Dàn dựng các sự kiện văn hóa nghệ thuật: Phát huy nhân lực địa phương
Trong những năm qua, mỗi khi có sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn của tỉnh, lực lượng diễn viên, biên đạo ở TP Quy Nhơn đã tham gia tích cực, góp phần đắc lực cho thành công của sự kiện. Đồng thời, qua đó các diễn viên, biên đạo cũng học hỏi, trải nghiệm để nâng cao chuyên môn.
Nỗ lực của lực lượng không chuyên
Những năm gần đây, các sự kiện văn hóa nghệ thuật của tỉnh được tổ chức ngày càng nhiều, nhưng không có đoàn ca múa nhạc chuyên nghiệp tại địa phương có thể đáp ứng yêu cầu biên đạo, diễn viên múa có chất lượng cao. Tuy nhiên, được sự tin tưởng của các đạo diễn ở nơi khác về mời tham gia góp sức cho các chương trình nghệ thuật, các biên đạo, diễn viên múa ở TP Quy Nhơn đã được cọ xát, từng bước học hỏi kinh nghiệm biểu diễn trong các chương trình. Biên đạo Thu Hương tâm sự: “Tôi tham gia dàn dựng múa trong các chương trình lễ hội, sự kiện lớn của tỉnh từ năm 2000 đến nay. Thực sự mà nói thì ở tỉnh nhà có những biên đạo đáp ứng được yêu cầu của đạo diễn, nhưng không nhiều. Qua mỗi chương trình, tôi đều học hỏi, rút ra được nhiều kinh nghiệm dàn dựng, đặc biệt là việc xử lý đội hình múa ở sân khấu lớn”.
Các diễn viên Nhà hát tuồng Đào Tấn đã có nhiều đóng góp vào thành công của chương trình nghệ thuật “Cha, Con và Tổ quốc”.
Số lượng diễn viên múa được đào tạo trường lớp thực sự bài bản ở TP Quy Nhơn rất ít, chủ yếu là diễn viên múa “tay ngang”. Nhờ được tham gia biểu diễn trong nhiều chương trình lớn, lực lượng này cũng đã có sự trưởng thành để phần nào đáp ứng yêu cầu huy động nguồn nhân lực địa phương tham gia các chương trình. Tuy nhiên, cũng có một số chương trình thì “bụt chùa nhà không thiêng”, nên các biên đạo, diễn viên múa ở các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp tại một số tỉnh, thành đã được mời về Quy Nhơn dàn dựng, biểu diễn. Điều này có mặt tích cực là tạo điều kiện cho các diễn viên, biên đạo ở địa phương có điều kiện giao lưu, học hỏi về chuyên môn… nhưng cũng trở thành “tốn kém” nếu những người ở xa về không có sự nổi trội về chuyên môn, hoặc không đóng góp gì được nhiều cho chương trình nghệ thuật.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Nghệ thuật quần chúng của Trung tâm Văn hóa tỉnh, nhìn nhận: “Từ hơn 10 năm qua, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã mời nhiều cộng tác viên là biên đạo, diễn viên múa tham gia dàn dựng, biểu diễn trong các sự kiện văn hóa nghệ thuật của tỉnh. Nếu hiểu rõ để phát huy tốt khả năng của các hạt nhân phong trào, thì có thể sử dụng hoàn toàn nguồn nhân lực ở TP Quy Nhơn trong dàn dựng các chương trình lớn một cách hợp lí, theo hướng tiết kiệm về chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng”.
Đóng góp của đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp
NSƯT Gia Thiện cho biết: “Tham gia chương trình nghệ thuật, các diễn viên của Nhà hát đều thích và học tập thêm lối diễn chân thực, tinh tế và gần gũi với người xem đương đại. Sau khi kết thúc chương trình, nhà văn Nguyễn Quang Vinh còn mong muốn Nhà hát dàn dựng lại vở “Cha, Con và Tổ quốc” để tham gia Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016. Ý tưởng hay có thực hiện được hay không thì còn chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên, nhưng chúng tôi nghĩ nên dàn dựng lại vở này theo phong cách tuồng chứ không phải kịch nói, để hướng đến phục vụ đại hội Đảng các cấp”.
Hai đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của Bình Định đã tích cực luyện tập biểu diễn trong nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật của tỉnh nhà. Góp phần vào thành công các chương trình nghệ thuật khai mạc Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam, Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa tổ chức những năm qua, Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định và Nhà hát tuồng Đào Tấn đã tham gia tái hiện sống động phong trào Tây Sơn trên sân khấu, đồng thời giới thiệu những nét đặc sắc trong di sản nghệ thuật truyền thống Bình Định. Gần đây, trong chương trình biểu diễn nghệ thuật tổng hợp với chủ đề “Bài ca chiến thắng - Bình Định 40 năm xây dựng và phát triển” tổ chức vào cuối tháng 3.2015, sự góp mặt của lực lượng diễn viên Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, Nhà hát tuồng Đào Tấn qua những tiết mục biểu diễn mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, đã chuyển tải thông điệp kế thừa và phát triển truyền thống lịch sử hào hùng của vùng “Đất võ trời văn”.
Khi nói về chương trình nghệ thuật “Cha, Con và Tổ quốc” diễn ra vào tối 19.5 vừa qua, Tổng đạo diễn Nguyễn Quang Vinh đã đánh giá cao đóng góp quan trọng của diễn viên Nhà hát tuồng Đào Tấn, khi chỉ có thời gian ngắn tập luyện đã thành công trong lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu chính kịch. Hầu như tất cả diễn viên của Nhà hát đều đã tham gia vào vở diễn, trong đó các NSND Minh Ngọc, NSND Phương Thảo, NSND Xuân Hợi, Đình Trương, Thanh Tâm, Thanh Bình đã thể hiện được dấu ấn qua vai diễn lôi cuốn người xem. NSƯT Gia Thiện, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát tuồng Đào Tấn, được mời sáng tác nhạc cảnh sông Côn, cùng ca khúc kết chương trình nghệ thuật sử dụng chất liệu ví dặm kết hợp nhuần nhuyễn với hò chèo thuyền Nam Trung bộ, chuyển qua hành khúc hiện đại… đã tạo được nhiều cảm xúc cho người nghe.
HOÀI THU