Nắng nóng cực điểm - Phát sinh nhiều hệ lụy
Cả nước, đặc biệt là các tỉnh thành miền Bắc và Trung bộ, đang phải gánh chịu đợt nắng nóng gay gắt nhất từ đầu mùa hè tới nay, với nhiệt độ nhiều nơi lên trên 40°C. Thời tiết quá nóng bức cùng với khô hạn kéo dài không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cộng đồng mà còn khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn với rất nhiều khó khăn.
Bệnh gia tăng
Mới đầu giờ sáng nhưng nắng đã chói trang gay gắt, khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai không còn ghế trống, thậm chí phía ngoài hành lang và dưới các gốc cây la liệt người bệnh và người nhà bệnh nhân khiến không khí nơi đây vô cùng ngột ngạt. Mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt đỏ bừng bừng, bác Nguyễn Xuân Thắng (ở Thanh Xuân, Hà Nội) mệt mỏi cho biết: “Mấy hôm nay thời tiết nóng bức quá khiến huyết áp lên cao, người rất khó chịu. Tôi tới đây xếp hàng chờ khám bệnh từ lúc 6 giờ sáng nhưng đã có rất nhiều người tới trước, nên chờ gần 2 tiếng rồi mà vẫn chưa tới lượt”.
Các bác sĩ cho biết, chỉ trong mấy ngày đầu tuần do thời tiết nắng nóng gay gắt đã khiến số người tới viện khám và nhập viện tăng đột biến, với trên 3.000 bệnh nhân/ngày. Phần lớn người bệnh nhập viện là người lớn với các bệnh tim mạch, huyết áp, viêm phế quản, viêm phổi, viêm da dị ứng, bệnh đường tiêu hóa.
Trong khi đó, tại các bệnh viện khác như: Nhi Trung ương, Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đống Đa... số người nhập viện điều trị các bệnh do thời tiết nóng bức gây ra cũng tăng rất cao. Theo TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, thời tiết nắng nóng gay gắt đã khiến cho trẻ đổ bệnh do thời tiết tăng cao. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận trên 2.000 cháu, trong đó chủ yếu bị nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm mũi, hen phế quản và sốt virus.
Đảo lộn cuộc sống
Nhiệt độ thời tiết ở miền Bắc và miền Trung đang như thiêu như đốt không chỉ vào ban ngày mà ngay vào ban đêm đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống người dân. Mặc dù ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành chưa xảy ra tình trạng cắt điện, mất nước nhưng tại một số khu dân cư cũng đã xảy ra không ít sự cố cháy cầu chì, nhảy automat do người dân sử dụng quá nhiều điều hòa dẫn tới mất điện cục bộ.
Được biết, trước thời tiết nắng nóng gay gắt, Tổng công ty Điện lực Hà Nội đã quyết định hoãn toàn bộ các lịch cắt điện cao, trung, hạ thế đến hết ngày 29-5 để bảo đảm cho người dân có điện sử dụng các thiết bị chống nóng. Đồng thời, Tổng công ty Điện lực Hà Nội cũng khuyến cáo tới người sử dụng điện trên địa bàn thành phố Hà Nội sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Nắng nóng vào ban ngày cũng khiến nhiệt độ tại nhiều đường phố, nhất là ở những tuyến phố không còn cây xanh lên tới 41-42°C, hơi nóng từ mặt đường bốc lên không khác gì chảo rang người nên lượng phương tiện tham gia giao thông có chiều hướng giảm. Thậm chí ngay vào giờ cao điểm buổi chiều tại nhiều nút giao thông lớn Hà Nội cũng không còn quá đông đúc và ùn tắc do nhiều người chờ trời tối, tắt nắng mới rời công sở. Trong khi đó, với những người mà công việc “gắn bó” với mặt đường thì những ngày thời tiết như lửa đốt quả thật là cực hình.
Thời tiết nóng bức gay gắt cũng là cơ hội “ăn nên làm ra” của các cửa hàng kinh doanh máy lạnh, quạt mát, máy tạo hơi ẩm. Tại phố Nguyễn Lương Bằng, nơi chuyên bán các thiết bị làm mát, nhiều cửa hàng nơi đây tới 11 - 12 giờ đêm vẫn mở cửa vì chưa hết khách mua hàng. Trong khi đó, tại các vườn hoa, công viên, đặc biệt là các siêu thị, trung tâm thương mại lớn như Lotte, BigC, Tràng Tiền Plaza, Vincom... ngay từ chập tối đông nghịt người nhưng không phải là vào mua hàng mà là vào đi dạo mát vì những nơi này có máy lạnh.
Không chỉ có vậy, thời tiết nóng bức cũng đã khiến cho các bể bơi ở Hà Nội như Thái Hà, Thanh Xuân, Sao Mai, Thanh Nhàn... rơi vào tình trạng quá tải. Thậm chí, tại một số khu vực ở hồ Tây, hồ Linh Đàm và sông Hồng, nhiều người bất chấp nguy hiểm kéo nhau đi bơi chỉ để... hạ hỏa.
Theo Nguyễn Quốc - Văn Phúc (SGGP)