Người cao tuổi chơi facebook
Cách trở về không gian, thời gian vốn là trở ngại của không ít người cao tuổi trong việc liên hệ, kết nối thông tin với người thân hay bè bạn, nay không còn nữa... nhờ facebook.
Kết nối bè bạn, con cháu
Trong lúc ngồi bán quần áo, bà Nguyễn Thị Vân (đường Lê Lợi, Quy Nhơn) tranh thủ lướt facebook trên chiếc Ipad. Rồi bà khúc khích khi đọc những “comment” (lời bình) của bè bạn dưới một bức hình bà đang trèo lên một cây khế chót vót hái quả - một hành động khá mạo hiểm và quá đỗi “xì tin” ở cái tuổi 63 của bà.
Bà Vân cho biết cách đây 1 năm, con trai bà lập cho mẹ một tài khoản trên “phây” và chỉ cho bà thao tác sử dụng để bà cập nhật tình hình con cháu đang sống ở TP Hồ Chí Minh. “Hồi chưa có “nó”, muốn hỏi thăm tình hình con cháu, tôi gọi điện hoặc mở mail xem hình ảnh chúng gửi về cho, nhưng nay chỉ cần vào phây của chúng là rõ. Thậm chí còn biết được tâm trạng của chúng ra sao nữa kìa qua các status (tâm trạng) của chúng. Thấy hình ảnh mấy đứa cháu nội, ngoại được cập nhật liên tục cũng đỡ nhớ chúng”, bà Vân hồ hởi chia sẻ.
Chia sẻ, trò chuyện với những người bạn trên facebook là niềm vui mỗi ngày của bà Huỳnh Thị Ấu.
Không chỉ vậy, “phây” còn giúp bà Vân kết nối với nhiều bạn bè, họ hàng làm việc ở xa, thậm chí sống ở nước ngoài, thất lạc nhiều năm. Bà nói: “Mỗi ngày lên “phây” vài chục phút hỏi thăm sức khỏe, đùa vui vài câu thấy đời rất thú vị, thời gian cũng trôi nhanh hơn. Đi du lịch đến đâu tôi cũng chụp ảnh, tải hình lên đó để bè bạn, con cái cùng biết”. Bà cũng cho biết thêm, vợ chồng bà đều có tài khoản riêng, ngoài những bạn bè chung, họ có những bạn bè riêng cùng sở thích. Chồng bà có bạn cùng hội thích chơi xe mô tô, còn bà lại làm với người thích đi tắm biển và du lịch đang sống tại Quy Nhơn.
Từ vài năm nay, chia sẻ, trò chuyện với những người bạn trên facebook là niềm vui mỗi ngày của bà Huỳnh Thị Ấu, 60 tuổi, đang sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Bị khuyết tật nặng, lại không có chồng con, bà Ấu vào sống ở Trung tâm Bảo trợ xã hội đã 20 năm nay. Vốn là người vui vẻ, cởi mở và thích kết bạn, nên năm 2012, khi được người cháu họ tặng một chiếc máy tính xách tay, bà Ấu mày mò lập tài khoản làm quen với mạng xã hội facebook. “Bạn bè khắp cả nước, thậm ở nước ngoài cũng kết bạn với tôi. Thi thoảng, tôi còn nhận được món quà nho nhỏ tình cảm của các bạn phương xa. Cảm động lắm!”, bà Ấu nói.
