Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê: Niềm tự hào của quê hương
Sáng 23.5, tại di tích Huyện đường Bình Khê (thôn Thượng Giang, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn), UBND tỉnh long trọng tổ chức Lễ khánh thành Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc. Đây là công trình lịch sử - văn hóa được xây dựng nhằm đáp ứng lòng mong muốn, tình cảm, niềm tự hào của nhân dân Bình Định và nhân dân cả nước về nơi ghi dấu ấn lịch sử đặc biệt của Bác Hồ và thân sinh của Người - cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trên quê hương Bình Định.
Đền thờ Nguyễn Sinh Sắc.
Nỗ lực thi công
Khởi công ngày 22.1.2014, sau gần 1 năm rưỡi nỗ lực giải phóng mặt bằng, thi công, đến nay công trình Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê (nay là xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) đã hoàn thành. Đây là công trình xây dựng mang nhiều ý nghĩa, nhưng quá trình thi công gặp không ít khó khăn. Đến tháng 8.2014, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện đi kiểm tra công trình nhưng trước mắt khu đất xây dựng công trình vẫn chưa có gì vì công tác giải phóng mặt bằng chưa xong, chưa chọn nhà thầu xây dựng phù hợp để triển khai thi công… Vì vậy, Bí thư Tỉnh ủy đã chủ trì cuộc họp tại Huyện ủy Tây Sơn và có chỉ đạo kịp thời để địa phương, các cơ quan chức năng, đơn vị thi công phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình. Sau đó, tiếp tục có nhiều cuộc họp, đi thực tế kiểm tra thường xuyên của các đồng chí lãnh đạo tỉnh để kịp thời giải quyết những vướng mắc, kiểm tra chất lượng các hạng mục công trình và chỉ đạo đẩy nhanh thi công theo đúng tiến độ đã đề ra.
Ông Nguyễn Bảo Hoàng, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Tân Hoàng An, đơn vị tham gia xây dựng công trình, cho biết: “Được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, sự hỗ trợ của các phòng, ban chuyên môn của Sở VH-TT&DL, cùng ý nghĩa của công trình đã nâng cao tinh thần trách nhiệm cho các đơn vị tham gia xây dựng. Chúng tôi đã huy động kĩ sư, công nhân, nghệ nhân nỗ lực hết sức để đẩy nhanh tiến độ, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng kĩ thuật, mĩ thuật công trình”.
Nhà lưu niệm trong Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc.
Công trình của lòng dân
Tại khu đất di tích Huyện đường Bình Khê trước đây, qua thời gian và thăng trầm lịch sử hầu như không còn lại gì… Khi các nhà chuyên môn xác định đây là nơi mà thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã từng làm việc tại Huyện đường và người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã đến đây thăm cha, khi người dừng chân ở Bình Định trên hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân, cán bộ và nhân dân địa phương mong muốn có một công trình văn hóa xứng tầm cho sự kiện lịch sử trên quê hương. Vì vậy, khi công trình Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc hình thành là niềm vui lớn của địa phương. Ông Châu Kinh Vinh (53 tuổi), người dân thôn Thượng Giang, xã Tây Giang, tâm sự: “Người dân chúng tôi đã thỏa lòng mong đợi từ lâu về công trình thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, người mà theo lời kể của ba tôi và các bậc cao niên trong thôn khi còn sống là vị quan đức độ, thương dân”.
“Cùng với Chương trình nghệ thuật “Cha, Con và Tổ quốc” đã diễn ra vào tối 19.5, Lễ khánh thành Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê là một trong những hoạt động sự kiện đầy ý nghĩa thể hiện tình cảm kính trọng sâu sắc của Đảng bộ và nhân dân Bình Định đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và thân phụ của Người…” (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Đông Hải)
Không chỉ ở xã Tây Giang mà mỗi người dân Bình Định đều cảm thấy tự hào về quê hương khi công trình Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc hoàn thành. Đây là quần thể kiến trúc đẹp trên mặt bằng hơn 2,6 ha. Nổi bật ở trung tâm Khu tưởng niệm là Đền thờ Nguyễn Sinh Sắc; trước mặt và hai bên Đền là nhà lưu niệm, nhà Huyện đường Bình Khê phục chế (theo hình thức kiến trúc Bình Định trong những năm đầu thế kỷ 20), nhà bia di tích, nhà tiếp khách và bán hàng lưu niệm, nhà vọng cảnh, cột cờ, hồ sen...
Bên trong khu vực nhà lưu niệm, các cán bộ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh và Công ty TNHH MTV Mỹ thuật Trung ương (thuộc Bộ VH-TT&DL) đang phối hợp thực hiện trưng bày. Bà Nguyễn Thị Thúy Hồng, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, cho biết: “Nội dung trưng bày nội thất Nhà lưu niệm gồm hai chủ đề chính: Phần chủ đề về “Nguyễn Sinh Sắc, thân thế cuộc đời và sự nghiệp” chiếm 70%, còn lại là chủ đề “Nguyễn Tất Thành với Bình Định”. Cán bộ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã có nhiều chuyến đi đến Nghệ An, Huế, Phan Thiết, Đồng Tháp và một số địa phương trong tỉnh để tìm kiếm, sao chép, biên tập lại một cách cô đọng những tư liệu có liên quan đến cụ Nguyễn Sinh Sắc. Qua đó, góp phần giúp cho nội dung trưng bày phong phú, sinh động…”.
HOÀI THU