TRÊN DIỄN ĐÀN QUỐC HỘI
Góp ý Luật Tổ chức chính quyền địa phương
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều ngày 1.6.2015, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (TCCQĐP). Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thanh Thụy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, đã phát biểu góp ý về dự án luật nêu trên.
Về cơ cấu tổ chức của HĐND
Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế quan trọng của HĐND trong mỗi cấp chính quyền địa phương. Ban hành mới Luật TCCQĐP lần này tôi kỳ vọng có những chế định về HĐND xứng tầm với nhiệm vụ là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Trong dự thảo luật có nhiều điểm mới, như: tăng số lượng phó chủ tịch HĐND 2 cấp - tỉnh và huyện; lãnh đạo các ban của HĐND; thành phần thường trực HĐND; quy định ĐB HĐND hoạt động chuyên trách cụ thể hơn luật hiện hành... Việc tăng cường cán bộ chuyên trách trong bộ máy của HĐND được coi là một sự thay đổi quan trọng về cơ cấu tổ chức, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND.
ĐBQH Nguyễn Thanh Thụy phát biểu góp ý Luật TCCQĐP tại kỳ họp thứ 9 QH khóa 13.
Tôi thống nhất với quy định chủ tịch HĐND do bí thư hoặc phó bí thư cấp ủy kiêm nhiệm. 2 phó chủ tịch (PCT) HĐND, trưởng và phó trưởng ban HĐND hoạt động chuyên trách. Thực tế cho thấy, trong các hoạt động giám sát, khảo sát, tiếp công dân, giải quyết đơn thư… của thường trực, các ban HĐND, đại biểu chuyên trách giữ vai trò chủ công; quy định như vậy sẽ tăng tính chủ động, chuyên sâu và đảm bảo lực lượng tiến hành các hoạt động thường xuyên của thường trực, các ban HĐND, góp phần cho hoạt động của HĐND được thực chất hơn.
Song một vấn đề đặt ra, số lượng nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 dành cho lãnh đạo HĐND hoạt động chuyên trách là mấy người, đã được tính đến chưa? Hiện tại, do số lượng ban chấp hành cấp ủy hạn chế, nhiều địa phương khi chuẩn bị nhân sự cấp ủy chỉ tính đến 1 PCT thường trực HĐND; trong khi QH đang thảo luận PCT HĐND là 2 vị. Vì vậy, nếu quy định này được QH thông qua, tôi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền trong chỉ đạo công tác chuẩn bị nhân sự cấp tỉnh và huyện phải dự kiến có 2 đồng chí lãnh đạo HĐND tham gia cấp ủy để vừa đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của HĐND đối với việc cụ thể hóa chủ trương của Đảng trong các hoạt động của HĐND, đồng thời cũng để tương xứng với UBND cùng cấp; cơ quan chấp hành của HĐND, do HĐND bầu ra, nhưng lãnh đạo UBND đều được cơ cấu ủy viên ban thường vụ hoặc ủy viên ban chấp hành cấp ủy. Nếu bố trí thiếu tương xứng về vị thế chính trị của lãnh đạo HĐND sẽ là một trong những nguyên nhân làm cho HĐND khó phát huy đầy đủ vị trí, vai trò là người đại diện cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, như quy định tại Điều 4 Hiến pháp năm 2013.
Thành phần thường trực HĐND tỉnh (khoản 2 Điều 18)
Ngoài các chức danh chủ tịch, PCT, trưởng các ban, tôi đề nghị bổ sung thêm chánh văn phòng (CVP) HĐND để thường trực HĐND thông qua trưởng các ban, CVP chỉ đạo trực tiếp công tác tham mưu và điều hòa, phối hợp hoạt động của những đầu mối tại cơ quan thường trực HĐND tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền được pháp luật quy định. CVP HĐND phải là ĐB HĐND tỉnh.
