Bánh cuốn Tây Sơn
Ngoài dé bò, bánh hỏi lòng heo, chim mía, Tây Sơn còn có món bánh cuốn trứ danh “2 sống 1 chín” dân dã nhưng đậm đà khó quên.
Trứ danh bánh cuốn “2 sống 1 chín”
Từ thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn) đi lên hướng Tây theo QL 19 tầm 13 km nữa thì đến thôn Trung Sơn, xã Tây Thuận. Dừng chân, hỏi quán bánh cuốn cô Tâm thì ai cũng biết. Quán đối diện với Trường THCS Tây Giang do bà Hoàng Thị Tâm (55 tuổi) mở từ năm 2006.
“Nguyên liệu dùng để cuốn bánh thì hầu như quán nào cũng giống nhau, gồm bánh tráng mỏng đem nhúng cuốn với rau sống, đậu hũ chiên, chả ram, lụi thịt bò nướng, nem, chả, trứng vịt luộc chín; nhưng bánh cuốn có ngon hay không còn ở chất lượng nước chấm”
Bà HOÀNG THỊ TÂM - 55 tuổi, ở thôn Trung Sơn, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn
“Mỗi ngày tôi bán được hơn 300 cuốn, giá mỗi cuốn là 10.000 đồng. Cũng nhờ bán bánh cuốn mà đến nay gia đình tôi có của ăn của để”, chủ quán chia sẻ. Mỗi ngày quán mở cửa từ 6 giờ sáng đến 7 giờ tối, khách hàng tương đối đông, từ người địa phương cho đến cho đến khách vãng lai. Thậm chí, các ca sĩ ở TP Hồ Chí Minh mỗi khi về tỉnh biểu diễn đều ghé quán này để thưởng thức vị bánh cuốn lạ miệng.
Quán đông khách bởi một phần nước chấm ở đây lạ và ngon hơn ở các chỗ khác. Theo lời bà Tâm thì: “Nguyên liệu dùng để cuốn bánh thì hầu như quán nào cũng giống nhau, gồm bánh tráng mỏng đem nhúng cuốn với rau sống, đậu hũ chiên, chả ram, lụi thịt bò nướng, nem, chả, trứng vịt luộc chín; nhưng bánh cuốn có ngon hay không còn ở chất lượng nước chấm. Như nước chấm quán của tôi thì bên cạnh việc làm nước mắm chanh đường như bình thường thì tôi còn pha thêm nước đậu phụng vào. Nhờ vậy mà khi ăn khách sẽ cảm nhận được hương vị đậm đà của nó, vừa có vị mặn của nước mắm, chua chua ngọt ngọt của chanh và đường, béo béo của đậu phụng”.
Quán bánh cuốn 5 Mận (ở số 82 Quang Trung, thị trấn Phú Phong), do bà Nguyễn Thị Mận (65 tuổi) làm chủ hiện là một trong những quán bán bánh cuốn lâu đời nhất ở huyện Tây Sơn. Quán có tuổi đời trên 40 năm.
Điểm đặc biệt của quán 5 Mận là để khách tự chọn các nguyên liệu cuốn bánh theo ý mình. Cũng vì vậy mà giá bánh cuốn ở đây tùy thuộc vào lượng thức ăn khách đã dùng, dao động từ 15.000 đến 20.000 đồng/cuốn. Nhiều người hay nói vui là bánh cuốn quán 5 Mận là bánh cuốn 2 sống, 1 chín siêu hạng. Sở dĩ như vậy là bởi vì khách hàng của quán 5 Mận chủ yếu là người lao động phổ thông, họ cần ăn no để có sức làm việc nên thường là họ đem nhúng 2 cái bánh tráng sống, 1 bánh chín để cuốn. Anh Nhữ Thật, đang công tác tại TAND huyện Tây Sơn, nói: “Một tuần 3 bữa tôi đều ăn sáng ở đây do đồ ăn của quán lúc nào cũng nóng hổi vì khách đến chủ quán mới đem đi nướng. Hơn nữa, tôi tự do chọn món cuốn theo ý mình, ăn đến đâu tính tiền đến đó”.
Bánh cuốn Tây Sơn: “Nhìn là thèm, ăn là nhớ”
Đó là sologan của trang web www.banhcuontayson.com do anh Nguyễn Đình Chính, 24 tuổi, quê thôn Trung Sơn, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn thành lập vào đầu năm 2014, giới thiệu và bán món đặc sản Tây Sơn quê mình.
Anh Chính chia sẻ: “Trước khi vào Sài Gòn mở trang web này, tôi cũng đã có khoảng thời gian hơn một tháng học nghề cuốn bánh cuốn tại quán bánh cuốn của cô Tâm ở cùng thôn. Tôi mong muốn mang một chút hương vị của quê nhà đến với những người con Bình Định nói chung và Tây Sơn nói riêng ở xa quê, đồng thời cũng hi vọng món bánh cuốn Tây Sơn sẽ được nhiều người biết đến hơn”.
Nhờ chất lượng và quảng bá tốt nên món bánh cuốn Tây Sơn của anh Chính đang được nhiều thực khách ở đất Sài Gòn biết đến.
