“Tầm” và “tâm” của một nữ doanh nhân
Ít khi thể hiện mình trước đám đông, cứ thế thầm lặng với công việc, nhưng có trò chuyện với chị mới thấy, ẩn sau lặng thầm đó là sự quyết liệt của một nữ doanh nhân (DN) dám nghĩ, dám làm. Hiện là Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Ðịnh (Bidifisco), chị Cao Thị Kim Lan đã góp phần tạo dựng “thương hiệu” thủy sản Bình Ðịnh.
57 tuổi, bỏ qua 10 năm làm kế toán của một công ty nhà nước, tính ra chị đã lăn lộn với thương trường hơn 20 năm. Vượt sóng để đưa một công ty hoạt động khó khăn thành một doanh nghiệp có “số má” trong ngành thủy sản, đối tác tin cậy của nhiều thị trường “khó tính” như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, thành công của nữ DN Việt Nam tiêu biểu năm 2013 xuất phát từ những chiến lược kinh doanh năng động.
“Mượn vai” những đối tác có tiềm lực
Là dân “ngoại đạo”, chị bước chân vào ngành thủy sản với quy mô sản xuất gia đình, rồi làm gia công nguyên liệu cho các công ty xuất nhập khẩu thủy sản lớn ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa… Năm 1994, khi có nhiều “bạn hàng”, chị thuê mặt bằng của Bidifisco xây dựng phân xưởng sản xuất để làm hàng xuất khẩu (XK). Năm 1999, chị gia nhập vào Bidifisco với vai trò là một trong những cổ đông lớn khi tỉnh cổ phần hóa doanh nghiệp này. Xác định chỉ có thể XK thì mới vực dậy được một công ty chỉ chuyên sản xuất nước mắm, hải sản khô. Và, đã vượt sóng thì phải vươn ra biển lớn, đến thị trường châu Âu, Mỹ. Năm 2001, quyết định đập, bỏ toàn bộ cơ sở cũ và trang thiết bị - cổ phần hóa được 3,1 tỉ đồng - chị và lãnh đạo Bidifisco chạy vạy khắp nơi tìm vốn để xây dựng cơ sở mới, lắp đặt dây chuyền thiết bị đúng chuẩn, thực hiện các khâu kiểm định chất lượng.
Hoàn thành công trình với cả đống nợ, trong khi hàng hóa chưa XK được, công việc đình đốn. Nhắc đến thời điểm đó, ông Lê Văn Quý - Phó giám đốc Bidifisco - không khỏi rùng mình: “Năm 2003 là thời điểm khó khăn đến tột cùng, nhiều người trong đó có cả lãnh đạo bỏ đi tìm bến mới, kéo theo nhiều nhân viên giỏi. Bidifisco đứng bên bờ giải thể nếu không có sự chèo lái vững vàng”.
• Trước áp lực nhiều người nghi ngờ về năng lực quản lý của người đứng đầu Bidifisco, chị đã giải quyết những khó khăn thuở “khởi sự” như thế nào?
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc mừng bà Cao Thị Kim Lan trong dịp vinh danh “Nữ DN Việt Nam tiêu biểu 2013 - Cúp Bông hồng Vàng”, tổ chức vào tháng 3.2014.
- Một mặt tôi tuyển công nhân có tay nghề, một mặt mời những người có trình độ kỹ thuật trong lĩnh vực này để về giúp mình quản lý chất lượng sản phẩm. Đến nay, tôi vẫn cho rằng thành công của Bidifisco nằm ở tất cả những trợ thủ đắc lực, đội ngũ công nhân có tâm huyết và cùng chung chí hướng. Tôi chỉ là người tập hợp họ lại để gầy dựng nên diện mạo của Bidifisco, nếu có người lên ý tưởng mà không có người thực hiện thì cũng không làm gì được.
• Nhân lực chỉ là yếu tố nền tảng, quan trọng vẫn là cách làm. Không chỉ giai đoạn đầu, ngay cả thời điểm khó khăn và đen tối nhất, đã tính đến chuyện giải thể, chị vẫn xoay trở tình thế ngoạn mục. Đâu là bí quyết?
