Phổ biến tài sản văn hóa văn nghệ dân gian
Hội VHNT tỉnh vừa thành lập “Tủ sách Dự án công bố và phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam” ngay tại Văn phòng Hội, nhằm phục vụ thiết thực cho việc tìm hiểu, mở rộng và nâng cao hiểu biết cho hội viên và bạn đọc.
Từ 2008 đến nay, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm cho thực hiện Dự án “Công bố và phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam” trong cả nước. Tính đến cuối năm 2014, Hội VHNT tỉnh và Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam ở Bình Định đã nhận được 696 đầu sách gồm 879 quyển sách từ Dự án.
Tủ sách “Dự án công bố và phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam” được đặt tại văn phòng Hội VHNT tỉnh. Ảnh: VĂN CẢNH
Để phổ biến, phát huy giá trị của số sách này, Hội VHNT tỉnh đã lập “Tủ sách Dự án công bố và phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam” (TSDG), giao cho một cán bộ có trình độ thạc sĩ văn học quản lý dưới sự hướng dẫn của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam ở Bình Định, để phân loại các đầu sách viết về văn hóa dân gian theo từng lĩnh vực, từng thành tố văn hóa; các đầu sách viết về văn học dân gian theo từng loại hình, loại thể; các đầu sách viết về nghệ thuật dân gian, các đầu sách mang tính khảo cứu chuyên sâu về một lĩnh vực, một thành tố văn hóa dân gian, hay một loại thể văn nghệ dân gian…
Hội VHNT tỉnh đã soạn thảo nội quy, lập sổ cho mượn sách đọc tại chỗ, cho mượn sách về nhà để giữ gìn sách không bị mất, hư hỏng. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân cho biết: “TSDG là kho tài liệu rất cần thiết đối với hội viên Hội VHNT tỉnh và nhiều cán bộ làm công tác văn hóa ở Bình Định có các tài liệu tham khảo để so sánh, đối chiếu với văn hóa, văn nghệ dân gian các tộc người trên cả nước, nhằm tiếp tục thực hiện đề tài mới về sưu tầm nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Bình Định. Phục vụ cho việc thực hiện những công trình khảo cứu chuyên sâu về một đề tài thuộc phạm vi văn hóa, văn nghệ dân gian.”.
Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân, TSDG còn cung cấp nguồn tài liệu tham khảo rất đáng tin cậy cho giảng viên các trường đại học, các trường cao đẳng ở TP Quy Nhơn, để soạn giảng các chuyên đề về văn hóa dân gian và văn học dân gian. Đối với sinh viên đang làm luận văn tốt nghiệp tại các trường Đại học và Cao đẳng ở Bình Định, các học viên đang làm luận văn cao học ở Đại học Quy Nhơn và các nghiên cứu sinh đang làm luận án tiến sĩ, TSDG cung cấp cho họ một nguồn tài liệu quý để thực hiện thành công các luận văn, luận án viết về văn hóa, văn nghệ dân gian.
Trong một lần về TP Quy Nhơn công tác, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, đã tìm đến xem TSDG. Ông đã khen ngợi và cảm ơn lãnh đạo Hội VHNT tỉnh đã có sự quan tâm xây dựng “mô hình mới” để phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam. Nhiều sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh cũng tìm đến Hội VHNT tỉnh xin được mượn sách của TSDG để thực hiện luận văn, luận án của mình. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân cho biết thêm: “Trong 3 năm còn lại của giai đoạn 2 Dự án “Công bố và phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam”, sẽ còn nhiều sách được gửi về Bình Định. Dự kiến đến khi kết thúc Dự án sẽ có tổng cộng 2.500 cuốn sách, nên lãnh đạo Hội VHNT tỉnh đã khẳng định sẽ tiếp tục quan tâm xây dựng thêm các tủ sách đẹp, bền vững phục vụ cho nhu cầu của hội viên và bạn đọc…”.
MAI THƯ