Nên chăng…?
Từ năm 1987, ngày 31.5 hàng năm được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn là Ngày thế giới không thuốc lá. Đây là một phần của chiến dịch phòng chống tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người trên toàn cầu, đã được nhiều quốc gia trên thế giới hưởng ứng, trong đó có Việt Nam. Cũng trong dịp này, Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 đến 31.5 cũng sẽ diễn ra.
WHO đề ra Ngày Thế giới không thuốc lá nhằm thu hút sự chú ý của tất cả mọi người đến nạn dịch thuốc lá và các bệnh tật, sự chết có thể phòng ngừa do thuốc lá gây ra. Ngày Thế giới không thuốc lá sẽ thông báo cho công chúng về mối nguy hiểm của việc sử dụng thuốc lá, việc kinh doanh thuốc lá của các công ty thuốc lá, các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá của WHO, và các hành động mà công chúng trên thế giới có thể làm để đòi quyền bảo vệ sức khỏe, cuộc sống khỏe mạnh và bảo vệ các thế hệ tương lai.
Từ nhiều năm qua, cứ đến Ngày thế giới không thuốc lá và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá là ở nước ta lại diễn ra các hoạt động truyền thông phòng chống tác hại của thuốc lá. Đây là điều cần thiết để đánh động dư luận, kêu gọi cộng đồng cùng nhau hành động có hiệu quả trong vấn đề có tính toàn cầu này.
Năm nay cũng không là ngoại lệ khi Bộ Y tế vừa ban hành công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đề nghị chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan truyền thông trên địa bàn tiếp tục tuyên truyền các quy định của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Bộ Y tế cũng đề nghị vận động hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong đám cưới, lễ tang, lễ hội…
Các nghiên cứu về sức khỏe cộng đồng cho thấy, thuốc lá là nguyên nhân dẫn đến nhiều loại bệnh tật nguy hiểm như ung thư phổi, tim mạch…; không chỉ những người trực tiếp sử dụng thuốc lá mà cả những người không hút thuốc cũng phải chịu tác hại của khói thuốc lá gây ra. Trong bối cảnh hút thuốc lá tràn lan vẫn đang là một “vấn nạn” ở nước ta thì nỗ lực để hạn chế như nội dung Bộ Y tế đề ra là cần thiết, nhằm giảm thiểu tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe cộng đồng.
Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã có quy định cấm hút thuốc lá ở một số nơi cụ thể như công sở, trường học, bệnh viện… Do đó, bên cạnh việc tiếp tục kêu gọi để vận động “hạn chế” hoặc “không hút thuốc” trong các tang lễ, đám cưới, lễ hội… thì cũng nên quy định cấm hút thuốc ở những nơi này.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là một khi đã có quy định cấm hút thuốc thì cần phải thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, nếu chỉ dừng lại ở mức vận động, tuyên truyền hay “đề nghị” chung chung thì việc phòng chống tác hại của thuốc lá sẽ không mang lại hiệu quả như mong đợi.
HẢI ÐĂNG