Đắk Mang - điểm sáng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở
Đắk Mang là xã vùng cao, có 342 hộ dân với trên 1.150 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Bana. Có truyền thống cách mạng trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, ngày nay Đắk Mang là điểm sáng trong phong trào Toàn dân đăng ký xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) của huyện Hoài Ân.
Anh Đinh Hồng Nhé, Chủ tịch UBND xã, tự hào: “Tuy là xã thuộc diện khó khăn, người dân sinh sống chủ yếu là sản xuất nông nghiệp; đất đai sản xuất không nhiều, điều kiện hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương còn không ít khó khăn, song con người ở đây luôn cần cù, chịu khó, biết phát huy truyền thống quê hương trong xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương ngày càng phát triển”.
Đội văn nghệ quần chúng của xã Đắk Mang tại Lễ hội VHTT 3 xã vùng cao Hoài Ân 2015. Ảnh: VÕ CHÍ HÀ
Nổi bật trong sản xuất nông nghiệp, diện tích gieo trồng luôn được cải tạo, cơ cấu cây trồng vật nuôi ở Đắk Mang luôn được đa dạng hóa. Người dân coi trọng áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, tổ chức thâm canh, chuyển vụ tăng năng suất cây trồng, nhất là năng suất lúa tăng từ 45 tạ/ha năm 2010 lên 60 tạ/ha năm 2015. Số lượng đàn gia súc, gia cầm trong hộ gia đình tăng nhanh, có nhiều hộ phát triển trang trại chăn nuôi cho thu nhập bình quân từ 50 đến 100 triệu đồng/năm. Đặc biệt, phát triển kinh tế rừng được khuyến khích, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo từ việc trồng rừng. Đời sống văn hóa của người dân được nâng cao, 99% số hộ trong thôn có phương tiện nghe nhìn. Ngoài radio, tivi, mạng lưới internet đã được người dân tiếp cận, mua sắm để cập nhật thông tin phục vụ nhu cầu trong đời sống. Các phong trào văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao được chú trọng, Đội văn nghệ quần chúng xã được duy trì và hoạt động đều đặn phục vụ nhu cầu nhân dân. Đặc biệt việc gìn giữ bảo tồn chấn hưng văn hóa truyền thống được người dân chú trọng, lưu giữ những nét đẹp trong các lễ hội dân gian, lưu giữ văn hóa cồng chiêng, văn hóa rượu cần, phát huy hiệu quả nghề dệt thổ cẩm....
Trong công tác DS-KHHGĐ, Đắk Mang cũng đạt những kết quả đáng ghi nhận, đã 7 năm qua xã không có gia đình sinh con thứ 3. Anh Đinh Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND xã, khẳng định: “Chuyện đẻ ít có ý nghĩa rất lớn đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo của xã. Con cái ổn định rồi, từ giờ trở đi bà con chỉ còn lo phát triển kinh tế, làm giàu nữa thôi!”. Xác định các tiêu chí xây dựng Gia đình văn hóa, Làng văn hóa là động lực để địa phương phát triển, trong nhiều năm qua, hầu hết các nội dung tiêu chí xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở được Đảng bộ và các cấp chính quyền xã quan tâm, chi bộ, ban thôn, các tổ chức chính trị và gia đình, mỗi người dân ở từng thôn thi đua thực hiện. Hàng năm, xã có 100% gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa và đạt từ 95% (năm 2012) đến năm 2014, 100% gia đình được công nhận Gia đình văn hóa. Danh hiệu Làng Văn hóa được cán bộ, nhân dân các thôn đăng ký tổ chức thực hiện, duy trì, phát triển và đã có 2 thôn (O6, O10) liên tục giữ vững trong nhiều năm qua.
Nói về kinh nghiệm xây dựng Phong trào TDĐKXDĐSVH ở Đắk Mang, Chủ tịch UBND xã Đinh Hồng Nhé cho biết thêm: “Để có được kết quả hôm nay, mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được chính quyền và nhân dân bàn bạc trên nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; giá trị văn hóa truyền thống được chọn lọc phát huy, đồng thời ngăn ngừa, lên án, phê phán và loại bỏ các hủ tục... nên trong tổ chức thực hiện luôn đem lại hiệu quả cao”.
VÕ CHÍ HÀ