Di tích Huyện đường Bình Khê: Nơi ghi dấu sự kiện lịch sử quan trọng
Di tích Huyện đường Bình Khê (ngày nay thuộc xã Tây Giang, huyện Tây Sơn), nơi cách nay hơn 100 năm (7.1909), Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (Nguyễn Sinh Huy) được Triều đình Nhà Nguyễn bổ nhiệm chức quan Tri huyện và người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã từng theo cha đến ở đây. Di tích được UBND tỉnh xếp hạng năm 2000.
1.
Bình Định là một trong bốn địa phương (Nghệ An, Huế, Bình Định và Đồng Tháp) liên quan đến Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, được xây dựng Nhà lưu niệm và lưu giữ những hình ảnh, hiện vật, tài liệu, không gian văn hóa - lịch sử gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Năm 1909, Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đang làm Thừa biện Bộ Lễ được phái sung vào Ban chấm thi Hương tại trường thi Bình Định theo văn bản bổ nhiệm quan chức chấm thi Hương trường thi Bình Định khoa Kỷ Dậu, ngày 16 tháng 3 năm Duy Tân thứ 3 (5.5.1909). Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Tri huyện Bình Khê ngày 1.7.1909.
Có thể nói, Nguyễn Sinh Sắc là một người thức thời và tỉnh táo đối với hướng đi của các sĩ phu đương thời. Khi nhận chức Tri huyện Bình Khê, ông đứng về phía nhân dân, tìm cách bênh vực người nghèo, giúp đỡ người yêu nước, xử lý nghiêm khắc bọn cường hào ức hiếp dân lành. Với chức quan nhỏ nhất của chế độ phong kiến, Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc những tưởng sẽ làm vơi bớt nỗi thống khổ của dân nghèo Bình Khê - Bình Định, nhưng lập tức cụ bị giáng liền 4 cấp, vì bị một địa chủ kiện trong vụ tranh chấp dẫn đến vi phạm nguyên tắc chế độ đương thời. Sau hơn 6 tháng làm Tri huyện Bình Khê, ngày 17.1.1910 ông bị cách chức đưa về Huế hậu xét.
Thời gian Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc làm Tri huyện Bình Khê, cũng là thời điểm con trai của ông - người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Huế vào Nam. Nguyễn Tất Thành đến thăm cha và ở lại Đồng Phó (Bình Khê) và Quy Nhơn một thời gian.
Bình Khê là nơi cha con Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc sống những ngày sum họp đẹp đẽ cuối cùng và diễn ra cảnh chia tay lịch sử, để rồi Nguyễn Tất Thành bước vào cuộc hành trình vạn dặm tìm đường cứu dân, cứu nước và không bao giờ gặp lại người cha kính yêu của mình nữa. Dù lưu lại chỉ trong thời gian ngắn, nhưng chắc chắn đất nước, con người Bình Định; cách đối nhân xử thế của cha đã góp phần hình thành nhân sinh quan và thế giới quan của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Và đây là chỗ dựa vững chắc để Người đi trọn hành trình tìm đường giải phóng dân tộc.
Những ngày tháng Nguyễn Tất Thành ở Bình Định, so với cả cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh không nhiều, nhưng đây là sự kiện quan trọng của buổi thiếu thời. Và đó là một kỷ niệm rất đỗi thiêng liêng đối với quê hương Bình Định. Mảnh đất trầm tích nhiều tầng văn hóa, nơi còn vang dội những chiến công gắn với tên tuổi lẫy lừng người anh hùng “áo vải cờ đào” Quang Trung - Nguyễn Huệ và cuộc khởi nghĩa nông dân long trời lở đất trong những năm cuối thế kỷ XVIII.
2.
Di tích lịch sử Huyện đường Bình Khê được xếp hạng năm 2000. Đầu năm 2014, UBND tỉnh Bình Định tổ chức lễ khởi công xây dựng Khu tưởng niệm Cụ Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê, với tổng diện tích 2,61ha, gồm các hạng mục: Đền thờ, Nhà lưu niệm, Nhà bia di tích…. Đến nay, công trình đã hoàn thành: mở rộng đường từ quốc lộ 19 vào di tích, giải tỏa mở rộng và quy hoạch mặt bằng khu di tích, xây bờ kè tường bao, xây dựng Đền thờ, Nhà lưu niệm … với tổng kinh phí 67 tỉ đồng, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và vận động xã hội đóng góp.
Để khắc họa dấu ấn lịch sử cuộc chia tay của hai cha con Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Tất Thành tại Bình Định, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đang triển khai góp ý hoàn thiện phác thảo Tượng đài “Hai Cha Con”, tượng đài sẽ được xây dựng tại khu Quảng trường thành phố Quy Nhơn.
Di tích Huyện đường Bình Khê - nơi ghi dấu một sự kiện lịch sử quan trọng, là niềm tự hào của nhân dân tỉnh Bình Định. Việc quy hoạch xây dựng, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê có ý nghĩa to lớn đối với thế hệ hôm nay và mai sau về tấm gương Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - một nhà Nho yêu nước, tận tụy vì dân, về Chủ tịch Hồ Chí Minh - một đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và là danh nhân văn hóa thế giới, là nguồn động viên cổ vũ các thế hệ sau tiếp bước phát huy mọi tiềm năng trí tuệ tham gia bảo vệ và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
NGUYỄN THANH QUANG