Cơm “bụi” và nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm
Đối với sinh viên và người lao động thu nhập thấp, ăn cơm “bụi” là chuyện thường ngày. Tuy nhiên, những đĩa cơm “bụi” luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Vật giá ngày càng tăng trong khi khó có thể lấy giá cao, để đảm bảo doanh thu, các chủ quán cơm “bụi” phải tìm kiếm các nguồn hàng có giá rẻ nhất, do đó, cũng khó mà lựa chọn được những thực phẩm tươi, ngon để chế biến.
Theo chân các sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn đến các quán cơm trên đường Ngô Mây, Biên Cương, Vũ Bảo, Nguyễn Thị Minh Khai (TP Quy Nhơn) tôi cảm nhận được cái gọi là thế giới cơm “bụi”. Một đĩa cơm thập cẩm, một chén canh “đại dương”, chén nước mắm có giá từ 12.000 đến 15.000 đồng/suất. Hầu hết các quán đều nằm sát mép đường có nhiều xe cộ qua lại, nhưng không có màn che thức ăn để giữ gìn vệ sinh. Không ít sinh viên, công nhân lao động sau khi ăn tại các quán cơm “bụi” này đã bị ngộ độc thực phẩm, có triệu chứng đau bụng, bất ổn đường tiêu hóa…, nhưng bởi chấp nhận ăn cơm giá rẻ nên không ai kêu ca, phàn nàn gì.
Minh Khang, sinh viên Sư phạm Tin khóa 34 Trường Đại học Quy Nhơn, trọ tại đường Nguyễn Trung Trực, vốn là khách ruột của một quán cơm nằm trên đường Vũ Bảo từ thời mới vào học đại học. Nhưng nay Khang bỏ hẳn việc ăn cơm “bụi” vì mấy lần bị ngộ độc. “Sinh viên như tụi em lười nấu cơm, thường ra quán ăn cho nhanh, đỡ mất thời gian. Nhưng sau khi ăn tối xong, về nhà bụng đau dữ dội, liên tục nôn tháo, không đi học được. Sau dạo đó em không còn ăn cơm bụi nữa”. Theo nhiều sinh viên cùng phòng trọ với Khang, vào mùa thi, hầu hết sinh viên thường rất bận rộn, không thể tự nấu cơm nên dù biết ăn cơm “bụi” không hợp vệ sinh, dễ bị đau bụng nhưng cũng đành chịu.
Thực trạng mất VSATTP tại các quán cơm “bụi” là đáng báo động nhưng hiện vẫn chưa có con số thống kê về ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố. Hầu hết các quán cơm bình dân đều không thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn về bảo đảm VSATTP mà cơ quan chức năng quy định, thức ăn không được bảo quản, che đậy đảm bảo, người phục vụ không dùng bao tay khi chế biến, nhiều quán không hề đăng ký kinh doanh… Việc quản lý đối với những quán cơm “bụi” này cho đến nay vẫn còn là một bài toán nan giải đối với các cơ quan chức năng với lực lượng mỏng, đa phần là kiêm nhiệm. Các quán cơm “bụi” lại có rất nhiều mánh khóe để qua mặt, cũng như phù phép thực phẩm quá đát thành tươi mới. Và hệ quả là những người lao động, sinh viên có túi tiền eo hẹp phải gánh chịu những rủi ro.
MINH NGUYỄN