Mảnh đất xé toạc tình thân
Có lẽ sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra nếu như vợ chồng người cháu chủ động làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngay khi được cho đất. Và nếu vậy thì bây giờ tình cảm gia đình, chú cháu đã không sứt mẻ, và đôi bên không đến mức phải dắt nhau ra tòa.
Năm 1997, vợ chồng ông P.N.B (huyện Phù Mỹ) được UBND huyện cấp quyền sử dụng đất tại thửa đất số 61, với diện tích 862m2. Trong đó, 200 m2 đất ở còn lại là đất vườn. Tháng 3.2009, vợ chồng ông B. thống nhất chuyển nhượng một phần đất là 190 m2 (100 m2 đất ở, 90 m2 đất vườn) cho vợ chồng cháu ruột là anh P.N.M. Sau đó, hai bên gia đình ở ổn định và đều có giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất riêng.
Tuy nhiên, khi gia đình người cháu xây dựng chuồng heo, chuồng bò và trồng trụ bê tông làm hàng rào ranh giới trên phần đất mà người chú cho thêm, thì tranh chấp nảy sinh. Tại phiên tòa sơ thẩm, vợ chồng người cháu thừa nhận việc xây dựng của mình là sai vì đã xây dựng ngoài phần diện tích đất đã được cấp, song vì nghĩ rằng phần đất xây dựng các công trình này đã được chú thím làm giấy cho, có người làm chứng và có UBND xã xác thực (phần đất cho thêm không rõ diện tích nhưng chiều ngang là 6m, có giới cận rõ ràng).
Là chú cháu ruột, nhưng tại tòa họ nhìn nhau với ánh mắt hằn học. Anh M. trình bày: “Phần đất cho tuy không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng có người làm chứng và có UBND xã xác nhận thì đó là phần của tôi”. Gia đình người chú thì nói: “Lúc trước cho giờ không muốn cho nữa thì đòi lại”.
Anh M., chia sẻ: “Tôi thật quá chủ quan. Vì nghĩ người trong gia đình đã cho rồi và cũng đã có xã xác nhận nên cứ nghĩ là mình có quyền xây dựng. Có ai ngờ đất đã cho rồi giờ đòi lại mà trước pháp luật thì tờ giấy cho ngày xưa nay không có hiệu lực”.
Theo quy định, hợp đồng qua chứng thực tại UBND xã, phường, thị trấn có hiệu lực từ ngày ký, nhưng theo Luật Dân sự năm 2005 đối với giao dịch bất động sản thì hợp đồng chỉ có hiệu lực kể từ ngày đăng ký kê khai và đã nộp thuế. Do đó, tòa sơ thẩm buộc anh M. phải tháo dỡ công trình đã xây trả lại hiện trạng đất ban đầu cho người chú. Anh M. không đồng ý nên kháng cáo.
Nghe họ phân bua, HĐXX phân tích: “Dù sao cũng là người một nhà, thì nên trân trọng tình thân, nếu có gì chưa phân minh, gia đình cũng có thể ngồi lại với nhau tìm giải pháp hợp lý. Đằng này, đã đưa nhau ra luật pháp, mà vẫn gay gắt phân tranh nữa là sao?”.
Căn cứ vào giấy cho đất của gia đình người chú và lời khai các nhân chứng tại tòa và qua xác minh tại thực địa, ông M., đã xây dựng các công trình như chuồng bò, chuồng heo và các trụ bê tông trên phần đất đã cho là đúng thực tế. Nên tòa phúc thẩm đã tuyên phần đất đã cho có các công trình đã xây thuộc về anh M. và anh M. có trách nhiệm thối lại tiền sử dụng đất cho gia đình người chú. Án tòa đã tuyên, anh M. chấp nhận bồi thường tiền song gia đình người chú không đồng tình, họ phản ứng: “Tòa bán cho anh M. thì anh M. tự vào tòa mà mua. Tui giờ không cho, không bán. Tui rào lại”.
Từ chỗ chú cháu tình thân, tối lửa tắt đèn có nhau, miếng ngon mời cùng vậy mà giờ đây, chỉ vì một mảnh đất mà hai gia đình từ mặt nhau. Tiền bạc, tài sản mất đi có thể tìm lại được nhưng vết thương lòng thì khó lòng lành lại.
Anh M. tâm sự: “Tôi buồn lắm chị ơi, mảnh đất có quý bao nhiêu cũng là một mảnh đất vô tri. Còn tình cảm gia đình thì thiêng liêng vô cùng. Tình cảm chú cháu biết bao giờ tìm lại được”.
Từ câu chuyện này cho thấy, chỉ vì không am hiểu pháp luật (Luật Đất đai) để rồi khi trong cuộc sống có những nảy sinh thì từ những người thân bỗng chốc họ quay lưng. Dù sao thì một giọt máu đào hơn ao nước lã, ông bà xưa đã từng dạy thế, mảnh đất kia đâu phải là căn nguyên, nguồn gốc của những mâu thuẫn để đến nỗi phải chia năm sẻ bảy, tình thân của những người trong cuộc theo đó cũng nhạt nhòa đi như bây giờ. Đất đai có thể chia, chứ tình thâm máu mủ đâu có dễ dàng đem ra so bì, chia chác rành rẽ được!?!
K.ANH