- Vừa làm vừa dò đường, chúng tôi luôn đặt ra kim chỉ nam: “Trước khi tiêu hãy xem túi. Trước khi đầu tư hãy nghiên cứu”. Rõ ràng, phải hiểu được tiềm lực của mình trong từng giai đoạn cụ thể để có cách làm phù hợp. Ngày đầu, tiềm lực của một “tân binh” chưa đủ, tôi quyết định làm “vệ tinh” cho các công ty thủy sản có năng lực XK tốt ở Khánh Hòa, Đà Nẵng, Huế. Thời gian này, tôi vừa làm vừa học nghề của họ để 2 năm sau thì XK trực tiếp.
Ngay trong thời điểm khó khăn nhất, nghĩ lại công sức biết bao năm mình và các cộng sự đã bỏ ra, sao có thể nói khó là bỏ được, tôi tính đến chuyện đầu tư tiềm lực cho tài chính của Bidifisco bằng cách đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi những người quen biết cùng tham gia cổ phần. Năm 2004, tôi chính thức mời “bạn hàng” và “đối tác” - Công ty Thủy sản Hải Vương, ở TP Nha Trang - tham gia cổ phần. Khó khăn dần được tháo gỡ bằng cách làm hàng XK đạt tiêu chuẩn châu Âu rồi đưa hàng cho Hải Vương XK để giải quyết vốn đầu tư nguyên liệu, giải quyết được lượng hàng tồn, trả nợ ngân hàng. Từ chỗ năm 2003 phải dừng XK, đến năm 2005 đã XK trở lại và thu về được 4 triệu USD; năm 2007 tăng lên 17 triệu USD. Đến giờ, giá trị XK hàng năm của Bidifisco đã lên 41 triệu USD; thị trường mở rộng đến vài chục nước; công nhân từ vài chục giờ đã hơn 800 người…
Một đời trăn trở với cá ngừ đại dương
“Nữ hoàng cá ngừ đại dương” là biệt danh do nhiều bạn hàng ở Đài Loan yêu mến đặt cho chị trong những ngày đầu bước vào lĩnh vực kinh doanh thủy sản. Đưa cá ngừ đại dương trở thành một đặc sản, tạo dựng thương hiệu cá ngừ đại dương Bình Định chính là tâm huyết của chị.
• Cá ngừ đại dương là mối quan tâm của chị từ những ngày đầu lăn lộn vào thương trường. Đâu là bước ngoặt khiến chị dồn rất nhiều tâm sức cho “công cuộc” XK cá ngừ đại dương?
- Năm 2014, tôi tham gia chuyến công tác cùng chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc (đã nghỉ hưu) sang Nhật Bản. Báo cáo của phía bạn cho hay, mỗi năm các nước như Philippines, Malaysia, Indonesia xuất cá ngừ đại dương sang Nhật Bản tính bằng đơn vị tấn, đến phiên Việt Nam mình chỉ xuất được… 1.200kg/năm. Nghe mà tự ái ghê gớm, nên nhủ mình phải tính ngay đến chuyện XK cá ngừ đại dương sang Nhật Bản. Chúng ta có lợi thế và tiềm năng, nhưng “lộc biển” này cứ mãi làm hàng đông lạnh thì giá trị cũng rất thấp. Vậy là khởi sự xúc tiến XK cá ngừ đại dương sang Nhật.
• Thực tế là lâu nay ngư dân của ta vẫn quen với lối khai thác đánh bắt theo kiểu “nghề cá nhân dân”, tức người dân tự đầu tư, khai thác cũng từ kinh nghiệm cha truyền con nối. Trong khi đó, nghề cá của các nước là nghề cá của các tổng công ty, tập đoàn nên họ được đầu tư bài bản...
- Băn khoăn lớn nhất khi triển khai đánh bắt cá ngừ đại dương theo chuỗi chính là nhận thức của ngư dân. Cái khó của mình là “bạn” đi biển được ăn chia theo sản lượng đánh bắt, thu nhập của họ vì thế cũng “phập phù”, không thể đòi hỏi họ toàn tâm toàn ý gắn bó với chủ tàu. Chỉ khi nào chủ tàu “trả lương” cho “bạn” thì mới có thể ổn định đội ngũ áp dụng công nghệ “làm” cá ngừ đại dương. Nguồn cá ngừ đại dương chúng ta có nhiều, nếu ngư dân có ý thức và hình thành tổ chức sản xuất trên tàu thì mới tính đến chuyện phát triển bền vững được.
