Sách ngôn tình và tương lai của việc đọc
1. Mới đây, sự kiện Cục xuất bản - In và phát hành (thuộc Bộ Thông tin - Truyền thông) có văn bản yêu cầu tạm dừng đăng ký sách ngôn tình, đam mỹ, đã thêm một lần nữa, đặt lại vấn đề về việc đọc. Theo sau quyết định đó, nếu thường xuyên theo dõi báo chí, ta thấy nổi lên hàng loạt cuộc tranh luận với rất nhiều ý kiến, quan niệm trái ngược. Có người cho rằng, phải cấm dòng sách ngôn tình vì sách ngôn tình là “rác”, “đang đầu độc giới trẻ”; có người lại yêu cầu cần nhận thức rõ hơn về vị trí của sách ngôn tình như một thể loại thuộc dòng văn học đại chúng, thiên về tính giải trí hơn là hướng đến những giá trị, và vì thế, không thể cấm sách ngôn tình được. Điều quan trọng cần làm là tìm cách nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của người đọc, để họ ý thức trong hành trình tự chọn sách và đọc sách.
2. Những cuộc tranh luận, những ý kiến chắc hẳn sẽ còn tiếp diễn. Trong khi đó, dạo các nhà sách, ta dễ dàng bắt gặp sự phổ biến của dòng sách ngôn tình, chủ yếu được dịch từ tiếng Trung, với những cái tên có thể cho biết phần nào nội dung của tác phẩm: “Chúng mình lấy nhau đi”, “Bên nhau trọn đời”, “Khi người cũ đón người mới”, “Chồng cũ anh nợ em một đứa con”, “Có duyên nhất định sẽ có phận”, “Cưng chiều tình nhân trẻ con”, “Kiếm chồng đại gia”, “Hotgirl lưu lạc giang hồ”, “Hôn nhân không tình yêu”, “Khó nhịn ông xã cuồng dã”, “Hoa tình đẫm máu”…
Một số sách ngôn tình, đam mỹ trên thị trường. Nguồn: SGGPO
Đầu tháng 4 vừa rồi, tác giả sách ngôn tình thuộc hàng “top” Diệp Lạc Vô Tâm cũng đã có buổi giao lưu với bạn đọc trẻ Việt Nam. Khắp các trang facebook cá nhân, fanpage tràn ngập hình ảnh của sự kiện này. Và trong buổi giao lưu, khán phòng đông nghẹt những khuôn mặt trẻ, chủ yếu là học sinh, sinh viên, háo hức được nhìn thấy, xin chữ ký và chụp ảnh cùng thần tượng, tác giả của những bộ ngôn tình nổi tiếng: “Chờ em lớn nhé được không”, "Động phòng hoa chúc cách vách", "Nụ hôn của sói"… Điều này cho thấy hiệu ứng, sức lây lan của dòng sách ngôn tình đối với việc đọc của giới trẻ.
Giải mã hiện tượng này, chắc hẳn có nhiều lý do: dòng sách ngôn tình được viết bằng văn phong giản dị, cốt truyện thường gắn với những tình yêu ly kỳ, mang hơi hướm sắc dục, kết hợp cả tính chất kỳ ảo, ma quái… Nó lôi cuốn, gợi trí tò mò, dễ đọc, dễ cảm. Nó đáp ứng tốt nhu cầu giải trí, như một món ăn tinh thần theo kiểu fast food rất hợp với đời sống của xã hội tiêu thụ hiện nay.
Nhưng sự lên ngôi của dòng sách ngôn tình, đam mỹ, có báo hiệu sự kéo lùi, hẫng hụt của việc đọc? Có lẽ, cần nhìn nhận vấn đề từ cái nhìn đa chiều: Một mặt, dòng sách ngôn tình là sản phẩm của văn học đại chúng, nó có đời sống và những nguyên nhân tồn tại riêng của nó, và ít nhiều tạo nên sự đa dạng trong dòng chảy văn hóa. Mặt khác, dòng sách ngôn tình lại trở nên tai hại, nhất là khi người ta nhầm lẫn, ngộ nhận trong quan niệm, định giá nó: thay vì xem đây là một sản phẩm thuần giải trí, dễ dãi, lại xem chúng như những giá trị có ý nghĩa cho đời sống văn chương.
Việc đọc, nhất là trong bộ phận người trẻ - lớp người đọc chưa có nhiều kinh nghiệm - cứ rối mù trong những lẫn lộn, nhầm tưởng. Cả những nhà xuất bản cũng ít nhiều chưa có sự tự ý thức về điều này. Một nền văn hóa đọc lành mạnh, cần và nên có sự đa dạng trong nguồn sách, các thể loại sách; nhưng cũng cần phân định rạch ròi những giá trị bền lâu với tính chất thương mại, giải trí. Những yêu cầu, đòi hỏi ấy đặt ra vấn đề cho những người chọn sách, dịch sách, phát hành sách, để đảm bảo sự hình thành và phát triển nền tảng thị hiếu thẩm mỹ ngày càng cao, hướng đến những chân giá trị.
3. Rất mừng là, thời gian gần đây, những tác phẩm, tác giả kinh điển cũng đang được dịch và giới thiệu ngày một đầy đủ hơn trên thị trường sách trong nước. Những tác phẩm nổi tiếng có giá trị vượt thời gian, và những tác phẩm hay trong đời sống văn chương đương đại thế giới, đã được chú ý, tổ chức dịch thuật và phát hành bài bản. Ai cũng biết rằng, sự hình thành đời sống tinh thần của con người, luôn có sự gắn bó mật thiết với những gì mà người đó tìm đọc và lĩnh hội. Việc đọc, nhất là đọc tác phẩm kinh điển, là một kỹ năng thiết yếu để mở cánh cửa bước vào kho tàng tri thức nhân loại và góp phần hình thành đời sống nội tâm, nhân cách. Cánh cửa của việc đọc luôn mở về phía tương lai, gợi mở những dự phóng mới cho một thế giới ngày càng phẳng.
Qua sự xuất hiện của dòng tiểu thuyết ngôn tình và cả sự phục hưng của những tiểu thuyết kinh điển, nên bi quan hay lạc quan cho tương lai của việc đọc? Có lẽ, sự bình tĩnh và tự ý thức, là một thái độ cần có trước hết, khi nhìn vào dòng chảy của văn hóa đọc ngày nay. Vì cái gì nhất thời sẽ nhanh chóng bị đào thải; cái gì đích thực giá trị, sẽ luôn luôn còn mãi, qua thời gian gạn lọc bền bĩ. “Của Caesar, lại trả về với Caesar” là vậy chăng?
LÊ MINH KHA
(Trường Đại học Quy Nhơn)