Người giữ hồn trống trận Tây Sơn
Sau chuyến lưu diễn tại Hà Tĩnh (nhân kỷ niệm 55 năm kết nghĩa Hà Tĩnh- Bình Định), chúng tôi gặp nghệ nhân đánh trống Nguyễn Thị Thuận (sinh năm 1959, tại khối 1A, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) lúc chị đang biểu diễn cho Đoàn du khách Hàn Quốc xem. Tôi thật sự ngưỡng mộ tài năng của nghệ nhân này.
Hai bàn tay cầm dùi tung tẩy, lướt trên 12 mặt trống lớn nhỏ cùng những âm thanh phát ra như một bài ca chiến trận. Trong đó, có tiếng vó ngựa, bước chân rầm rập của đoàn quân, tiếng gươm đao xông trận và khúc khải hoàn... Bài trống vừa kết thúc, chị Thuận cùng Đội Nhạc võ thuộc Bảo tàng Quang Trung nhận được những tràng vỗ tay tán thưởng không ngớt của đoàn du khách Hàn Quốc. Ngày nào cũng vậy, chị Thuận luôn có mặt ở đây để biểu diễn phục vụ khách tham quan.
Nguyễn Thị Thuận (bìa trái) đang hướng dẫn học trò Hoàng Mai đánh trống trận.
Giống như bao cô gái “miền đất Võ”, mới 6 tuổi, cô bé Thuận đã được làm quen với 12 trống trận Tây Sơn. Hàng ngày chị theo cha (ông Nguyễn Đào, làm nhạc công) vào cúng tế lễ ở Điện thờ ba Ngài (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ). Ban đầu chỉ học cách đánh trống cúng thần, dần dần Thuận đã học hết các nhịp, phách và tinh hoa của bài trống trận. Năm 1980, tròn 20 tuổi, chị Thuận được vào làm việc ở Bảo tàng Quang Trung với nhiệm vụ biểu diễn trống trận Tây Sơn.
“Một bài trống trận gồm có 3 hồi: Xuất quân, Hạm thành, Khải hoàn. Khi biểu diễn nhạc võ, ngoài đôi tay truyền lực, người đánh trống trận phải di chuyển cả đôi chân theo nguyên tắc “túc bất ly địa” để đánh 12 trống đúng theo nhịp của bài võ. Số 12 thể hiện cho thập nhị chi (còn gọi là 12 con giáp) hay 12 tháng trong một năm”, chị Thuận chia sẻ.
Nhờ siêng năng tập luyện và chịu khó học hỏi, ở tuổi 56 với trên 35 năm cầm dùi trống, chị Thuận là một trong những người biểu diễn trống, trận Tây Sơn nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Từ năm 1977 đến nay, chị được nhận huy chương Bộ VH-TT, bằng khen của UBND tỉnh, giấy khen của Sở VH-TT&DL và nhiều giải thưởng có giá trị tại các Hội diễn quần chúng toàn quốc... Mới đây, nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận vinh dự được UBND tỉnh đề nghị Bộ VH-TT&DL xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú lần thứ nhất- năm 2015.
Dù đã nổi danh nhiều người biết, nhưng giờ đây ở tuổi 57, điều trăn trở đối với nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận là làm sao để “nhịp trống thiêng” luôn vang vọng. Có những người nghe danh, đã tìm đến tận nhà, xin cô Thuận “truyền nghề” và được cô truyền dạy nhiệt tình. Hoàng Mai (32 tuổi, người cùng địa phương, một trong những học trò tâm huyết của cô), tâm sự: “Cô Thuận rất nhiệt tình và cởi mở. Ngoài học kỹ thuật đánh trống, tôi còn học được ý chí và nghị lực mạnh mẽ của cô”.
Chị Thuận trăn trở: “Để đánh thuần thục trống trận rất khó. Ngoài việc am hiểu, đòi hỏi người học phải chịu khó và thực sự yêu nghề, tỉ mẩn trong từng động tác. Trong xu thế nhiều loại hình “tân nhạc” du nhập, thế hệ trẻ dường như có phần lơ là với môn nghệ thuật truyền thống này. Hy vọng lớn nhất của đời tôi là tìm được lớp kế cận “giữ hồn” trống trận cho mai sau”.
Ông Châu Kinh Tú, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, cho biết: “Nguyễn Thị Thuận là nghệ nhân trụ cột của Đội biểu diễn trống trận Tây Sơn. Khó có thể tìm được người tài hoa và tâm huyết như chị”.
KIM CƯƠNG