Nghệ sĩ sân khấu truyền thống: Mong chờ được cải thiện đời sống
Vất vả tập luyện trong nhiều ngày, rồi “cháy hết mình” trên sân khấu chuyên nghiệp, nhưng thù lao của diễn viên chính trong một vở diễn của Nhà hát tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định hiện vẫn chỉ mức 50.000 đồng. Những người khác tham gia đóng góp cho vở diễn thì chế độ còn thấp hơn.
Thu nhập thấp
Trong tình hình thực tế ngày càng có nhiều loại hình giải trí hiện nay, việc bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của Bình Định đang gặp nhiều khó khăn. Trách nhiệm gìn giữ càng “đè nặng” lên vai các nghệ sĩ ở Nhà hát tuồng Đào Tấn, Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định khi phải nỗ lực không ngừng trong lao động sáng tạo nghệ thuật nhưng mức thu nhập còn quá thấp.
Trong vở diễn “Người mẹ trước vành móng ngựa” mới được dàn dựng của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, diễn viên chính cũng chỉ nhận được mức bồi dưỡng 50.000 đồng.
NSƯT Nguyễn Gia Thiện, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát tuồng Đào Tấn, cho biết: “Lương các nghệ sĩ chủ chốt ở Nhà hát chỉ từ 4 - 5 triệu đồng/tháng. Mức bồi dưỡng một đêm diễn cho vai chính chỉ có 50.000 đồng, vai phụ 40.000 đồng, những người khác tham gia phục vụ cho vở diễn được nhận 20.000 đồng. Ngoài ra, một buổi tập luyện cho vở diễn cũng chỉ bồi dưỡng thêm 20.000 đồng. Thu nhập thấp, các thế hệ diễn viên, nhạc công lâu năm của Nhà hát vẫn cố gắng bám trụ bằng tâm huyết với nghề. Tuy nhiên, mức thu nhập này đã góp phần khiến lớp trẻ hiện nay không muốn chọn theo tuồng, đây là khó khăn lớn trong việc gầy dựng các thế hệ kế cận giữ gìn di sản…”.
Chế độ bồi dưỡng cho các vai diễn chính, thứ chính, phụ ở Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định cũng ở mức từ 30 - 50.000 đồng. Các nghệ sĩ đã miệt mài tập luyện bao ngày và dốc hết tâm trí cho vai diễn trên sân khấu, nhưng chế độ bồi dưỡng chỉ đủ ăn tô phở, uống chai nước… Vào mùa lưu diễn cao điểm của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp Bình Định phục vụ nhân dân trong dịp Tết, các nghệ sĩ có được niềm vui cống hiến phục vụ khán giả ở nhiều địa phương trong tỉnh. Nhưng, sau niềm vui ấy, vẫn là những “tiếng thở dài” qua nhiều năm, khi đi xa nhà liên tục cả tháng trời mà người đóng vai chính nhiều nhất cũng chỉ nhận được bồi dưỡng tổng cộng có hơn triệu đồng, những người khác thường chỉ có năm bảy trăm ngàn.
Một diễn viên trẻ (ngại nêu tên) tâm sự: “Một số ít người trẻ hiện nay chọn theo đuổi nghệ thuật truyền thống, chấp nhận thu nhập thấp đã chịu nhiều áp lực. Chạnh lòng hơn, trong những chuyến lưu diễn dài ngày, dù “thắt lưng buộc bụng” vẫn thường bị “âm tiền” trong chi tiêu sinh hoạt bởi thù lao bồi dưỡng nhận được chẳng thấm vào đâu…”.
Mong chờ chế độ bồi dưỡng mới
Ngày 20.5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 14/2015 về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Đối tượng hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp được căn cứ đặc thù chuyên môn, mức độ đào tạo và chức năng hoạt động của từng chức danh nghề nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm của các sở, ngành liên quan để Quyết định số 14 của Thủ tướng Chính phủ mau chóng được triển khai vào thực tế, góp phần động viên tinh thần nghệ sĩ tiếp tục nỗ lực cống hiến bảo tồn và phát huy nghệ thuật tuồng Bình Định đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
NSƯT NGUYỄN GIA THIỆN, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát tuồng Đào Tấn
Theo Quyết định này, những người đang làm việc tại Nhà hát tuồng Đào Tấn, Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định thuộc vào đối tượng 1 gồm diễn viên tuồng, kịch dân ca, người biểu diễn nhạc cụ hơi; đối tượng 2 gồm dàn nhạc sân khấu truyền thống, người biểu diễn nhạc cụ dây, nhạc cụ gõ, kỹ thuật viên âm thanh, kỹ thuật viên ánh sáng. Phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp được tính theo mức lương cơ sở nhân với mức phụ cấp ưu đãi theo nghề, chia làm 2 mức: Phụ cấp 20% áp dụng đối với đối tượng 1; phụ cấp 15% áp dụng đối với đối tượng 2.
Theo Quyết định số 14, chế độ bồi dưỡng luyện tập tính theo số buổi thực tế luyện tập, gồm có 4 mức dành cho một buổi tập: 35.000 đồng, 50.000 đồng, 60.000 đồng, 80.000 đồng. Chế độ bồi dưỡng biểu diễn tính theo số buổi biểu diễn và phục vụ biểu diễn thực tế, cũng có 4 mức: Bồi dưỡng mức 200 ngàn đồng/buổi diễn, áp dụng đối với diễn viên chính, nhạc công chính, người chỉ đạo nghệ thuật chương trình nghệ thuật ca múa nhạc, người chỉ đạo nghệ thuật vở diễn sân khấu. Bồi dưỡng mức 160 ngàn đồng/buổi diễn, áp dụng đối với diễn viên chính thứ, nhạc công chính thứ, kỹ thuật viên chính âm thanh, kỹ thuật viên chính ánh sáng. Bồi dưỡng mức 120 ngàn đồng/buổi diễn, áp dụng đối với diễn viên phụ, nhạc công, kỹ thuật viên âm thanh, kỹ thuật viên ánh sáng; trưởng, phó các đơn vị nghệ thuật và trưởng, phó các đoàn biểu diễn trực thuộc. Bồi dưỡng mức 80.000 đồng/buổi diễn, áp dụng đối với nhân viên hậu đài, nhân viên hóa trang, nhân viên phục trang, nhân viên đạo cụ và nhân viên phục vụ làm việc theo chế độ hợp đồng.
NSƯT Nguyễn Gia Thiện đề đạt: “Mọi người trong Nhà hát đều phấn khởi khi được biết Quyết định số 14 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2015. Chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm của các sở, ngành liên quan để Quyết định số 14 của Thủ tướng Chính phủ mau chóng được triển khai vào thực tế, góp phần động viên tinh thần nghệ sĩ tiếp tục nỗ lực cống hiến bảo tồn và phát huy nghệ thuật tuồng Bình Định đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.
HOÀI THU
Dù yêu nghề đến mấy nhưng cảm thấy cuộc sống của nghệ sĩ thật thiệt thòi đặc biệt là nghệ sĩ bộ môn nghệ thuật truyền thồng.Quyết định 14 của Thủ tướng chính phủ có hiệu lực là niềm động viên tinh thần cho các nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống cảm thấy ấm lòng và an tâm hơn trong công việc và thăng hoa trong nghệ thuật. Mong các cấp hãy quan tâm hơn đến những người đã và đang trực tiếp gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.