Tăng cường kiểm soát ngộ độc do sử dụng so biển
(BĐ) - Ngày 20.5, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Tuyết Nhung đã ký văn bản yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền giáo dục, phổ biến kiến thức cho cộng đồng về việc phân biệt sam biển, so biển trong lựa chọn thực phẩm. Tuyệt đối không dùng so biển làm nguyên liệu thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào. Đồng thời, tuyên truyền giáo dục cho ngư dân loại bỏ so biển khi đánh bắt hải sản và tuyệt đối không kinh doanh so biển.
Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố cần tập huấn, đào tạo nhân viên y tế ở các tuyến để nâng cao năng lực hệ thống y tế trong việc chẩn đoán, cấp cứu và điều trị ngộ độc thực phẩm do độc tố so biển. Khi phát hiện bệnh nhân còn tỉnh táo, cần gây nôn chủ động; chống rối loạn tim mạch, hô hấp, thần kinh, tiết niệu bằng dịch truyền, thuốc điều trị; cho thở oxy, thở máy nếu suy hô hấp. Cần tập trung hồi sức cấp cứu tích cực và chuyển bệnh nhân lên tuyến trên nếu quá khả năng điều trị.
Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), đầu năm 2015 đến nay, cả nước xảy ra 4 vụ ngộ độc do sử dụng so biển, với 16 người mắc, 15 người nhập viện và 4 người tử vong. So biển có hình dáng rất giống với con sam biển nhưng kích thước nhỏ hơn. Trong so biển có độc tố Tetrodotoxin - một độc tố thần kinh mạnh, có khả năng gây liệt cơ hô hấp, ngưng thở, gây tử vong nhanh với liều độc rất thấp.
MAI LÂM