Đại biểu HĐND (Điều 7)
Dự thảo luật quy định ĐB HĐND phải đáp ứng các tiêu chuẩn được nêu cụ thể tại khoản 2 Điều 7 là vấn đề cần phải cân nhắc, vì nếu ĐB HĐND không đáp ứng một trong những tiêu chuẩn đó sẽ xử lý ra sao, thẩm quyền thuộc về tổ chức, cá nhân nào chưa được đề cập trong dự thảo luật. Theo tôi, cần quy định trong dự thảo luật này theo hướng ĐB HĐND phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chương trình hành động, lời hứa trước cử tri nơi mình ứng cử, cũng như cử tri trong tỉnh qua các phương tiện thông tin đại chúng khi vận động bầu cử. Đây vừa là trách nhiệm của ĐB HĐND, vừa để mỗi ứng cử viên ĐB HĐND phải cân nhắc, thận trọng trong khi xây dựng chương trình hành động vận động bầu cử, tránh việc khi vận động bầu cử để lấy lòng cử tri, đánh bóng tên tuổi, hứa rất nhiều, quá khả năng thực hiện của mình. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để cử tri giám sát hoạt động của ĐB HĐND do mình bầu ra được thuận lợi hơn. Còn về tiêu chuẩn ĐB HĐND nên quy định trong dự thảo Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND sẽ được QH quyết định trong kỳ họp này.
Lấy phiếu tín nhiệm (Điều 89)
Để thống nhất với quy định của QH tại Nghị quyết số 85 và để HĐND áp dụng pháp luật thuận lợi, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu chỉ bổ sung thêm một khoản tại điều 89 quy định về trình tự lấy phiếu tín nhiệm đối với người được HĐND lấy phiếu tín nhiệm, không nên cùng một nội dung được quy định ở nhiều văn bản pháp luật. Hơn nữa đây là hoạt động được tiến hành qua 2 kỳ họp QH, HĐND có thể đánh giá, rút kinh nghiệm quy định cụ thể ngay trong luật này. 2 nội dung thời hạn, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm đã được quy định rất cụ thể tại Điều 7 NQ 85 của QH, do vậy, không nên giao lại cho QH như quy định tại khoản 2 Điều 89.
Việc tiếp công dân của thường trực HĐND (Điều 105)
Tiếp công dân là nhiệm vụ của ĐB HĐND và đã được quy định tại Điều 22 Luật Tiếp công dân. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 105 dự thảo luật chỉ quy định trách nhiệm tiếp công dân của chủ tịch HĐND là chưa đầy đủ, vì thường trực HĐND bao gồm nhiều thành viên hoạt động chuyên trách. Theo tôi, ĐB HĐND hoạt động chuyên trách phải có trách nhiệm tiếp công dân định kỳ. Vì vậy, đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm của PCT HĐND, trưởng ban, CVP HĐND cấp tỉnh (nếu được quy định là thành viên của thường trực HĐND tỉnh), các thành viên thường trực HĐND cấp huyện, xã trong công tác tiếp công dân, nhằm đảm bảo tiếp nhận, giải quyết, kiến nghị giải quyết kịp thời những ý kiến, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến HĐND.
Một số nội dung khác
Một số quy định trong dự thảo Luật TCCQĐP chưa thống nhất với các quy định trong một số dự án luật khác đang được QH cho ý kiến, cụ thể như: quy định về thời hạn gửi tài liệu đến ĐB HĐND tại khoản 2 Điều 93 trong dự thảo luật này là chậm nhất 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp, trong khi đó tại khoản 2 Điều 122 dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật lại quy định chậm nhất là trước 5 ngày làm việc. Hoặc theo khoản 17 Điều 3 của dự thảo Luật mới được QH cho ý kiến, thì HĐND xã, phường, thị trấn được ban hành nghị quyết để quy định những vấn đề được cấp trên giao và những vấn đề Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định, nhưng trong dự thảo luật TCCQĐP chưa quy định nội dung này, Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, thiết kế thành 1 khoản bổ sung vào Điều 33, Điều 61, Điều 68 quy định về trách nhiệm, quyền hạn của HĐND xã, phường, thị trấn ban hành nghị quyết.
SỸ NGUYÊN (Tổng hợp)