Người thì biết đau...
“Ðừng đùa anh chứ! Còn biết bao nhiêu người góp công lớn mà!”, anh cười xòa khi nghe tôi báo tin anh là 1 trong 4 cá nhân của ngành Y tế được Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh chọn là gương điển hình tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015. Anh là bác sĩ chuyên khoa II Phan Nam Hùng, Phó trưởng khoa Nội Tim mạch, BVÐK tỉnh.
Bác sĩ Phan Nam Hùng được biết đến như là người không ngừng tìm tòi sáng tạo. Các đề tài nghiên cứu khoa học của anh luôn được đánh giá cao bởi tính ứng dụng trong công tác điều trị.
Động lực
16 giờ 45 ngày 3.3, điện thoại đổ chuông, phía bên kia vang lên giọng reo: “Thành công rồi em ơi, rút được dây ra rồi!”. Chẳng kịp gập laptop, tôi tức tốc vào BVĐK tỉnh. Anh đón tôi ở cửa phòng đặt máy chụp mạch xóa nền DSA. Cụ bà 91 tuổi Lê Thị Đồn (ở xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn) vẫn nằm thiêm thiếp. Anh đưa cho tôi xem sợi dây điện cực cũ ngoằn ngoèo vừa được rút ra khỏi lồng ngực bà cụ.
“Thật khó diễn tả được niềm vui khi tự tay mình rút sợi dây điện cực ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Đây là kỹ thuật rất phức tạp, lần đầu tiên triển khai mà đã thành công ngay”, anh nói, giọng chưa hết hồi hộp, vui sướng.
“Gặp, chẳng ai nghĩ năm nay anh đã 52 tuổi. Ðiện thoại, kết thúc bao giờ cũng là giọng Huế trúc trắc: “Sức khỏe nghe!”. Mãi sau này, tôi mới nghĩ và thấm về lời chúc sức khỏe của một bác sĩ. Sức khỏe chẳng phải là vốn quý nhất của mỗi người đó sao?”
Bẵng đi một thời gian, khi đã qua cơn “lâng lâng”, anh mới phân tích cho tôi nghe một cách thấu đáo. Rằng, rút dây điện cực ra khỏi buồng tim là chỉ định bắt buộc ở những trường hợp dây điện cực cũ nằm trong buồng tim trên một năm và gây nhiễm trùng, dẫn tới nguy cơ tử vong. Từng có thời gian học tập ở Hoa Kỳ, anh biết rằng, đây là kỹ thuật phổ biến ở đây nhờ máy cắt đốt laser hoặc bộ rút dây điện cực bằng tay. Ở Việt Nam, chỉ tính riêng năm 2015 có trên 1.500 trường hợp cần rút dây điện cực. Tuy nhiên, ở nước ta chưa có máy cắt đốt laser, việc sử dụng máy này cũng không hề đơn giản, bởi nguy cơ thủng tim hoặc rối loạn nhịp là rất cao. Riêng bộ rút dây điện cực bằng tay mới bắt đầu được sử dụng.
“Cụ Đồn là một ca rất khó, dây điện cực cũ nằm trong buồng tim bên trái, cắm sâu vào vách liên thất. Bệnh nhân đã chuyển ra Huế và được chỉ định mổ tim hở để rút dây điện cực, nhưng 4 lần lên bàn mổ phải đều trì hoãn vì nguy cơ tử vong trong cuộc mổ. Bà về quê, chấp nhận mang dây điện cực cũ bị nhiễm trùng. Làm sao để giúp bệnh nhân là nỗi băn khoăn canh cánh bên mình trong một thời gian dài. Sau khi tham khảo ý kiến của các giáo sư Hoa Kỳ, cùng quyết tâm của các cộng sự trong phiên hội chẩn cấp 3, chúng tôi đã sử dụng bộ rút dây điện cực bằng tay để rút dây điện cực cho cụ Đồn. Đến nay, sau hơn 3 tháng can thiệp, sức khỏe của cụ tiến triển rất tốt”, anh rành rọt.
Tôi vẫn cho rằng, sáng tạo không dễ sinh ra, mà phải thai nghén, nuôi dưỡng qua những trăn trở, nung nấu với công việc thường nhật, và tượng hình từ sự tìm tòi, tỉ mẩn trong hành trình trang bị kiến thức nền tảng cho mình… Nhưng, điều kiện tiên quyết là phải có động lực. Với bác sĩ Phan Nam Hùng, động lực chính là người bệnh.
