Hướng tới Ngày Thế giới không thuốc lá 31.5:
Thuốc lá - thủ phạm hàng đầu gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh lý đặc trưng về đường hô hấp, làm tắc nghẽn đường thở và không hoàn toàn hồi phục. Cùng với tình trạng sử dụng thuốc lá tràn lan, số ca COPD phải nhập viện điều trị cũng gia tăng đáng kể.
Bệnh nhân tăng nhanh
Theo thống kê của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, trong năm 2012, có 428 trường hợp nhập viện điều trị COPD. Đến năm 2014, con số này đã tăng lên 605 trường hợp. Và, chỉ từ đầu năm 2015 đến nay đã có đến 282 bệnh nhân nhập viện.
Bệnh nhân COPD cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định về tái khám, điều trị.
Khoa Bệnh phổi - Lao ngoài phổi hiện điều trị cho 65 bệnh nhân, 15 ca trong số đó mắc COPD. Tuy nhiên, theo Trưởng khoa Lê Tuấn Ngọc, lúc cao điểm số bệnh nhân COPD có thể lên tới 30 ca. Nhiều trường hợp nhập viện với tình trạng nặng, suy hô hấp, tím tái. Đa số các bệnh nhân phải nhập viện nhiều lần do bệnh tái phát, có người phải điều trị hơn 12 đợt/năm. Còn điều dưỡng trưởng Trần Thị Mỹ Kiều khẳng định, hầu như tất cả bệnh nhân COPD đều nghiện thuốc lá nặng trong thời gian dài.
18 tuổi, ông Đào Khánh (ở xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) bắt đầu hút thuốc. Từ đó đến năm 84 tuổi, trung bình mỗi ngày ông Khánh hút 1,5 gói. Nhẩm tính trong 66 năm, ông đã đốt 722.700 điếu thuốc. Ông Khánh chẳng khác nào “người nhà” của khoa Bệnh phổi - Lao ngoài phổi, khi phải điều trị dai dẳng chứng COPD. “Khổ sở với bệnh tật, tui mới thấy thuốc lá hại thiệt. Nên thấy con cháu đứa nào “bập phà” là tui la liền”, vừa kiểm tra bì thuốc mới nhận, ông Khánh nhỏ nhẹ nói. Nằm điều trị cùng phòng với ông Khánh có ông Nguyễn Mỹ (ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). 68 tuổi, ông Mỹ cũng có đến 47 năm “trung thành” với khói thuốc.
Bên cạnh điều trị nội trú, có không ít bệnh nhân điều trị ngoại trú. Sáng 26.5, anh Nguyễn Tấn Minh (40 tuổi, ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh để tái khám, nhận thuốc điều trị. Bắt đầu nghiện thuốc lá từ năm 15 tuổi, mỗi ngày anh Minh đốt hết 1 gói. Mới đây, khi xuất hiện tình trạng ho khò khè kéo dài, đi khám anh mới biết mình bị COPD. “Tui bỏ thuốc 2 tháng rồi. Khó lắm, nhưng phải bỏ, không thì bệnh không bớt được”, anh Minh chia sẻ.
Nói không với khói thuốc
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Đỗ Phúc Thanh, một người được chẩn đoán là mắc COPD khi có biểu hiện ho, khạc đờm kéo dài trên 3 tháng trong 1 năm và biểu hiện liên tiếp trong vòng 2 năm trở lên, tình trạng khó thở ngày càng tăng. Bệnh nhân thường phải gắng sức để thở hoặc thở hổn hển. Đờm của bệnh nhân COPD thường trong hoặc hơi đục, đôi khi có màu hơi vàng. Khi dùng ống nghe để nghe phổi thì thấy có ran như ran rít, ran ngáy, ran ẩm to hạt, ran nổ. Nếu cơ sở y tế có điều kiện đo chức năng hô hấp sẽ thấy chỉ số thông khí tắc nghẽn không hồi phục.
Bệnh thường gặp nhiều ở người lớn, nam giới có tỉ lệ mắc cao hơn nữ giới. Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của COPD. Theo thống kê chưa đầy đủ, 80-90% bệnh nhân COPD đang hút hoặc có tiền sử hút thuốc lá. Hút thuốc lá thụ động cũng có thể tăng nguy cơ COPD. Môi trường bụi, hóa chất nghề nghiệp, khói bếp, không khí ô nhiễm đều có thể là nguyên nhân gây bệnh.
Bác sĩ Đỗ Phúc Thanh lưu ý, khi có các có dấu hiệu ho, khạc đờm và khó thở khi làm nặng, nên đến cơ sở y tế để đo chức năng hô hấp, xác định xem liệu có mắc COPD. Đây là một bệnh trường diễn, việc điều trị gặp không ít khó khăn. Người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định điều trị, dùng thuốc đúng liều, tái khám định kỳ hằng tháng và mỗi khi có đợt bùng phát của bệnh.
“Quan trọng nhất là phải kiên quyết bỏ hẳn thuốc lá, thuốc lào; tránh môi trường có khói thuốc. Giữ không khí trong nhà thật sạch, thoáng; tránh khói và các loại khí gây khó thở, tránh tiếp xúc với khói bếp than. Nên tập luyện thể thao, giữ thân thể khỏe mạnh. Tập thở theo hướng dẫn của bác sĩ, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng”, bác sĩ Thanh nhấn mạnh.
Với các bệnh nhân mắc COPD mức độ nặng, cần sống lạc quan và hoạt động tối đa trong điều kiện sức khỏe cho phép, nghỉ ngơi thoải mái khi có dấu hiệu mệt. Đặc biệt, phải đi cấp cứu ngay nếu có các dấu hiệu nguy hiểm như nói chuyện, đi lại khó khăn; môi hay móng tay tím tái; nhịp tim, mạch rất nhanh hay không đều; thuốc thường dùng không còn tác dụng đủ lâu, hay không còn tác dụng dẫn đến tình trạng thở vẫn gấp và khó.
NGUYỄN VĂN TRANG