Cần phát hiện sớm các dấu hiệu của viêm cầu thận cấp
Viêm cầu thận cấp (VCTC) là hội chứng lâm sàng do tổn thương viêm cấp của những cầu thận, đặc trưng bởi sự xuất hiện đột ngột hồng cầu niệu, protein niệu, phù và tăng huyết áp.
Trước đây, hay gặp nhất là VCTC sau nhiễm liên cầu. Ngày nay, nhờ điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều cải thiện, chăm sóc y tế tốt hơn, các bệnh nhiễm trùng có xu hướng giảm dần do đó VCTC sau nhiễm liên cầu ngày càng ít; ngược lại VCTC không do nhiễm khuẩn hay gặp hơn. Trung bình mỗi năm BVĐK TP Quy Nhơn tiếp nhận khoảng 50 ca VCTC cả người lớn và trẻ em. Muốn điều trị tốt VCTC cần chú ý phát hiện bệnh càng sớm càng tốt.
Với VCTC do nhiễm khuẩn, vi khuẩn hay gặp nhất là liên cầu beta tan huyết nhóm A. Liên cầu này có thể gây viêm họng hoặc nhiễm khuẩn da, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể chống lại kháng nguyên của liên cầu nên vô tình chống luôn cấu trúc cầu thận (vì cấu trúc vi khuẩn và cầu thận tương tự nhau). Các vi khuẩn khác cũng có thể gây VCTC: tụ cầu, phế cầu, não mô cầu… Cùng với đó là một số vi-rút: sởi, quai bị, thủy đậu, viêm gan B… Ngoài ra có thể do nấm, ký sinh trùng nhưng hiếm hơn.
Với VCTC không do nhiễm khuẩn, có các bệnh tự miễn như Lupus ban đỏ, ban xuất huyết dạng thấp… Một số trường hợp quá mẫn với thuốc Penicillin, Sulfamid, vắc-xin, thức ăn…
Trường hợp điển hình VCTC sau nhiễm liên cầu beta tan huyết nhóm A thường là trẻ em từ 3-8 tuổi, sau một đợt viêm họng hoặc nhiễm trùng ngoài da 7-15 ngày. Biểu hiện mệt mỏi, sốt 38-390C, đau vùng thắt lưng 2 bên, chán ăn, đau bụng, buồn nôn. Giai đoạn toàn phát gây phù, lúc đầu xuất hiện ở mặt, có thể nhẹ như nặng mí mắt hoặc nặng hơn phù lan xuống chân, có thể toàn thân. Phù màu trắng, mềm, ấn lõm. Trường hợp nặng có thể tràn dịch màng bụng, màng phổi. Nếu bệnh nhân ăn mặn phù sẽ tăng nhanh chóng. Thêm vào đó là tiểu ít, lượng nước tiểu chỉ khoảng 500ml/24 giờ, có thể xuống dưới 500 ml, nặng hơn là dưới 100ml. Thậm chí, có thể xảy ra tình trạng tiểu ra máu.
Một biểu hiện khác là tăng huyết áp, thường thấy rõ trong 2 tuần đầu phát bệnh. Tăng huyết áp chiếm khoảng 60% trường hợp, thường tăng cả huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu. Huyết áp tăng quá cao có thể gây suy tim trái, phù phổi cấp có thể tử vong.
VCTC nếu kéo dài trên 6 tháng với triệu chứng phù và protein niệu dai dẳng gọi là VCT bán cấp. Bệnh sẽ dẫn đến chức năng thận giảm dần, không phục hồi. Bệnh nhân biểu hiện phù kéo dài, huyết áp tăng, chán ăn, buồn nôn, chất lượng sống suy giảm. Nếu bệnh kéo dài nhiều năm sẽ chuyển sang VCT mạn, dần dần dẫn đến suy thận.
BS BÀNH QUANG KHẢI