Nếu không xác định rõ ràng động lực của mình, liên tiếp trong 5 năm (2010-2014), anh chẳng thể hoàn thành nổi 5 đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến việc đặt máy tạo nhịp tim, đặt máy phá rung, kỹ thuật chọc dẫn lưu dịch khoang màng tim. Đáp lại, các đề tài này đã mang về cho anh 3 Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cùng giải Nhất trong Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn tỉnh năm 2014. Và, anh đang tiếp tục miệt mài với 2 đề tài “Nghiên cứu đặt máy tạo nhịp 2 buồng tim trong điều trị rối loạn nhịp tim chậm và tái đồng bộ cơ tim tại BVĐK tỉnh Bình Định” và “Đánh giá kết quả thăm dò chức năng nút xoang, nút nhĩ thất và cắt cơn nhịp nhanh trên thất bằng máy kích nhĩ qua thực quản”.
Cứ thế, những đề tài mới tiếp nối nhau trên hành trình tìm kiếm những phương pháp tối ưu nhất để trị bệnh cứu người…
Và đích đến
Ngoài công việc của Phó Trưởng khoa Nội Tim mạch, bác sĩ Phan Nam Hùng còn dành nhiều tâm huyết cho Đơn vị Phòng, chống tăng huyết áp BVĐK tỉnh. Năm 2004, anh cùng đồng nghiệp xây dựng mô hình quản lý bệnh nhân tăng huyết áp BHYT.
“Thời ấy, bệnh nhân tăng huyết áp không khám định kỳ, chưa có ý thức dùng thuốc đều đặn. Để định hình một nếp nghĩ, một thói quen ở bệnh nhân, chúng tôi phải vận dụng rất nhiều cách thức khác nhau. Nhiều người rất ngạc nhiên khi nhận điện thoại của nhân viên y tế nhắc đến ngày tái khám, nhắc uống thuốc đúng liều. Một truyền mười, mười lan trăm, số bệnh nhân tăng huyết áp có BHYT được quản lý cứ thế tăng dần lên, số ca biến chứng do tăng huyết áp theo đó cũng giảm đáng kể”, anh nhớ lại.
Mô hình quản lý bệnh nhân tăng huyết áp của Bình Định được bác sĩ Phan Nam Hùng giới thiệu tại Hội nghị Tim mạch miền Trung mở rộng tổ chức tại TP Quy Nhơn tháng 7.2005 và được đánh giá rất cao. Mô hình này được các tỉnh khác biết đến và nhân rộng. Khi mô hình đã hoạt động ổn định, anh tiếp tục mở rộng hoạt động của Đơn vị Phòng, chống tăng huyết áp.
Nhân viên y tế hướng dẫn cho người dân biết cách kiểm soát huyết áp tại gia đình - hoạt động thường xuyên của Đơn vị Phòng, chống tăng huyết áp BVĐK tỉnh.
Thỉnh thoảng, tôi lại nghe tin anh sắp sửa lên đường đi khám từ thiện, kết hợp truyền thông về dự phòng tăng huyết áp. Danh sách điểm đến cứ dài ra: Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu, Phước Mỹ (TP Quy Nhơn), Kon Trú (Vĩnh Kim, Vĩnh Thạnh), Canh Hiển (Vân Canh)…
Bên cạnh hoạt động dự phòng, để bệnh tim mạch không còn là nỗi ám ảnh, rất cần những can thiệp chuyên sâu. Sự đầu tư nhân lực, vật lực cho một lĩnh vực chuyên sâu như can thiệp tim mạch sẽ khó thành hiện thực nếu không thành lập đơn nguyên. Bác sĩ Phan Nam Hùng từng chia sẻ, tâm nguyện lớn nhất hiện nay của anh là đơn nguyên nhịp học được ra đời, tạo điều kiện để thu hút bác sĩ giỏi, triển khai nhiều kỹ thuật mới. Cái đích cuối cùng là bệnh nhân không chỉ ở Bình Định được phục vụ tốt nhất, đưa Bình Định trở thành một trung tâm tim mạch “có vai có vế”.
Hành trình không đơn độc
Nhiều lần anh bảo, những gì có được ngày hôm nay là công sức không chỉ của mình anh. Anh kể, sau khi Phó trưởng khoa Ngoại Tổng hợp Phạm Văn Phú hoàn thành những vết khâu cuối cùng cho bệnh nhân Lê Thị Đồn, anh đã nghe tiếng thở phào nhẹ nhõm và tiếng cười vui sướng của người có “bàn tay vàng” này. Tham gia ca can thiệp “để đời” ấy còn những cộng sự đắc lực như kỹ thuật viên gây mê Trần Quốc Khang, điều dưỡng Trần Văn Lượng.