- Trong ảnh: Các bạn trẻ ở TP Hồ Chí Minh thưởng thức món bánh cuốn Tây Sơn. (Ảnh lấy từ trang www.banhcuontayson.com)
Thông qua trang web www.banhcuontayson.com, anh Chính còn trực tiếp giao hàng bánh cuốn qua điện thoại. Ý tưởng này của anh đã được rất nhiều người ủng hộ, nhất là những người con Bình Định xa quê đang sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh, vốn rất ghiền và rất nhớ món ăn này. Và chính họ đã giới thiệu, chia sẻ, giới thiệu đường link của trang web này cho bạn bè, người thân, nên chỉ trong một thời gian ngắn nhiều người gọi điện đặt bánh cuốn Tây Sơn tại cơ sở của anh Chính (ở số 118/100 đường Lê Trọng Tấn, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh).
Lúc cao điểm đơn đặt hàng nhiều anh Chính phải thuê thêm các bạn sinh viên đến làm việc bán thời gian chứ một mình anh với hai người bạn nữa làm không xuể. Hầu hết nguyên liệu để cuốn bánh anh Chính đều mua ở Sài Gòn chỉ trừ bánh tráng và đậu xanh dùng để gói chả ram là anh phải đặt ngoài quê gửi vô. Hiện mỗi ngày anh Chính bán được khoảng 200 cuốn bánh (giá 15.000 đồng/cuốn, nếu giao hàng ở xa thì sẽ tính thêm phí giao hàng). Trừ mọi chi phí, mỗi ngày anh Chính thu lãi gần 1 triệu đồng.
“Nhiều khách hàng mới lần đầu tiên ăn bánh cuốn Tây Sơn vừa nhìn cuốn bánh là thét lên “Trời, bánh gì mà ngộ thế, ăn một cuốn chắc no quá”, nhưng mới ăn có nửa cuốn là đã vội vàng dặn ngay “Cho bọn em mỗi người thêm một cuốn nữa nhé””, ông chủ trẻ của www.banhcuontayson.com vui vẻ kể chuyện.
Đi ăn giỗ còn được mang bánh cuốn về
Ðây là phong tục thường thấy trong các đám giỗ ở huyện Tây Sơn. Mỗi khi khách được mời đến dự đám giỗ, khi ra về sẽ được gia chủ cuốn gửi thêm cuốn bánh cùng với bánh kẹo hay nước ngọt mang về nhà, gọi là làm quà cho người ở nhà.
Bà Nguyễn Thị Cháu, 86 tuổi, nhà ở xã Bình Tường, cho hay: “Không ai biết tục lệ này có từ bao giờ, tôi chỉ nghe ba mẹ kể là nó có từ rất lâu rồi. Khi ấy, nhà ai cũng khổ nên lấy đâu ra tiền mà đi mua chả, nem hay trái cây đến nhà hàng xóm để ăn giỗ như bây giờ, nhà mình có con gà, cái bí, buồng chuối…thì mang đi ăn giỗ thôi. Thường thì trong đám giỗ sẽ có rất nhiều các món xào, trộn khác nhau như: các món bún, đậu tây, khổ qua, da bò…cộng với chả, nem, thịt heo. Chủ nhà sẽ nhúng bánh tráng cuốn với các món đó gửi cho khách mang về. Ðây cũng là một trong những hình thức độc đáo, ý nghĩa thể hiện tình làng nghĩa xóm, có qua có lại của người dân nơi đây bao đời nay”.
Mới đây, chị Minh Duyên, nhà ở TP Quy Nhơn, có dịp lên Tây Sơn ăn giỗ sau khi về cũng được chủ nhà cho bánh cuốn mang về, bày tỏ: “Lúc đầu tôi rất ngạc nhiên nhưng sau khi hiểu ra ý nghĩa của việc này thì tôi mới thấy ấm lòng bởi tình cảm của con người nơi đây”.
Cũng là một người dân ở Tây Sơn, nên mỗi lần nhà có đám giỗ là tôi thấy cả nhà mình phải chạy đôn chạy đáo lo đủ thứ chuyện từ đi mời khách, dọn nhà, sắm đồ. Trong đó, khâu chuẩn bị bánh tráng dùng để nướng dọn đãi khách và cuốn về cho khách là việc đầu tiên mà mẹ tôi hay làm trước đám giỗ vài ngày. Trong suốt buổi đám giỗ, người nhà phải chú ý quan sát xem thử đồ ăn còn lại những gì, có thiếu gì không, rồi khách ai về trước, nhà họ có bao nhiêu người, để mà còn chuẩn bị đủ bánh cuốn để gửi cho khách mang về làm quà.
Thời còn nhỏ, tôi cũng như mấy đứa bạn ở quê thường xuyên là những vị khách “mời hay không mời cũng đến” nên hầu như chẳng vắng mặt trong bữa giỗ nào trong xóm. Ăn xong lại tung tăng chạy nhảy nên lúc về nhà chúng tôi cũng ít khi để ý đến chuyện bố mẹ có được gửi bánh cuốn mang về không. Sau này, khi đã lớn “tần suất” đi ăn giỗ của tôi cũng giảm dần. Cũng chính vì vậy mà tôi mới biết cảm giác rạo rực chờ bánh cuốn từ đám giỗ như thế nào. Bữa nào nhà trong xóm có đám giỗ là nhất định bữa đó tôi phải để dành bụng đặng chờ bánh cuốn.
XUÂN NHÂM
NGUYỄN HỒNG PHÚC
Ngoài 2 địa điểm quán bánh cuốn trên, quán bánh cuốn anh Tèo Công ở đường Trần Quang Diệu, Phú Phong, Tây Sơn mới tuyệt. Theo tôi thì bánh cuốn Tèo Công mới là số 1 ở Tây Sơn.