Giữ gìn và phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình
UBND tỉnh vừa ban hành Đề án “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020” nhằm giữ gìn và phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình (giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái, ông bà với con cháu). PV Báo Bình Định đã trao đổi với ông Nguyễn Minh Đoan, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL xung quanh việc triển khai thực hiện Đề án này.
● Xây dựng hài hòa các mối quan hệ trong gia đình luôn là mối quan tâm của xã hội, ông có thể cho biết thêm về mục đích của Đề án “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020” ?
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL (thứ 8, từ phải sang) trao giấy khen của Sở cho các gia đình công chức, viên chức, lao động thành đạt nhân ngày Quốc tế hạnh Phúc.
- Đề án “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020” của UBND tỉnh là bước cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần xây dựng gia đình các dân tộc trên địa bàn tỉnh no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; để gia đình thực sự là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Đồng thời, qua đó thực hiện gìn giữ và phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững là một bộ phận của chính sách chung về gia đình, đặc biệt là triển khai thực hiện sâu rộng và có hiệu quả Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh; góp phần phòng, chống các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đề án còn tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành từ tỉnh đến khu dân cư, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội trong việc phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững trên phạm vi toàn tỉnh.
● Hiện nay Đề án đang được triển khai như thế nào trên địa bàn tỉnh, thưa ông ?
- Đề án đang được triển khai theo đúng nội dung được phê duyệt, chú trọng chất lượng, tiến độ trong quá trình thực hiện. Trong khuôn khổ của Đề án sẽ có 3 Dự án được tiến hành: Xây dựng cơ sở dữ liệu và nghiên cứu về giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình; truyền thông về các giá trị tốt đẹp của các mối quan hệ trong gia đình; hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Trong đó, Dự án hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững sẽ đi sâu vào thực tế với các nội dung như: Cung cấp nội dung hoạt động giáo dục đời sống gia đình; tổ chức các khóa tập huấn về giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đời sống gia đình, sức khỏe sinh sản cho người chưa thành niên, nam nữ thanh niên trước khi kết hôn, đặc biệt quan tâm đến đối tượng người chưa thành niên và nam nữ thanh niên ở các khu, cụm công nghiệp; xây dựng “Góc tư vấn” về giáo dục đời sống gia đình, giáo dục trước hôn nhân và gia đình.
Bác sĩ Hoàng Văn Khả (BVĐK tỉnh) chia sẻ cách xây dựng hạnh phúc gia đình mình trong buổi tọa đàm nhân ngày Quốc tế hạnh phúc.
Mô hình thí điểm xây dựng gia đình hạnh phúc và phát triển bền vững sẽ được triển khai theo từng giai đoạn, trong đó có 2 giai đoạn chính: Từ 2015 - 2016 và từ 2017 - 2020. Đặc biệt chú trọng việc đưa nội dung giáo dục kỹ năng làm cha, mẹ phát triển kinh tế gia đình và bảo tồn các giá trị văn hóa gia đình.
Dự kiến trong năm 2015, tỉnh chọn 3 điểm huyện (Vĩnh Thạnh, An Lão, Tây Sơn) và ở cấp huyện chọn ít nhất 1 điểm để thực hiện, rút kinh nghiệm nhân diện rộng. Đồng thời, Sở VH-TT&DL chỉ đạo rà soát các địa phương có những vướng mắc trong quá trình triển khai Chiến lược phát triển gia đình, nhằm hỗ trợ ban đầu tạo ra các mô hình khai thác, phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.
● Thực tế đặc điểm đời sống dân cư ở mỗi vùng có khác nhau, việc triển khai Đề án tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có gì khác so với nội dung chung ?
- Tại các khu vực vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số có những đặc thù nên việc phấn đấu để đạt được những mục tiêu cụ thể của Đề án khu vực này chỉ tiêu thường thấp hơn các vùng khác từ 5 đến 15%.
Ví dụ như để phát huy giá trị tốt đẹp mối quan hệ giữa vợ và chồng thì hàng năm phấn đấu, trung bình giảm 15% (khu vực vùng sâu, vùng xa, và vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm 10%) người kết hôn dưới tuổi pháp luật quy định. Hay để hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững, phấn đấu đến năm 2020 có trên 85% (vùng sâu, vùng xa có 70%, và vùng đồng bào dân tộc thiểu số có 75% trở lên) hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Đồng thời cách triển khai thực hiện Đề án phù hợp với trình độ dân trí của cộng đồng dân cư, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Hơn nữa ở các vùng có tỉ lệ bạo lực gia đình còn cao, nội dung truyền thông cần gần gũi, phù hợp với đặc điểm từng vùng và đa dạng trong cách làm, nhằm vận động, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của gia đình để phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ gia đình trong gia đình.
● Xin cảm ơn ông!
MỸ HẠ (thực hiện)