Suối Cát (huyện Tây Sơn) xâm thực, phá bờ: Người dân lo lắng từng ngày
Khoảng một năm trở lại đây, suối Cát, đoạn chảy qua thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang và thôn Trung Sơn, xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn), xâm thực rất mạnh vào bờ, cuốn trôi nhiều diện tích đất nông nghiệp khiến nhiều người dân địa phương sống trong cảnh lo lắng từng ngày.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, từ năm 2011 - 2013, do Nhà máy Thủy điện An Khê - Kanak xả nước vận hành tổ máy phát điện với lưu lượng lớn chảy về suối Cát nên đã gây ra tình trạng sạt lở, làm mất gần 15 ha đất sản xuất của người dân ở các xã Tây Giang, Tây Thuận… Sau đó, Ban quản lý Dự án thủy điện 7 (là chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện An Khê- Kanak) phối hợp với UBND huyện Tây Sơn kiểm kê, bồi thường thiệt hại về đất đai, hoa màu bị xâm thực cho người dân địa phương. Ngoài ra, Ban quản lý còn xây dựng bờ kè chống xói lở tại xã Tây Thuận nhằm ngăn chặn tình trạng xâm thực. Tuy nhiên sau khi đưa vào sử dụng, bờ kè chống xói lở lại làm thay đổi hướng dòng chảy của suối Cát. Hậu quả là nhiều diện tích đất nông nghiệp ở các khu vực khác như thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang bị cuốn trôi, gây thiệt hại và lo lắng cho người dân.
Theo các hộ dân sống xung quanh hoặc có đất canh tác ven suối Cát đoạn qua thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang, cách đây chừng 4 năm, khoảng cách từ mép ruộng đến suối là 50 m; nhưng giờ đây, khoảng cách này hầu như không còn nữa. Đứng từ bờ ruộng có thể nhìn thẳng vào lòng suối. Người viết bài đã đi dọc bờ suối và phát hiện lòng suối rộng liên tục xâm thực, khoét sâu vào khu đất sản xuất của người dân. Nguy hiểm hơn là nếu trước đây người ta có thể ra bờ suối rửa chân, cho gia súc uống nước thì nay những bờ vực, cao gần 5m, dựng đứng đã ngăn cản điều này, và những bờ vực ấy khiến nguy cơ tai nạn té ngã, trượt chân… tăng lên.
Theo người dân địa phương, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này cũng là do Nhà máy Thủy điện An Khê - Kanak vẫn tiếp tục xả nước với lưu lượng lớn. Ông Trương Đình Tuấn, 62 tuổi, một người dân ở xóm 1, thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang, lo lắng: “Nhà tui có hơn 3 sào đất trồng đậu phộng, được Nhà nước cấp sổ đỏ đàng hoàng. Vậy mà chỉ trong vòng 1 năm, gần 2 sào đất của nhà tôi bị cuốn trôi cũng chỉ vì nạn xâm thực. Nên giờ cứ mưa xuống hay nước dâng lên là gia đình tôi lại không yên vì đất đai cứ dần dần bị dòng nước cuốn theo; không biết vài năm nữa có còn đất mà canh tác hay không, rồi tính mạng của người dân chúng tôi nữa…”.
Cùng chung nỗi niềm với ông Tuấn, ông Trần Cường bày tỏ: “Nhiều diện tích đất lúa của gia đình tôi đã đổ ập xuống lòng suối rồi. Giờ tôi chỉ mong sao ngành chức năng có biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn nạn xâm thực, chớ không phải là khoản tiền bồi thường, đền bù cho những thiệt hại đã mất”.
Ông Nguyễn Minh Hồng, Thôn trưởng thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang, cho biết: “Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị về tình trạng sạt lở làm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, đời sống sinh hoạt của người dân. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy ai đứng ra giải quyết vụ việc này”.
Khi chúng tôi chuyển những nỗi lo lắng của người dân đến UBND xã Tây Giang, thì ông Ngô Tốt, Chủ tịch xã, cho biết: UBND xã Tây Giang đã gửi văn bản cho Nhà máy Thủy điện An Khê - Kanak yêu cầu trả lời và giải quyết tình trạng xả nước gây xâm thực, cuốn trôi nhiều diện tích đất đai, hoa màu nhưng đại diện của Nhà máy chưa có văn bản phúc đáp.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề suối Cát xâm thực, phá bờ khiến người dân lo lắng từng ngày, ông Tạ Xuân Chánh, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết: “UBND huyện Tây Sơn vẫn chưa nhận được đơn thư, báo cáo phản ánh về việc tình trạng sạt lở. Nếu đúng như các anh vừa đặt vấn đề - Suối Cát xâm thực, phá bờ khiến người dân lo lắng, huyện sẽ cử cán bộ trực tiếp đến hiện trường để kiểm tra ngay và thông tin sau!”.
Rất mong UBND huyện Tây Sơn sớm xác định chính xác nguyên nhân khiến suối Cát xâm thực, phá bờ và nhanh chóng có phương án khắc phục. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này trong những ngày tới.
PHÚC LỘC