Quanh chuyện hủy hoại rừng
Để tăng thêm thu nhập, nhiều người đã phát rừng làm rẫy mà không biết rằng hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Trước tòa, nhiều bị cáo bị xét xử về hành vi hủy hoại rừng, cho biết: “Bị cáo chỉ nghĩ đây là diện tích đất rừng đã được khai thác, nay chỉ là người đi khai thác lại, lại không thấy có biển cấm nên…”.
Do thiếu đất sản xuất
Bị cáo Nguyễn Thanh Phong (SN 1973, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh), vừa được TAND tỉnh giảm 2 tháng tù giam (38 tháng tù giam xuống còn 36 tháng) vì Phong thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình, Phong phạm tội do nhận thức pháp luật còn kém và cũng một phần xuất phát từ nhu cầu cuộc sống, gia đình đông con nhưng thiếu đất sản xuất.
Bị cáo Nguyễn Thanh Phong (bên trái) và Đoàn Văn Lúi trước tòa.
Nhà có 10 nhân khẩu, gia đình thuộc diện khó khăn nên tháng 5.2010 Nguyễn Thanh Phong lên núi Hòn Nhe phát rừng làm rẫy với diện tích là 19.510m2 để trồng chuối. Đến tháng 5. 2013 Phong tiếp tục lên khu vực núi Hòn Nhe phát thêm 4.317 m2 nữa. Tổng diện tích rừng Phong đã phát trong 2 lần là 23.827m2. Tuy nhiên, Phong không hề biết rằng mình đã phạm vào tội hủy hoại rừng.
Phong lý giải: “Vì thấy khu đất ấy trước đây đã từng được đốt than, giờ bỏ trống nên tôi phát dọn và trồng lúa cùng một số cây hoa màu ngắn ngày khác để tăng thu nhập cho gia đình và bản thân không hề biết được đâu là khu vực cấm sản xuất, đâu là khu vực được sản xuất, trong khi đó, trong cùng khu vực núi Hòn Nhe nhiều người cùng phát triển sản xuất trong nhiều năm, nên cứ an tâm sản xuất”.
Cũng giống như bị cáo Phong, để có đất trồng keo, ông Nguyễn Đình Thọ (SN 1953, xã Canh Hiển) đến khu vực Suối Nghệ (xã Canh Hiệp) chặt phá rừng trái phép và chỉ trong 15 ngày (khoảng tháng 9.2014), ông Thọ đã phá 11.888 m2 rừng phòng hộ. Với hành vi này, ông đã bị TAND huyện Vân Canh tuyên phạt 36 tháng tù giam và buộc bồi thường hơn 76 triệu đồng.
Trước tòa ông Thọ xin được xem xét giảm án tù giam sang án treo để có điều kiện làm lụng, kiếm tiền bồi thường khoản thiệt hại. Ông Thọ nói: “Tôi đã biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật, có thể gây ảnh hưởng môi trường và khó phòng tránh khi thiên tai, nhưng xin tòa xem xét cho tôi hưởng án treo để có điều kiện bồi thường tiền phạt, chứ gia cảnh tôi rất khó khăn, tôi đi tù rồi biết lấy gì bồi thường đây”. Tuy nhiên, TAND tỉnh đã bác kháng cáo giữ nguyên án sơ thẩm mà TAND huyện Vân Canh đã tuyên trước đó.
Tham dự phiên tòa với vai trò đại diện cho UBND xã, ông Đinh Văn Tiết, Phó chủ tịch UBND xã Canh Hiệp, cho rằng: “Việc vi phạm của người dân đối với đất rừng thì cần xử lý, tuy nhiên, xin tòa xử ở một mức án đủ để răn đe để người dân biết mà tránh, vì đa phần nhận thức pháp luật của bà con người dân tộc thiểu số còn hạn chế, đời sống còn nhiều khó khăn. Vì người dân vi phạm vào tội hủy hoại rừng cũng một phần do thiếu đất sản xuất, họ chỉ muốn tăng thu nhập cho gia đình chứ không nghĩ vi phạm pháp luật”.
Cần phân chia ranh giới rừng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Ba chỉ trồng cây nuôi gia đình thôi mà. Bữa trước người ta cũng mang ba ra xử nhưng rồi cho về, sao bây giờ lại bắt giam. Ba đi tù rồi, ai nuôi chị em con bây giờ
Nói như vị luật sư bào chữa cho bị cáo Thọ, ngoài nhận thức về pháp luật còn hạn chế và cuộc sống khó khăn thì công tác tuyên truyền và kiểm tra thường xuyên tại thực địa của ngành chức năng và chính quyền địa phương còn hạn chế nên đã dẫn đến việc người dân vi phạm trong một thời gian dài mới bị phát hiện và xử lý.
Các bị cáo đều cho rằng do phần đất rừng không có biển cấm cũng như không phân chia rõ ràng đâu là rừng sản xuất, đâu là rừng phòng hộ nên mới vi phạm. Nói như bị cáo Đoàn Văn Lúi (SN 1977, Canh Hiệp) “do thấy nhiều người cũng phá rừng như mình, nhưng chẳng ai nói gì, nên cứ làm, hơn nữa không thấy biển báo rừng phòng hộ nên không thể biết được”. Kết thúc phiên tòa phúc thẩm với việc giữ nguyên mức án 36 tháng tù giam cùng khoản tiền phải bồi thường hơn 78 triệu đồng, bị cáo Lúi vội ôm cô con gái giữa vào lòng trấn an: “Mai này ba đi tù rồi con ở nhà nhớ chăm chỉ và giúp mẹ trông em nha con”. Dậy từ 5 giờ sáng để cùng ba xuống dự khán ở Quy Nhơn, cô bé Trang (học lớp 7), chỉ nghĩ sẽ được đi chơi xa một chuyến, nên khi nghe ba Lúi và mọi người nói sẽ phải chịu mức án tù 36 tháng, cô bé vừa sụt sùi, vừa thắc mắc: “Ba chỉ trồng cây nuôi gia đình thôi. Bữa trước người ta cũng mang ba ra xử nhưng rồi cho về, sao bây giờ lại bắt giam. Ba đi tù rồi, ai nuôi chị em con bây giờ”. Câu hỏi của bé Trang khiến cả luật sư và mọi người dự khán nghẹn lòng. Giá như các bị cáo biết trước kết cục này!
K.ANH