Nghề bắt cua suối
Vượt hàng chục cây số, trèo đèo, băng rừng, lội suối trong đêm để bắt cua bán cho các thương lái là công việc thường ngày của những nông dân ở các xã: Bình Tường, Tây Phú, Bình Hòa… của huyện Tây Sơn.
Lội suối bắt cua trong đêm. Ảnh: N.H.PHÚC
Lội suối bắt cua
Tầm 4 giờ chiều, lúc chúng tôi đến nhà cũng là lúc hai anh Trần Văn Trung, 46 tuổi và Nguyễn Thanh Phương, 35 tuổi (xã Bình Tường, huyện Tây Sơn) đang chuẩn bị đồ đạc cho chuyến đi bắt cua vào buổi tối. Dụng cụ để đi bắt cua, ngoài 3 cái bao để dựng cua còn có 4 cái đèn pin (loại đội đầu), hai chiếc găng tay dùng để mang trong lúc bắt cua để bớt đau nếu chẳng may bị cua kẹp, mấy chai nước uống và đồ ăn lót dạ.
Vượt hơn 60 km đến khoảng 6 giờ chiều, chúng tôi có mặt tại suối Xà Quần đoạn chảy qua xã An Thành, huyện Đắk Pơ (tỉnh Gia Lai). Con suối này lúc bình thường rộng hơn 20 m, nay đã vào mùa khô, suối bắt đầu cạn, chỉ còn lại một dòng chảy nhỏ luồng lách qua các khe đá, bên cạnh là những hố nước đọng lại do trời mưa. Băng qua những nơi không có lối mòn với chi chít đá và rễ cây, chúng tôi tiếp tục đi, vừa đi anh Trung và anh Phương vừa quan sát tìm dấu vết của cua. Đi xuôi về phía hạ lưu, cách điểm để xe máy khoảng 4 km chúng tôi dừng lại nghỉ chân giữa suối và ăn vội cuốn bánh lót dạ để chuẩn bị cho việc bắt cua đêm.
Tranh thủ lúc nghỉ ngơi, anh Phương tâm sự: “Nghề chính của tôi là làm thợ đá hoa cương ở Sài Gòn nhưng vì hiện tại ở trong đó chưa nhận được công trình nên tạm thời tôi tranh thủ ở nhà đi bắt cua để kiếm thêm thu nhập. Năm nay là năm thứ hai tôi đi bắt cua, mới đầu đi thì sợ lắm nên chỉ quanh quẩn ở những con suối hay ra sông Côn gần nhà để bắt, nhưng giờ đi suối xa chứ suối gần do nhiều người bắt nên cua rất ít”.
Ngoài nhóm của anh Phương và anh Trung thì tại các xã lân cận như Tây Phú, Bình Hòa cũng có rất nhiều người làm nghề bắt cua suối. Địa điểm mà họ thường chọn để bắt là các con suối ở Vĩnh Thạnh hay lên các con suối ở địa bàn các huyện An Khê, Đắk Pơ của tỉnh Gia Lai. Mùa bắt cua thường từ tháng Chạp đến tháng Tư (âm lịch).
Cực nhưng thu nhập khá
Sau phút nghỉ ngơi, chúng tôi bắt đầu hành trình lội suối đi bắt cua của mình. Vừa lội suối, anh Trung và anh Phương vừa chăm chú rọi đèn xuống nước, không bỏ sót một hốc, kẽ đá nào. Hễ thấy chú cua nào nằm dưới nước là chụp liền, rất nhanh gọn không để con nào thoát. “Hôm qua có mưa to, nước hơi đục nên phải soi thật kỹ mới thấy cua được. Nhiều người đi bắt nên cua ngày càng tinh, cứ thấy ánh đèn là chúng bò đi núp liền chứ không phải trơ mình ra chờ mình tới bắt như lúc trước”, anh Trung cho biết.
Cũng theo anh Trung, cua ở suối chủ yếu là cua giống của Thái Lan. Giống cua Thái Lan trước đây được các nông dân ở Gia Lai nuôi nhiều và sau đó một số thoát ra môi trường tự nhiên, sinh sôi rất nhanh. Cua Thái Lan to bằng nắm tay, lưng có màu vàng nâu, càng màu đen pha đỏ tía. Chúng ăn côn trùng, lá cây, sống trong các hang hốc dưới những khóm cây bên các dòng suối trên rừng. Những ngày này, nước suối mát nên cua thường ra khỏi hang đi tìm thức ăn. Muốn bắt loại cua này không khó mấy, ban đêm chỉ cần lấy đèn đi soi là có thể bắt được nhiều cua, điều cốt yếu là phải nhanh tay lẹ mắt.
Cả buổi tối, lội dọc suối Xà Quần cùng hai con suối ở cầu Cà Tung (thị trấn Đắk Pơ) và suối cầu Thầu Dầu (xã Tân An, huyện Đắk Pơ) xong, chúng tôi lên xe ra về với thành quả là gần 15 kg cua. “Giá cua lên xuống thất thường lắm, như tối nay bắt xong về bán là được 33.000 đồng/kg, chia mỗi người được 250 ngàn đồng, lúc giá lên hơn 50.000 đồng/kg thì thu nhập cao hơn. Tuy nghề đi bắt cua đêm rất cực nhưng thu nhập khá nên nhiều người tham gia để cải thiện cuộc sống”, anh Trung chia sẻ.
NGUYỄN HỒNG PHÚC
Cân bằng sinh thái đang ở đâu? chúng ta đang tuyên truyền bảo vệ môi trường sinh thái bằng cách bảo vệ và cân bằng các loài thủy sinh. Như vậy, báo chí có nên thông tin nội dung này với mục đích "khuyến khích" người dân bắt cua đá để thoát nghèo?