Không chỉ là niềm vui
Nhà báo Trần Chánh Nghĩa, tuổi thuộc hàng U70, hiện sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh, tham gia vào mạng xã hội facebook từ năm 2010. Với ông, facebook là một kênh thông tin hỗ trợ tốt cho nghề nghiệp. Ông chia sẻ: “Tôi vào facebook để liên lạc với bạn bè khắp nơi, để trao đổi tin tức cho nhau, và nhất là qua những status có thể vận dụng thành đề tài để viết bài. Riêng với gia đình lại càng tiện hơn nữa. Các con tôi, anh em tôi ở nước ngoài có thể biết tin tức của nhau hàng giờ hàng phút mà không mất một khoản phí nào - điều mà trước kia không thể có được”,
Chị Tâm Ngọc, đang sống và làm việc tại TP Quy Nhơn, cũng cho biết thêm, một người bạn trên facebook khoảng 65 tuổi của chị, thông qua facebook liên tục cập nhật, giới thiệu các tác phẩm tranh vẽ phong cảnh Côn Đảo do ông sáng tác. Bạn bè, người thân hoặc những người tình cờ thấy tranh của ông đăng trên facebook, nếu thích mua có thể liên lạc, nhắn tin qua tài khoản của ông, nhất cử lưỡng tiện.
Tuy nhiên, trong một thế giới ảo, thật giả lẫn lộn, cũng cần cẩn trọng đề phòng, tránh lợi bất cập hại. Bà Huỳnh Thị Ấu cho biết năm ngoái một người bạn facebook của bà có địa chỉ ở nước ngoài liên tục nhắn tin sẽ tặng cho bà món quà trị giá hàng ngàn đô la Mỹ. Nhưng để nhận được hàng về tới sân bay, bà Ấu phải chuyển tiền (tính ra khoảng chục triệu đồng tiền Việt Nam) vào tài khoản của họ để làm thủ tục nhận quà. Viện cớ không có nhiều tiền mặt như thế, bà Ấu từ chối nhận quà, nhưng “người bạn” liên tục nhắn tin, thúc giục và hạ dần khoản phí chuyển. Cho đến khi bà Ấu nhắn lại tin “tôi không dễ bị lừa đâu” người bạn này mới “tắt đài”.
Ông Trần Chánh Nghĩa cho biết, để tránh tình bạn ảo ông không bao giờ kết bạn một cách dễ dãi; người ông đồng ý kết bạn, nếu không quen thì ít ra cũng phải nghe qua, biết qua người đó. “Do đó, facebook sẽ giúp tôi gần gũi với họ hơn”, ông nói.
NGUYỄN SƠN
Sau khi thử nghiệm cho người già tham gia vào mạng xã hội facebook ở các trung tâm nuôi dưỡng người già trên khắp nước Anh, cuối năm 2014, Trường Đại học Exerter (Anh) công bố, người cao tuổi tham gia vào các mạng xã hội sẽ giúp họ minh mẫn, kéo dài tuổi thọ. Người cao tuổi sử dụng mạng xã hội để “tám chuyện” với bạn bè khiến họ không cảm thấy cô đơn như người cùng lứa tuổi khác.
Đây không phải là cuộc nghiên cứu đầu tiên về ảnh hưởng tích cực của Facebook đối với người cao tuổi.
Trước đó, Janelle Wohltmann, một sinh viên tốt nghiệp khoa tâm lý Trường Đại học Arizona (Mỹ) cùng các nhà khoa học của trường này đã tiến hành thí nghiệm về tác động của facebook đối với những người có độ tuổi từ 68-91. Kết quả cho thấy, người già sử dụng facebook hoàn thành bài kiểm tra về khả năng quan sát, ghi nhớ tốt hơn 25% so với những người không dùng facebook.
Wohltmann khẳng định: “Có 2 lợi ích của việc sử dụng Facebook với người già. Thứ nhất: Não bộ của họ hoạt động nhạy bén hơn do học hỏi những kỹ năng mới khiến họ trở nên năng động và giúp khả năng nhận thức được cải thiện. Thứ hai: họ quan tâm tới xã hội hơn khi cập nhật được tình hình thế giới xung quanh, bớt cô đơn khi có bất cứ điều gì cũng có thể chia sẻ với nhiều người, cùng với đó, họ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội khiến mình vẫn cảm thấy có ích cho xã hội”.
THU HÀ (tổng hợp)