Tuyên truyền về chăm sóc SKSS cho công nhân:
Cần... nhưng còn nhiều cái khó
Theo Liên đoàn lao động (LÐLÐ) tỉnh, đến cuối năm 2012, chỉ riêng công nhân, viên chức, lao động nữ trong toàn tỉnh đã lên đến con số 53.343 người, chiếm 52%. Lượng công nhân trong tỉnh khá lớn, song công tác tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), kế hoạch hóa gia đình (KHHGÐ) cho công nhân hiện vẫn rất khó.
Cần...
Ngày hội công nhân lao động tỉnh lần II - năm 2013 do LĐLĐ tỉnh tổ chức vào ngày 26.4, diễn ra tại Khu công nghiệp Phú Tài (TP Quy Nhơn) là lần đầu tiên xuất hiện quầy tư vấn về SKSS và KHHGĐ cho công nhân. Gần 2.000 tờ rơi, sổ tay về chăm sóc SKSS trưng bày được công nhân xin hết. Bà Châu Thị Phước, Trưởng khoa Chăm sóc SKSS vị thành niên và Nam học, Trung tâm chăm sóc SKSS tỉnh, cho biết: “Nhu cầu về kiến thức SKSS của công nhân rất lớn. Rất đông nữ công nhân tìm đến quầy để được tư vấn về rối loạn kinh nguyệt, các bệnh viêm nhiễm đường tình dục, các biện pháp phòng tránh thai, chăm sóc thai nghén, rối loạn giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, hiếm muộn… ”.
Khó khăn khi đưa chương trình tuyên truyền SKSS cho công nhân về tại địa phương là lượng công nhân sống tập trung không nhiều.
- Trong ảnh: Đêm văn nghệ tuyên truyền DS-KHHGĐ và SKSS cho công nhân ở phường Trần Quang Diệu, do Trung tâm DS-KHHGĐ TP Quy Nhơn tổ chức năm 2011. Ảnh: ANH TUẤN
Chị N.T.Y.C (29 tuổi, ở huyện Phù Mỹ), công nhân một công ty gỗ ở khu công nghiệp Phú Tài, chia sẻ: “Hết giờ làm, tôi trở về nhà trọ lo đủ việc nên không còn thời gian để tìm hiểu kiến thức SKSS. Lúc “bí”, tôi chỉ có thể tham khảo ở bạn bè, người thân. Công ty chẳng mấy khi tổ chức các hoạt động liên quan”. Còn T.B.H (19 tuổi, ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) khá dè dặt khi được hỏi về kiến thức chăm sóc SKSS. “Điều kiện làm việc, thiếu thốn tình cảm, vật chất nên các cặp yêu nhau thường chọn cách “góp gạo”, dễ dẫn đến có thai ngoài ý muốn, phải “cưới chạy” hoặc phá thai. Tôi có tìm hiểu các kiến thức liên quan SKSS nhưng phần lớn đều từ bạn bè, internet…”, H. nói.
... nhưng còn nhiều cái khó
TP Quy Nhơn hiện có 99 doanh nghiệp tư nhân, khoảng 80% là kinh doanh dịch vụ. Các doanh nghiệp sản xuất phần lớn có quy mô nhỏ, hoạt động sản xuất mang tính thời vụ. Các chủ doanh nghiệp hầu như không bị ràng buộc về trách nhiệm liên quan nên khá thờ ơ với công tác tuyên truyền SKSS. “Khi chúng tôi đặt vấn đề phối hợp tổ chức chương trình truyền thông về chăm sóc SKSS, một số doanh nghiệp hứa sẽ sắp xếp nhưng đến cận ngày lại từ chối khéo vì… khó bố trí thời gian”, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Quy Nhơn cho biết.
Lý giải về việc khó tập hợp công nhân để tổ chức tuyên truyền về SKSS, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH A.V (TP Quy Nhơn), cho rằng, phần lớn công nhân đến từ Nhơn Bình, Nhơn Phú, Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) và huyện Tuy Phước, hết giờ làm đều về nhà. “Vậy nên, sau hoạt động tuyên truyền về SKSS do Công ty phối hợp với LĐLĐ tỉnh tổ chức năm 2010, đến nay chúng tôi vẫn chưa có thêm chương trình nào liên quan trực tiếp đến nội dung này. Với 60% công nhân là nữ, lãnh đạo và công đoàn công ty quan tâm đến vấn đề này, nhưng chỉ có thể lồng ghép tổ chức vào các dịp lễ”, vị Phó Chủ tịch công đoàn chia sẻ thêm.
Năm 2011, Trung tâm DS-KHHGĐ TP Quy Nhơn tổ chức chương trình truyền thông về SKSS cho đối tượng công nhân tại khu vực 7, phường Trần Quang Diệu, nơi tập trung nhiều công nhân. Đến nay, Trung tâm chưa tổ chức thêm chương trình nào nữa. “Do khó tiếp cận với doanh nghiệp nên chúng tôi chủ động tiếp cận trực tiếp với công nhân. Tuy nhiên, khi đưa chương trình về địa phương, chúng tôi lại vấp phải cái khó khác. Đó là lượng công nhân sống tập trung ở khu công nghiệp không nhiều, nên chương trình không đạt hiệu quả như mong muốn”, ông Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ Trung tâm DS-KHHGĐ TP Quy Nhơn trăn trở.
Ông Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho biết: “Năm qua, ngành Y tế đã phối hợp tổ chức Gameshow Giờ thứ 9 cho các doanh nghiệp ở huyện Phù Mỹ và doanh nghiệp ở TP Quy Nhơn. Hiện nay, ngành vẫn phối hợp với LĐLĐ tỉnh để thực hiện hoạt động truyền thông chứ chưa thể tiếp cận trực tiếp với các doanh nghiệp”.
Rất cần sự vào cuộc của nhiều phía
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, hầu hết dịch vụ tư vấn, cung cấp kiến thức SKSS thân thiện cho đối tượng công nhân chưa có. Các chương trình truyền thông nếu được tổ chức cũng chỉ mang tính nhất thời. Để những thông tin về SKSS thật sự đến được với công nhân, cần xây dựng những mô hình tư vấn ngay trong các khu công nghiệp, kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ ngay khi họ cần.
Bà Phạm Thị Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Môi trường đô thị Quy Nhơn, một trong những đơn vị thực hiện khá tốt hoạt động truyền thông SKSS, chia sẻ: “Công ty thường xuyên mời bác sĩ, cán bộ làm công tác dân số để tổ chức các buổi nói chuyện về cách phòng ngừa và phát hiện các bệnh phụ nữ thường gặp, chăm sóc con ở lứa tuổi vị thành niên…; tập huấn kiến thức SKSS cho người lao động; đưa việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ vào cơ chế thi đua, khen thưởng”.
Trong tuần tới, LĐLĐ tỉnh sẽ tổ chức tọa đàm về công tác dân số với người sử dụng lao động và cán bộ công đoàn, nhằm khuyến khích người sử dụng lao động và cán bộ công đoàn đẩy mạnh việc thực hiện công tác dân số, SKSS tại đơn vị. Mục tiêu của chương trình là để tìm phương án phối hợp và sự đồng thuận, giúp công nhân tiếp cận nhiều hơn với vấn đề này.
NGỌC TRÂM