Tôi thì nghĩ, sâu xa hơn nữa, nếu không có sự hỗ trợ của trang thiết bị hiện đại, các bác sĩ khó lòng triển khai được các kỹ thuật mới. Nếu không có chiếc máy DSA trị giá 21 tỉ đồng do tỉnh đầu tư cho Bệnh viện từ năm 2010, những ca can thiệp tim mạch không thể thực hiện được.
Và, đồng hành cùng anh không chỉ là những đồng nghiệp “đơn thuần”. Sẽ là thiếu sót lớn nếu không kể đến người đồng nghiệp đặc biệt của anh - bác sĩ Bùi Thị Lệ Chi, giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Bình Định. Sát cánh cùng anh những lúc buồn vui trong nghề, quán xuyến phòng mạch, bảo ban con cái, chăm chút chậu sen… với anh - người vợ đã vượt quá khỏi phạm vi khái niệm “hậu phương”.
Không chỉ có vợ là bác sĩ, con gái lớn của anh cũng đang là sinh viên Y khoa, con gái nhỏ học chuyên Hóa của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cũng “ngắm đích” nghề Y. Anh bảo, đó là nguồn động viên để anh thêm vững tin và toàn tâm toàn ý cho con đường mình đang đi.
Gặp, chẳng ai nghĩ năm nay anh đã 52 tuổi. Điện thoại, kết thúc bao giờ cũng là giọng Huế trúc trắc: “Sức khỏe nghe!”. Mãi sau này, tôi mới nghĩ và thấm về lời chúc sức khỏe của một bác sĩ. Sức khỏe chẳng phải là vốn quý nhất của mỗi người đó sao?
***
Ừ, “người thì biết đau”. Người nào mà chẳng biết đau, nói nghe sao trớt quớt. Nhưng cái phổ biến là ta chỉ đau nỗi đau của riêng mình, cùng lắm là chia sẻ nỗi đau với người thân. Song, vẫn có những người (tôi cứ đồ rằng số này ngày càng ít đi) biết đau nỗi đau của đồng loại. Để rồi luôn băn khoăn, hay trăn trở, thường trực bên mình ý niệm phải tìm ra giải pháp tốt nhất để làm nỗi đau ấy vơi đi.
Dù họ xuất thân từ đâu, làm nghề gì - chứ không riêng chữa bệnh cứu người - đều xứng được trân quý.
Năm 2014, BVÐK tỉnh Bình Ðịnh đã cấy được gần 50 máy tạo nhịp 1 và 2 buồng, lọt vào Top 10 của khoảng 50 bệnh viện cấy máy. GS.TS Trần Thống (giảng viên Trường ÐH Oregon - Hoa Kỳ, cố vấn kỹ thuật của Hội Nhịp học Việt Nam) và GS.TS Nguyễn Ngọc Thạch (Giám đốc Trung tâm Y khoa Saint Mary - Hoa Kỳ), đều nhận định rằng, đây là một thành quả rất đáng tuyên dương. Với nhiều công sức và tâm huyết, bác sĩ Phan Nam Hùng đã góp công lớn vào thành quả đó.
Tháng 7.2005, sau khi được bầu vào Ban chấp hành Hội Tăng huyết áp quốc gia, Phan Nam Hùng tham gia biên soạn “Khuyến cáo về chẩn đoán, điều trị tăng huyết áp” (được Nhà xuất bản Y học phát hành năm 2006) - công cụ đắc lực phục vụ cho công tác truyền thông về tăng huyết áp. Năm 2010, bác sĩ Phan Nam Hùng cùng Giáo sư Thomas Bump (Hoa Kỳ) viết bài “Ventricular Tachycardia” (Nhịp nhanh kịch phát thất), đăng trong sách “Eviden-Based Cardiology Practice” (tạm dịch: Thực hành tim mạch dựa vào bằng chứng) của Nhà xuất bản People’s Medical Publishing House.
NGUYỄN VĂN TRANG
Xin chúc mừng và kính phục Bác sỹ. Mong rằng Tỉnh nhà ngày càng có nhiều bác sỹ có tâm, có đức, có tài, tận tuỵ phục vụ bệnh nhân như Bác sỹ. Để đóng góp vào sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Thật là thầy thuốc như mẹ hiền.