Hiến máu tình nguyện: Luôn luôn sẵn sàng, luôn luôn chia sẻ
Không báo trước, không có lịch cụ thể, khẩn cấp là những từ dùng để chỉ hiến máu đột xuất phục vụ cho cấp cứu. Nửa đêm, rạng sáng hay lúc nắng mưa, họ đều nhanh chóng có mặt, kịp thời góp phần cứu sống bệnh nhân.
1.
Đêm 20.5 vừa qua, một bệnh nhân 14 tuổi, chuyển viện từ BVĐK khu vực Bồng Sơn vào BVĐK tỉnh trong tình trạng nguy kịch. Bác sĩ thông tin về Trung tâm huyết học và truyền máu tỉnh cần máu nhóm AB. Không còn máu thuộc nhóm AB, Trung tâm huyết học và truyền máu liên hệ với Ban chủ nhiệm CLB 25 (Hội CTĐ tỉnh) huy động máu phục vụ cấp cứu. Lúc bấy giờ là 22 giờ 30 phút.
Nhận được thông tin, Đỗ Tiến Nghi - thành viên Ban chủ nhiệm CLB 25 - liền liên lạc với các thành viên có máu thuộc nhóm AB. “Hơn nửa giờ đồng hồ, các cuộc điện thoại nối nhau, song chúng tôi vẫn chưa tìm được người cho máu. Người có máu thuộc nhóm AB không nhiều. Tìm được rồi nhưng vào khung giờ này việc liên lạc cũng không dễ. Phần lớn đối tượng được vận động là sinh viên, những lúc đêm hôm khuya khoắt, các bạn sinh viên muốn ra khỏi ký túc xá để đi hiến máu cứu người phải giải thích rất nhiều bảo vệ mới thông cảm…”, Nghi kể.
Trở lại với chuyện hiến máu đêm 20.5. Sau rất nhiều nỗ lực liên lạc, mãi đến 23 giờ 30, các liên lạc viên cũng kết nối được với bạn Phạm Nữ Thục Đoan (sinh viên năm 4, khoa Sư phạm tiếng Anh, Đại học Quy Nhơn). Cùng lúc đó, một thành viên của CLB cũng liên hệ được với Rơ Trần Hoàn (sinh viên năm 1, khoa Tâm lý - Giáo dục và Công tác xã hội, Đại học Quy Nhơn) - người chưa từng hiến máu lần nào nhưng vẫn đồng ý đi xét nghiệm với hy vọng mình cũng thuộc nhóm máu AB vì chị gái của Hoàn thuộc nhóm AB. Qua xét nghiệm, Đoan đủ điều kiện cho máu. Mừng hơn nữa là Hoàn cũng thuộc nhóm AB và đủ điều kiện cho máu.
Đến 0 giờ, 2 đơn vị máu của Đoan và Hoàn đã được chuyển đi phục vụ cho bệnh nhân. Tình nguyện viên thứ 3 nhận lời đến cho máu là Trần Duy Thành (sinh viên năm 4, khoa Địa lý - Địa chính, Đại học Quy Nhơn) cũng đã có mặt và thực hiện cho máu. 3 đơn vị máu (tức 750ml máu) đã được huy động và phục vụ kịp thời cho ca cấp cứu trong đêm.
2.
Hiến máu lúc nửa đêm trở thành sự kiện đặc biệt với chàng sinh viên quê ở tỉnh Gia Lai Rơ Trần Hoàn. Chưa một lần hiến máu, việc ra khỏi nhà trọ lúc nửa đêm và hình dung cây kim lấy máu to đùng đâm vào tay khiến Hoàn hoang mang. “Nhưng rồi nghĩ, họ chắc đang cần mình lắm nên em quyết định đi. Không có xe, em nhờ mấy bạn đến đón. Vừa đi, vừa nghĩ ngợi lung tung, lo lắng nên khi làm thủ tục xét nghiệm, huyết áp ban đầu của em lên đến 140mmHg. Phải một lúc sau, em mới ổn định tâm lý lại và đủ điều kiện cho máu”, Hoàn tâm sự.
Riêng Thục Đoan, em chia sẻ: “Là con gái, việc ra khỏi nhà lúc đêm hôm, mình cũng lo lắng lắm nhưng được động viên, lại có bạn đi cùng nên mình nhanh chóng quên đi cái sợ. Ngay hôm sau, mình có gọi điện kể cho ba mẹ ở quê nhà (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) nghe và nhận được sự đồng tình của gia đình về quyết định khuya hôm đó, làm mình rất vui”.
Còn Duy Thành, lý do để em tức tốc đến bệnh viện là hoàn cảnh của bệnh nhân. Thành bảo: “Nghe các anh chị kể, cô bé ấy vừa 14 tuổi, quê ở Hoài Nhơn và mồ côi cả cha lẫn mẹ. Người đưa em nhập viện là cậu ruột. Em bé đáng thương và cần được giúp đỡ!”.
3.
Bác sĩ Hồ Thị Kim Chung, Phó Giám đốc Trung tâm huyết học và truyền máu tỉnh, cho biết: “Những năm gần đây, khi phong trào hiến máu trong tỉnh phát triển khá mạnh, kho máu của Trung tâm khá dồi dào các nhóm máu A, B, O để phục vụ điều trị và cấp cứu. Chỉ riêng nhóm máu AB, vì ca bệnh thuộc nhóm máu này hiếm nên việc lưu trữ máu không thường xuyên, tránh dư máu và dẫn đến phải hủy máu, “có tội” với người cho máu. Với các ca cấp cứu thuộc nhóm máu này, khi bác sĩ chỉ định truyền máu, Trung tâm liền liên lạc với các nhóm tình nguyện, các ngân hàng máu sống hoặc theo hệ thống người cho máu mà chúng tôi lưu trữ qua hệ thống mạng. Và đáng mừng, các bạn trẻ luôn nhiệt tình, có mặt kịp thời, bất kể thời tiết xấu. Chúng tôi ghi nhận sự nhiệt tình, nghĩa cử đẹp của các bạn”.
NGUYỄN MUỘI