Mầm chữ
* Truyện ngắn của Hương Văn
Vừa về trường được hơn một năm, Lan chưa khẳng định được gì, chưa thể lên lớp mà cho học sinh nửa khóc nửa cười với Chí Phèo- Thị Nở, để chúng hiểu sức lan tỏa của một mối tình ngô nghê hiếm thấy nhưng có thể lay mạnh một tâm hồn chai sạn vì kiếp người cùng chí. Hay có những khi nghe tiếng tàu đêm xình xịch đi qua, Lan muốn nhịp đập trái tim mình đi tìm Thạch Lam để đồng vọng về một xóm nghèo, để soạn bài và lên lớp cho tốt. Nhưng tiết dạy ấy cũng chưa bao giờ đến với Lan.
* * *
Những kỷ niệm với lứa tuổi “nửa ông nửa thằng” lần lượt ghi vào trang đời của Lan, như vết phết của một anh họa sĩ tồi, hằn vệt, nham nhở, uốn éo. Bao nhiêu lần tập huấn về đổi mới phương pháp, các tiết dạy thử nghiệm, thao giảng đều được đánh giá là tốt. Nhưng khi đưa vào vận dụng tại các lớp đại trà, chẳng hiểu thế nào, học trò như ngầm thực hiện chiến dịch ba không: “Đọc không ghi, giảng không nghe, hỏi không đáp”. Giọng Lan dần khô, lòng nhiệt tình, sự hăm hở ngày đầu dần cạn. Tiếng trống trường vang lên chẳng khác gì giây phút được òa vào cơn mưa đầu hạ. Vật vã quá!
Năm ngoái, ở lớp 7, Lan đã dặn kỹ học trò chỉ cần học thuộc phần dịch thơ bài “Tĩnh dạ tứ”. Vỏn vẹn 20 từ, ưu tiên cho đối tượng yếu, kém. Gọi tên học sinh Khoa lên bảng, nó gãi đầu:
- Thưa cô em chưa thuộc!
- Vì sao vậy em? Có khó lắm đâu?
- Dạ thưa cô, em chưa học nên chưa thuộc!
Cả lớp cười ồ, chẳng đứa nào nhận ra rằng mặt cô giáo đột nhiên đỏ bừng.
Cũng có hôm, vừa phát đề kiểm tra, Lan để ý thấy Đức - một cậu học trò rất lôi thôi, nay lại ngồi ngay ngắn, hí hoáy, cặm cụi. Lan nhủ thầm: “Có khi, mình đã cảm hóa được cu cậu rồi chăng?”. Nhưng sợ học trò mất cảm hứng viết, Lan chỉ đứng quan sát. Về đến nhà, dù bụng đã cào lên, quần áo chưa kịp thay, Lan lục ra bài Trần Quang Đức. Rõ quắc:
Câu 1. Khởi ngữ là: Khởi ngữ ……..
Câu 2. “Viết đoạn văn có một câu dùng khởi ngữ”. Một quả bí thật to, vàng rộm, và thật nắn nót với dòng chữ trên cái cuống dài: “Bí rồi, cô ơi!”. Lan phá lên cười sặc, nhưng tắt ngay. Thật là hết biết!
Buồn, Lan thường nghĩ về ngày ấy.
Ngày ấy, mỗi lần được cầm quyển vở để học bài là cô nàng hứng thú lắm. Đường đến nhà cô giáo quá xa, lại không có xe đạp, việc nhà lại chất như núi nên Lan phải tự học lấy.
Cầm quyển vở, Lan đi qua đi lại, tự giảng bài cho mình. Có lúc lại ngớ ra vì đôi chỗ không hiểu lắm.
Lại tự diễn: “Cô có việc bận rồi, lúc khác sẽ giảng bài cho các cháu nhé!”. Rồi Lan lon ton đi tưới vườn rau. Bụng dạ cứ reo réo vì những gì chưa nắm được.
Sáng tinh mơ, tiếng gà báo thức và tiếng thằng Tùng nhà bên đọc bài rõ mồn một.
“Tiếng chổi tre.
Những đêm hè ,
Khi ve ve đã ngủ,
Tôi lắng nghe …..”.
Lan chợt nhảy cẫng lên! À! Thì ra là thế! Đó là tình yêu lao động và ý thức bảo vệ môi trường! “Ta đã tóm được ý này rồi nhé!”. Cô bé vừa nấu nước vừa vội vã dùng than viết lên nền đất dòng chữ đó.
Một hôm, vì chân đau, bà hàng xóm nghèo, đơn chiếc, nhờ mẹ Lan đến giúp. Cô bé thỏ thẻ với mẹ: “Hôm qua, cô giáo kể cho chúng con câu chuyện “Người ăn xin” của Tuôc - ghê - nhép mẹ ạ!”. Nói rồi, cô bé nhanh chân vào nhà, gói vào miếng lá chuối khô một nắm xôi (phần sáng của Lan) và sang biếu bà cụ. Mẹ xoa đầu Lan bảo: “Con mẹ giỏi quá, con không sợ hôm nay sẽ phải nhịn đói ư?”. Lan nghiêng đầu cười, hé ra chiếc răng khểnh thật duyên!
Lan đã không ngăn được dòng nước mắt xúc động khi kể về cô giáo Oanh đã từng đem dầu thắp đến để giúp em có ánh sáng học bài, từng chia cho Lan một tập giấy hẩm nhòe cả ô li, sau một trận mưa dai dẳng… Một bài văn lần đầu tiên Lan được 9 điểm khi viết về cô giáo của mình.
