Cuộc chuyện trò với tấm gương phản chiếu (*)
1. Nhận chân thực tại và bản thân là một nhu cầu có thật và cần thiết đối với con người - những sinh thể có ý thức và khát khao khám phá. Sự nhận chân bao giờ cũng đòi hỏi những tấm gương phản chiếu trong hành trình tự soi mình. Một trong những tấm gương soi vô tư, hồn nhiên nhất chính là nghệ thuật, thông qua cuộc chơi vô tận đầy ắp tinh thần sáng tạo. Với người thưởng thức, đứng trước một bức tranh, một pho tượng; quan sát những đường nét, những hình khối, sắc màu, nghĩa là đang bắt đầu một cuộc trò chuyện: cuộc chuyện trò với thế giới, với tha nhân và với chính mình. Cuộc trò chuyện ấy phải thông qua nghệ thuật, mượn nghệ thuật làm nhịp cầu, để bước vào thế giới của Cái Đẹp, của những niềm vui, nỗi buồn rất thật trong cõi đời được thăng hoa bằng thứ ngôn ngữ trầm lắng, lặng câm. Và từ trong lặng câm, mà người chiêm ngắm có thể nhận ra biết bao điều, ẩn sau mỗi đường nét, bố cục, mảng màu, độ tương phản sáng tối.
2. Trò chuyện cùng nàng Mona Lisa - cuốn sách của Kathy Statzer - là tập hợp những câu chuyện qua tấm gương nghệ thuật phản chiếu đầy màu sắc của hội họa. Ở Việt Nam, đã có nhiều sách dịch về mỹ thuật thế giới, tuy nhiên, tác phẩm của Kathy Statzer vẫn rất đặc biệt và bổ ích.
Nó đặc biệt, trước hết, vì kết cấu độc đáo: đan xen lịch sử mỹ thuật qua hàng loạt các trào lưu, phong cách từ Nghệ thuật hang động thời tiền sử cho đến Nghệ thuật Hậu ấn tượng với những trang nhật ký để trống, và những câu hỏi gợi mở, dành chỗ cho trí tưởng tượng và khả năng cảm nhận của người đọc. Ở đây, tác giả đã chứng tỏ năng khiếu sư phạm của người giảng dạy bộ môn Lịch sử nghệ thuật trong khả năng dẫn dắt, khơi gợi, để giúp người đọc từ việc cảm nhận kiệt tác hội họa, quay về thức nhận chính bản thân mình. Chẳng hạn, viết về Nghệ thuật hang động thời tiền sử, sau khi đã giới thiệu thời điểm ra đời của những bức vẽ, sau khi giới thuyết ngắn gọn những khái niệm trong hội họa như tỉ lệ, đường nét, tác giả kích thích trí tưởng tượng của người đọc bằng câu hỏi giàu tính liên hệ với đời sống thường nhật: Do được sử dụng trong hàng ngàn năm, người ta cho rằng những hang động này có chức năng như một nơi trú ẩn mang tính cộng đồng của những người thời đó. Nếu chỉ là trong tâm tưởng của mình, đâu là nơi trú ẩn mà bạn vẫn luôn tìm về? Tại sao lại như vậy? Điều gì đã gọi bạn trở lại? Hay xem bức tranh Những người ăn khoai tây của Van Gogh, tác giả bỏ ngỏ: Bức tranh của Vincent miêu tả một gia đình đang cùng nhau chia sẻ thức ăn, công việc, không gian, cuộc sống, và thậm chí cả sự mệt nhọc. Bạn chia sẻ bản thân với gia đình như thế nào? Bạn muốn họ biết gì về mình, về cuộc sống của mình, hay cảm nhận của bạn về họ?
Và cứ thế, những câu hỏi xuyên suốt cuốn sách lịch sử mỹ thuật kiêm nhật ký nghệ thuật này. Những câu chuyện cứ không ngừng tiếp nối với cuộc đời và hàng loạt kiệt tác của những họa sĩ kiệt xuất như Leonardo da Vinci, Francisco de Goya, Edgar Degas, Paul Gauguin, Vincent Van Gogh… Người viết đã thực hiện được điều bà mong mỏi: thông qua nghệ thuật, giúp mỗi chúng ta nhìn vào cuộc sống thường ngày của mình chăm chú hơn.
Cuốn sách còn rất đặc biệt trong bố cục từng chương. Mỗi chương đều gồm ba phần: Phần Tương lai của nghệ thuật kết nối quá khứ thẩm mỹ với nghệ thuật của thế kỷ XX, làm nên nhịp cầu giữa quá khứ và hiện tại; phần Thắc mắc giúp bạn đọc học cách tự đặt câu hỏi cho mình, bắt nguồn từ những phản ứng và nguồn cảm hứng nghệ thuật; phần Cận cảnh giúp người đọc thực hành mỗi ngày về cách nhận ra vẻ đẹp từ thế giới xung quanh… Ba phương diện ấy hòa hợp, bổ sung cho nhau, bên cạnh những tranh ảnh minh họa tuyệt đẹp, đưa người xem vào trong một câu chuyện, đúng hơn là một cuộc phiêu lưu trong thế giới của Cái Đẹp, cùng với người dẫn đường khả kính: Kathy Statzer.
3. Từ những năm cuối của thế kỷ XX đến những năm đầu thế kỷ XXI, ngành Tự sự học nổi lên như một chuyên ngành nghiên cứu có nhiều khả năng, triển vọng, không chỉ gói gọn trong lĩnh vực văn học, mà còn mở rộng sang các loại hình khác như: hội họa, âm nhạc, điêu khắc… Nó còn ứng dụng ngay cả trong cuộc đời này với quan niệm: cuộc sống mỗi người là một câu chuyện dài. Sống tức là đang kể chuyện. Và điều buồn nhất, là không có câu chuyện gì mới, hấp dẫn để kể cho nhau nghe.
Trò chuyện cùng nàng Mona Lisa là cuốn sách biết cách kể những câu chuyện hấp dẫn, về nghệ thuật và cũng là cuộc đời này. Cuốn sách, với những tác phẩm nghệ thuật mà nó nhắc đến, đóng vai trò như một tấm gương phản chiếu. Ở đó, ta nhận ra ta, ta tìm thấy ta, từ những cảm nghiệm nghệ thuật rất đỗi nhẹ nhõm mà chân thật, sâu sắc lạ thường.
LÊ MINH KHA
(*) Nhân đọc Trò chuyện cùng nàng Mona Lisa – Kathy Statzer – Diệp Thanh Trúc dịch, Nxb.Trẻ, quý I năm 2015. Sách có bán tại Nhà sách Fahasa Quy Nhơn.