Học làm diễn viên tuồng:
Đường dài “phủ đầy gai”
Để đào tạo được một diễn viên tuồng tương đối có nghề, tùy điều kiện và khả năng từng người cần 10-15 năm, thậm chí lâu hơn. Dành sự lao tâm khổ tứ quá lớn, chấp nhận thực tế trước mắt và tương lai khó, nghèo để theo đuổi một loại hình nghệ thuật truyền thống đã không còn hưng thịnh, đến với tuồng là đi trên con đường phủ đầy gai.
Môi trường nghệ thuật khắc nghiệt
Cuối năm 2009, trước tình hình nhiều đào, kép trụ cột giã từ sân khấu vì đến tuổi hưu hoặc lý do sức khỏe, Nhà hát tuồng Đào Tấn tổ chức tuyển hạt nhân năng khiếu và lập ra Đoàn trẻ (Đoàn 2) nhằm xây dựng đội ngũ diễn viên kế cận. Ngoài đợt tuyển chính thức này, tháng 8.2011, có thêm 5 gương mặt trẻ nữa được chọn bổ sung. Lực lượng Đoàn trẻ khi ấy khá hùng hậu, khoảng 25 người, phần lớn tốt nghiệp các ngành thanh nhạc và âm nhạc. Tại buổi báo cáo kết quả đào tạo khóa diễn viên trẻ của Nhà hát tổ chức vào cuối tháng 10.2011, Đoàn trẻ còn 16 học viên. Sau đó, vài gương mặt nữa tiếp tục rời Đoàn. Hiện, Đoàn có 13 người, dự báo sẽ còn giảm.
“Những năm qua, Đoàn trẻ đã đóng góp rất lớn cùng với Nhà hát thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát triển và quảng bá tuồng dưới hình thức sân khấu phục vụ du lịch. Quyết định về việc xây dựng thêm Đoàn trẻ là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với nhu cầu thực tế của Nhà hát. Với những gì Đoàn trẻ đã và đang thể hiện, tôi yên tâm, tin tưởng vào hướng đào tạo, dự nguồn mà Nhà hát đang làm”.
NSƯT HOÀNG NGỌC ĐÌNH, Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn
Không chỉ ở môi trường đào tạo, truyền nghề trực tiếp ngay trong Nhà hát, sự rơi rụng còn xảy ra trong quá trình sàng lọc tại trường học, tức đào tạo chính quy nghệ thuật tuồng bậc trung cấp (2 ngành diễn viên tuồng và nhạc công tuồng) tại Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật tỉnh. Điển hình như khóa V (2002-2006), số lượng học viên là 40 người, đến khi tốt nghiệp chỉ còn 12; trong số 12 người này, cũng chỉ còn lại 4 người, gồm 3 diễn viên và 1 nhạc công theo nghề.
Ở các đoàn tuồng không chuyên, năm 2005, với khát khao xây dựng một đội tuồng đồng ấu, làm dự bị cho đoàn tuồng xã nhà, “ông bầu” Hoàng Minh, Trưởng Đoàn tuồng không chuyên Phước An (huyện Tuy Phước) và diễn viên Kim Chung đã đứng ra tìm kiếm, quy tụ con em nghệ sĩ tuồng không chuyên hoặc trẻ trong thôn, xã ít nhiều có tố chất để dạy tuồng. “Cũng gom được 15 đứa, biết trước là việc truyền nghề sẽ vô cùng vất vả song anh em trong Đoàn mừng ra mặt. Nhưng lớp học chỉ tồn tại 3 tháng rồi tan trước sự bất lực của chúng tôi. Lý do bọn trẻ đưa ra đơn giản: tập hát theo một bản nhạc chỉ cần vài tiếng, mà học lời, tập đi hia, cầm binh khí… mất cả tháng chưa nên, thì bao giờ mới thành diễn viên được? Chung quy cũng bởi học tuồng quá khó, quá khổ, nếu không mê, không yêu thì chắc chắn không trụ được”, diễn viên Kim Chung tâm sự.
Đường dài
Nói về cái khó khi học tuồng, một diễn viên trẻ đã tâm sự: “Lúc mới vào học, tôi không tài nào hình dung tuồng lại “khó nuốt”, khó chinh phục đến vậy. Từng yếu tố hát, múa, diễn xuất đã khó, khi biểu diễn phải thể hiện tổng hợp cả 3 phần độ khó ấy. Vào nghề đã 7, 8 năm, có chỗ láy tôi học mãi vẫn chưa thấy hài lòng”.
Đến nay, sau hơn 3 năm làm quen, trải nghiệm trong môi trường nghệ thuật tuồng, dấu ấn của lực lượng diễn viên Đoàn trẻ thể hiện trong những vở tuồng còn khá mờ nhạt. Một số gương mặt nổi bật như Minh Trang, Hoàng Dũng, Thu Vân, Thanh Trực… đã bước đầu vào vai trong một số trích đoạn, cụ thể là “Lưu Kim Đính hạ sơn”, “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”, “Công chúa Sa Mi gặp hoàng tử Si Thon”, “Ông già cõng vợ đi xem hội”. Bên cạnh đó cũng đã tham gia vào dàn múa tuồng trong các vở “Tình yêu và khát vọng”, “Đào Tam Xuân”, “Phong thần”, “Đêm sáng phương Nam”.
Còn lại, hoạt động nghệ thuật của Đoàn trẻ mà khán giả thường thấy nhất là biểu diễn ca múa nhạc truyền thống phục vụ du lịch. Điều này làm hết thảy những người gửi gắm kỳ vọng vào hình thức đào tạo truyền nghề tại chỗ đồng thời mong đợi sản phẩm đào tạo ấy sốt ruột. NSND Minh Ngọc, thành viên Hội đồng nghệ thuật của Nhà hát, cho biết: “Để đào tạo được một diễn viên tuồng cơ bản có nghề phải mất hàng chục năm trời. Khoan nói đến đội ngũ ở Đoàn trẻ, ngay cả những diễn viên tốt nghiệp tuồng các khóa IV, V, VI, đã khổ luyện ở Nhà hát trên dưới 10 năm nay vẫn phải ngày đêm trau dồi, phấn đấu mới vào vai được. Từ đào tạo nghề trên ghế nhà trường đến rèn luyện tại Nhà hát, chuyên môn nghề cơ bản đã có nhưng kỹ thuật biểu diễn thì phải xem nhiều, tập nhiều, diễn nhiều mới giỏi lên được”.
Không như phần lớn bộ môn nghệ thuật có giáo trình, trường lớp đào tạo quy chuẩn, hiệu quả đào tạo của nghệ thuật tuồng chủ yếu được tạo ra từ hình thức truyền nghề dân gian. Được biết, sắp tới, các hạt giống của Đoàn trẻ sẽ bước vào một giai đoạn học nghề khó khăn hơn trước gấp nhiều lần. NSƯT Hoàng Ngọc Đình, Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn, cho biết: “Qua hơn 3 năm thử thách, các em ở lại với Đoàn đã cho thấy tình yêu và quyết tâm đeo đuổi nghề. Sở trường của từng em cũng được biểu lộ, Nhà hát đã lên kế hoạch phân các dạng vai phù hợp cho từng em, do những diễn viên “gạo cội” trực tiếp truyền nghề. Đây mới là giai đoạn khổ luyện thực sự và không tránh khỏi quy luật sàng lọc”.
KHẢI THƯ