Đây cũng là trở ngại lớn nhất khi chúng tôi đặt chân vào lĩnh vực XK cá ngừ đại dương sang Nhật. Bidifisco tham gia vào chuỗi sản xuất, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho ngư dân và cùng với Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở NN&PTNT) tập huấn kỹ thuật câu cá ngừ đại dương cho ngư dân. Trong mấy chuyến XK đầu tiên, chất lượng cá không đồng đều, Bidifisco lỗ chỏng gọng, nhưng tình thiệt là tôi mừng vì ngư dân mình đã nghĩ đến chuyện XK cá ngừ chất lượng cao.
• Và tín hiệu vui không chỉ dừng lại ở đó?
- Đúng vậy. Sắp tới Hội hữu nghị Việt - Nhật sẽ tài trợ cho nhân viên kỹ thuật của Công ty để đào tạo kỹ thuật kiểm tra chất lượng cá. Bên cạnh đó, sẽ tài trợ 25 thiết bị câu đầy đủ cho 25 tàu cá của ngư dân, đào tạo ngư dân, nâng cấp các tàu làm hầm bảo quản cá bài bản hơn… Dự kiến đến tháng 8.2015 sẽ triển khai các hoạt động này. 2016 sẽ là năm có nhiều tin vui với ngư dân tham gia XK cá ngừ đại dương sang Nhật.
Lặng lẽ một chữ tâm
Phòng làm việc của nữ DN thủy sản khá đơn giản. Trên bàn làm việc của chị có con rùa bằng thủy tinh, chị thích vì nó tượng trưng cho sự trường thọ, may mắn. Tôi thì nghĩ, rùa tuy chậm mà chắc chắn. Ngành thủy sản rất cần sự cẩn thận, tỉ mẩn và chỉn chu - vốn ắp đầy ở những người phụ nữ như chị. Thêm vào đó là tham vọng của một “nữ tướng”. Bên cạnh thực hiện cho kỳ được dự án nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương xuất sang Nhật Bản, tham vọng của chị còn là từng bước triển khai thêm mặt hàng mới; xây dựng một công ty sản xuất thủy sản độc lập ở phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) để tạo thêm việc làm cho nhiều người.
• Để hiện thực hóa những tham vọng ấy, ắt hẳn chị phải mất rất nhiều thời gian và tâm sức. Vậy, gia đình có vị trí như thế nào trong cuộc sống của chị?
- Cũng giống như nhiều chị em DN khác, tôi luôn cố gắng duy trì một cuộc sống cân bằng giữa công việc và gia đình. Ngoài thời gian bận rộn với công việc, tôi luôn trân quý những giây phút sống trong gia đình: làm việc nhà, cùng chơi với con, giúp con học bài, tâm sự với ông xã… Những trải nghiệm cuộc sống gia đình mang lại cho tôi nhiều kinh nghiệm sống, hỗ trợ cho công việc.
Chị và chồng vẫn có một thói quen đọc báo Phụ Nữ, thấy những mẩu chuyện về các cảnh đời bất hạnh thì cắt lại, dồn 7-10 ngày thì ra bưu điện gửi tiền ủng hộ một lần. Ngoài ra, chị còn “đứng sau” hỗ trợ các CLB thiện nguyện của các bạn trẻ ở Trường ĐH Quy Nhơn. Chị đứng chân trong ban chấp hành của rất nhiều hội nhân đạo. Sinh thời, “ông già nhân đạo” Trang Xuân Chi thường nhắc đến chị như một Mạnh Thường Quân hết lòng cho chương trình mổ tim trẻ em, nạn nhân chất độc da cam. Trong tủ đựng hồ sơ công việc của chị có rất nhiều thư cảm ơn, những cuốn phiếu chuyển tiền cho người bất hạnh khắp cả nước. Hôm tôi đến, chị vừa nhận được một lá thư cảm ơn của Đảng ủy, UBND xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Anh bảo vệ Bidifisco bảo “khách” của chị Lan nhiều lắm, khi thì đến tận nơi tìm, khi thì gửi thư, gọi điện thoại cảm ơn tấm lòng thảo thơm của “cô Lan”, “chị Lan” mà chưa từng biết mặt.
Còn chị thì chỉ một tâm niệm: “Tôi cũng chỉ là một người góp sức. Giúp được một người là niềm vui đã được nhân lên nhiều lần!”.
• Xin cảm ơn chị!
THU HIỀN (Thực hiện)