loại này.
Trước câu hỏi “Vì sao UBND tỉnh chưa đồng ý cấp phép khai thác nhưng địa phương vẫn để người dân ồ ạt “tùng xẻo” đất ruộng?”. Ông Quế đổ lỗi: “Do đợi chủ trương của tỉnh quá lâu nên bà con bức xúc “lấy đất” nhằm hạ thấp cao trình để có nước thuận lợi cho sản xuất. Dù có biết, nhưng địa phương rất khó ngăn chặn, bởi các đối tượng khai thác đất thường lợi dụng ngày nghỉ vắng người theo dõi, kiểm tra để lén lút khai thác, vận chuyển (!?)”.
Không đúng như ông Phó Chủ tịch xã nói, thời điểm PV Báo Bình Định “thâm nhập” hiện trường và chụp ảnh về hoạt động khai thác đất sét trái phép là thứ Sáu. Nhưng chỉ trong khoảng 20 phút quan sát, đã có gần 10 lượt xe ben hối hả chở đất ra vào; xe đào liên tục vươn muỗng đục khoét đất đưa lên xe... thì liệu có thể coi là hoạt động lén lút.
Với câu hỏi của phóng viên “xã có làm ngơ để nạn khai thác đất sét hoành hành trên địa bàn?”, ông Quế giãi bày: “Cách đây hơn 10 ngày, xã có phối hợp với huyện tổ chức kiểm tra; qua đó, phát hiện 3 chủ khai thác trái phép với diện tích gần 2.000m2. Đến nay, hồ sơ đã được chuyển lên Phòng TN - MT huyện Tây Sơn và đơn vị đang củng cố hồ sơ để xử lý... Tôi nghĩ, nếu làm kiên quyết thì có thể ngăn chặn được tình trạng khai thác đất sét trái phép ở đây”.
Như vậy, có thể thấy, việc để xảy ra tình trạng người dân tự ý thỏa thuận với các chủ lò gạch để lấy đất ruộng bán, một phần là do sự buông lỏng của UBND xã Bình Nghi. Đề nghị UBND huyện Tây Sơn và ngành chức năng kiểm tra, chấn chỉnh để chấm dứt tình trạng khai thác đất trái phép tại xã Bình Nghi.
TRỌNG LỢI