Nhưng cũng có lần, Lan bị thầy giáo phê bình vì tội tả thực quá: “Thầy em thường mang đôi dép nhựa bị hàn mấy chỗ”. Từ đó, lời văn của Lan có vẻ bóng bẩy hơn! Còn thấp thoáng xuất hiện cả những câu thơ khi vào bài “Nhà em xa lắm ngôi trường, ngày ngày hai buổi con đường quen thân!”…
Những ngày hè, Lan cùng bọn trẻ trong xóm lùa bò lên núi, thả ngày. Nghe tiếng suối chảy róc rách, ngồi lên mỏm đá, chân đung đưa Lan vô tư ngâm nga bài “Côn Sơn ca”. Nhanh cảm, chóng thuộc!
Chiều xuống, cả đàn bò no căng. Rỗi nhưng sợ chúng bạn biết, Lan trốn mình trong hốc đá, mơ màng đưa mắt rình màn ánh nắng cuối ngày xuống dần từ lưng núi. Màu xanh của cánh đồng non nhuốm màu vàng mơ mơ, rồi chuyển dần sang màu xam xám, những cánh cò trắng bay nhịp là là trong chiều muộn. Chiều quê đẹp lạ lùng!
Cả làng ai cũng trầm trồ khi Hoàng Lan là nhân vật thủ khoa kỳ thi tuyển vào hệ chính quy. Tình cảm gắn bó với ngôi trường đầy ắp những kỷ niệm đẹp của một thời áo trắng. Trường mới, phải lao động, phải dựng xây nhiều. Lan gắn mình với những mầm bàng đang vươn lên, ngửi lấy mùi vôi thơm, nhìn màu ngói mới… Những thầy cô giản dị, hiền từ nhưng cũng khá nghiêm khắc, bạn bè đông hơn, từ nhiều xã đổ về… Lòng Lan phơi phới ước ao, ngày mai sẽ nối bước thầy cô để được gắn mình với quê hương, với ngôi trường thân thương ấy. Vậy mà…
***
Lan đặt vội bài kiểm tra đang chấm dở xuống bàn rồi thở hắt. Chỉ một cái khoanh tròn là có nửa điểm mà nhỏ Tuyên cũng không làm đúng. Thế này thì biết tìm điểm đâu để mà cho đây? Đến khi thống kê, sẽ phải hồi hộp, toát mồ hôi vì tỉ lệ điểm. Đến cuối năm… Eo ôi! Cô giáo trẻ ngồi thừ ra, mắt xa xăm, rồi lẳng lặng đứng dậy ra sân vườn. Lan ngước nhìn những ngôi sao rồi chép miệng: “Chắc năm nay mình lại trúng sao quả tạ đây!”. Khuya lắm rồi!
Ngước mắt nhìn ra tủ sách, cả mấy chồng sách dày chất cao mà chưa trang nào là Lan chưa đụng chữ.
Lan lấy tay dụi mắt, sấp bài vẫn nằm im nhưng có tờ giấy đã ươn ướt vì dòng lệ của Lan. Nhưng sẽ phải cố tìm ra những bài viết kha khá, rồi cả những lỗi lớn, lỗi nhỏ để chiều mai trả bài cho hiệu quả. Đây là lớp lần đầu tiên tiếp cận, phải làm thế nào để học sinh rút ra được những kinh nghiệm quý giá.
Và đây rồi, một bài làm viết bằng bút mực, nét nghiêng nghiêng, đều tăm tắp - bài của Hoàng Thu. Mắt Lan sáng rực lên. Không thể sai nhé! Ừ, trắc nghiệm qua rồi, phần 3 điểm. Đến câu tự luận “Kể về kỷ niệm của em với thầy cô giáo”. Từng con chữ trên trang giấy đẹp tươi như những giọt chất quý của đời. Đến đoạn nêu cảm nhận, Thu viết: “Những lúc cô ấy kể về chuyện hài của các lớp anh chị, tớ không thể cười theo các bạn. Tớ yêu cô giáo của mình từ khi nghe cô hát bài “Viếng lăng Bác”. Ai vô cảm, ai thờ ơ, hay cứ vờ chăm chú mà không ghi nhận. Riêng tớ, tớ nổi hết gai ốc. Rồi tớ khóc đấy… Các bạn cứ cười đi nhé! Ngày mai, ngày mai, tớ cũng sẽ đi làm cô giáo!”.
Ôi! Ngày mai đối với Lan quả thật chỉ còn vài ba tiếng đồng hồ mà đối với Hoàng Thu sẽ còn dài, dài lắm. Nhưng Lan hạnh phúc rồi, vì dù gì đi chăng nữa, tất cả những mòn mỏi, chán chường của đêm nay đều tan mất vào sương vì Lan đã gieo được một mầm chữ mới, dù còn rất non thôi!
Những ánh sao trên cao kia như hạ gần vào khung cửa, ánh sáng lấp lánh vào đôi mắt… Để Lan nghe được tiếng thở của đêm. Để Lan thêu cho trọn một giấc mơ. Nhưng tiếng gà đã gáy rồi… Lan vươn vai, hít một hơi sâu, lại gần giường, ngả mình và nhanh chìm vào giấc ngủ muộn.
H.V