Lại chuyện giá xăng
Trong vòng 20 ngày đầu tháng 5.2015, giá bán lẻ các loại xăng đã tăng 2 lần, lần trước (ngày 5.5) là 1.950 đồng, và lần sau (ngày 20.5) là 1.200 đồng/lít. Như vậy là sau ba lần tăng giá xăng kể từ đầu năm, với giá xăng hiện tại, người tiêu dùng đã phải tăng thêm 4.760 đồng/lít xăng so với hồi cuối tháng 1.2015.
Do xăng dầu là mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống, là “đầu vào” quan trọng của nhiều ngành kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân nên việc điều chỉnh tăng - giảm giá mặt hàng này có tác động rất lớn về mặt xã hội. Xăng dầu cũng là một trong những mặt hàng có tính “nhạy cảm” cao, nên mỗi lần giá xăng được điều chỉnh tăng hay giảm đều tác động trực tiếp tới chi tiêu của người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, điều cần phải khẳng định rằng việc điều chỉnh tăng hay giảm giá mặt hàng xăng dầu là điều hết sức bình thường trong nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, nhất là khi còn phụ thuộc nhập khẩu. Giá xăng dầu thế giới hiện nay đang biến động nên giá xăng trong nước được điều chỉnh tăng/giảm theo là tất yếu theo cơ chế giá cả thị trường. Song việc xác định mức độ tăng bao nhiêu, giảm bao nhiêu phải có căn cứ tính toán rõ ràng, minh bạch và có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước.
Mặc dù đã dự báo xu hướng điều chỉnh tăng, song với hai lần giá xăng được điều chỉnh như vừa qua, hầu hết người dân vẫn cảm thấy “sốc” vì mức tăng khá cao, trong khi các lần giảm giá trước đây chỉ là… nhỏ giọt. Việc điều tiết giá xăng theo cơ chế thị trường theo kiểu “tăng nhanh, giảm chậm” như thế là không sòng phẳng khi phần thiệt thòi dường như nghiêng hẳn về phía người tiêu dùng. Với đặc thù thị trường xăng dầu hiện do một vài doanh nghiệp đầu mối chi phối, người dân đang rất cần câu trả lời kịp thời, rõ ràng từ phía cơ quan chức năng. Để đảm bảo sự minh bạch trong cách tính giá xăng, dư luận đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải nâng cao vai trò quản lý, thực hiện giám sát chặt chẽ đối với hoạt động này.
Một vấn đề cũng cần lưu ý là giá xăng tăng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu của người dân, việc kinh doanh của doanh nghiệp, hiệu ứng đô-mi-nô từ việc tăng giá xăng đến giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ khác là điều mà cơ quan chức năng cần giám sát để tránh tình trạng “té nước theo mưa” tác động tiêu cực đến đời sống và sản xuất của toàn xã hội.
H.Đ