Tháp Thủ Thiện xuống cấp nặng: Cần xử lý sớm kẻo muộn
Là di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia nhưng tháp Thủ Thiện (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) ít được đầu tư, giữ gìn đúng mức. Hệ quả là ngôi tháp đang xuống cấp nặng.
Tháp Thủ Thiện là công trình kiến trúc văn hóa - lịch sử có niên đại xây dựng vào thế kỷ 12. Tháp được công nhận di tích cấp Quốc gia vào ngày 20.4.1995. Trải qua thời gian và ảnh hưởng bởi thời tiết, tháp Thủ Thiện đã xuống cấp, hư hỏng nhiều. Bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận ra, vòm cửa chính của tháp đã bị sụp lở, hệ thống cửa giả ở hai mặt Bắc và Nam của tháp đã bị đổ sụp từ trước; các tháp góc thì hầu như không còn. Các đai đá cũng như một số chi tiết trang trí đá trên tháp đã bị rơi rụng dần. Trong khi đó, khuôn viên của tháp đang bị cỏ dại bao phủ dày đặc; chân tháp phía trong và phía ngoài có hiện tượng bị mối mọt nên có thể đổ nhào bất cứ lúc nào.
Tháp Thủ Thiện đang xuống cấp nặng, nhiều chi tiết rơi rụng dần, thân tháp xuất hiện những vết nứt lớn.
Ông Đỗ Văn Định, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nghi, cho rằng, về mặt quản lý Nhà nước, hằng năm, địa phương luôn tổ chức cho học sinh, thanh niên phát quang bụi rậm, dọn cỏ, tạo cảnh quan thông thoáng, sạch sẽ xung quanh di tích. Đồng thời, xã yêu cầu quân-dân-chính thôn Thủ Thiện Thượng thường xuyên kiểm tra, quản lý chặt chẽ diện tích đất đã khoanh vùng trong hành lang bảo vệ khu di tích, tránh tình trạng người dân lấn chiếm, xâm hại đến sự an toàn của tháp. “Tuy nhiên, về mặt khách quan mà nói cách làm này chỉ có ý nghĩa động viên, tuyên truyền chứ xét về góc độ bảo tồn di tích thì chưa mang lại hiệu quả. Vì vậy, thời gian tới, địa phương đề nghị các cơ quan hữu quan của tỉnh sớm quan tâm, hỗ trợ kinh phí trùng tu di tích”, ông Định nói thêm.
Liên quan về vấn đề này, ông Đặng Hữu Thọ, Giám đốc Ban quản lý Di tích (thuộc Sở VH-TT-DL), cho biết: “Trước đây, Sở đã tiến hành chống sập cấp thiết đối với tháp Thủ Thiện, bằng cách xây các mảng tường gạch mới một số vị trí ở chân và thân tháp bị sụt lở, xuống cấp nặng; sử dụng nẹp sắt ở những chỗ nứt trên thân tháp, diệt cây cối xâm thực làm hư hại tháp. Ba năm trở lại đây, công tác chống xuống cấp cấp thiết cũng được Sở quan tâm sát sao. Sở đã đầu tư kinh phí sửa chữa, nâng cấp con đường dẫn vào tháp, tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan ghé thăm. Nhưng đó chỉ là giải pháp “chữa cháy” nhất thời, để giữ gìn di tích nhất định phải trùng tu. Tuy nhiên, kinh phí để thực hiện công tác này là khá lớn; hơn nữa, việc duy tu di tích cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thực hiện từng bước, không nóng vội. Hiện nay, chúng tôi cũng đang có kế hoạch từng bước phục dựng các phù điêu, vật thờ trong lòng tháp; đồng thời, nghiên cứu lập hồ sơ quy hoạch, kế hoạch trùng tu trình UBND tỉnh xin chủ trương thực hiện vào thời gian tới”.
TRỌNG LỢI
Nếu cứ chờ nghiên cứu, nghiên cứu.. Vậy đến lúc sập rồi thì còn nghiên cứu được nữa không. Hy vọng là khắc phục sớm. đừng để muộn.