“Nếu biết thế thì đã không làm”
Sau những tháng ngày đăng đẵng thụ án tại Trại giam Kim Sơn (thuộc Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp - Tổng cục VIII, Bộ Công an, đóng tại huyện Hoài Ân) để trả giá cho tội lỗi mình đã gây ra, hai phạm nhân phạm tội giết người đã thốt ra như vậy. Chỉ vì nóng giận, không làm chủ được mình, họ xuống tay với người một thời mình từng thương yêu, gắn bó.
1.
Nước da đen đúa, rắn rỏi, hỏi gì đáp nấy, phạm nhân Châu Ngọc Đạt (32 tuổi, ở thôn Nam Giang, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn), theo cảm nhận của riêng tôi, mang tính cách điển hình của một nông dân “gộc”, ít nói và rất cục tính.
“Nhờ mấy cô nhà báo chuyển giúp đến gia đình H., rằng tôi xin lỗi họ nhiều lắm, mong họ có thể tha thứ cho lỗi lầm tôi đã gây ra”
Phạm nhân CHÂU NGỌC ÐẠT (32 tuổi, ở thôn Nam Giang, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) đang thụ án tại Trại giam Kim Sơn
Bị gợi lại chuyện cũ, phạm nhân này im lặng, khá lâu mới nói được: “Tôi đã rất cố gắng để quên, mỗi khi chợt nhớ đến nó, tôi phải nghĩ ngay sang chuyện khác, gắng đan đát hay nghĩ về cha mẹ. Nếu không nó làm tôi điên mất”. Nhưng nói thì nói, chuyện cũ như cơn đau âm ỉ dày vò Đạt mỗi ngày, có muốn quên cũng không quên được.
Theo cáo trạng, khi biết tin chị P.T.K.H (SN 1989, ở cùng thôn với Đạt), người y đã thầm thương trộm nhớ bấy lâu, sẽ lên xe hoa với người khác vào ngày 22.10.2012, ngày 21.10.2012, Đạt đến tiệm tạp hóa của H. để nói chuyện nhưng bị H. từ chối, bảo y đi về đi. Giận vì không thể lấy được người mình yêu, Đạt trách móc, xỉ vả rồi xông vào đánh H; sau đó cầm dao chém liên tiếp vào người nạn nhân đến tử vong. Sau khi gây án, Đạt cầm dao trốn vào một vườn mía, uống thuốc sâu tự tử nhưng bị CA bắt giữ ngay sau đó và đưa đi cấp cứu. Tháng 3.2013, Đạt bị TAND tỉnh tuyên phạt án chung thân.
2.
“Khi bị bắt vào Trại tạm giam CA tỉnh, rồi chuyển lên đây, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Tôi đã hành động như một thằng điên, chỉ muốn thỏa cơn tức giận mà không nghĩ đến hậu quả mình gây ra cho nhiều người, nhất là cô ấy. H. xinh xắn, giỏi giang, nên trong tâm thức của tôi, chỉ có H. là người tôi mong là vợ, làm mẹ của các con mình. Vậy mà tôi đã làm gì cô ấy?. Sau khi tỉnh trí tôi chỉ muốn chết...”, Đạt ôm mặt, cúi đầu nói. Tôi hỏi “Đã thụ án được bao lâu rồi?”, phạm nhân này lắc đầu: “Tôi không biết. Ở đây, tôi tính năm còn chưa hết thì nhớ gì đến tháng, ngày. Chỉ biết sống được ngày nào thì biết đến ngày đó. Sống để mà nhớ, để mà đền tội người ta”. Trước đó, được Trại giam Kim Sơn động viên, Đạt đã viết thư gửi về xin lỗi cha mẹ H.
3.
Bị tuyên án tù 10 năm về tội giết chết chồng cũ, đến thời điểm này, phạm nhân Cao Thị Huy Hồng (40 tuổi, ở thôn Tân Kiều, xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn) đã thụ án được 4 năm. “Nếu cộng với thời gian giảm án thì chắc khoảng còn hơn 3 năm nữa tôi mới được về nhà. Ngoảnh đầu nhìn lại thấy đường về sao còn xa thăm thẳm”, nữ phạm nhân tâm sự tại buồng giam.
Chồng cũ - dù đã ly hôn, vẫn thường xuyên lẻn về nhà, cưỡng dâm Hồng. Nếu Hồng không cho thì anh ta đánh cả vợ lẫn con. Đêm 15.4.2011, uất hận vì bị chồng cưỡng dâm dù đã lấy vợ mới, Hồng dùng dây cột võng siết cổ chồng cho đến chết. Tôi vẫn không thể quên được hình ảnh hai đứa con trai của bị cáo Hồng nức nở trong phiên tòa xét xử mẹ; trong khi bà nội lại sắt đá yêu cầu tòa xử con dâu cũ phải đền mạng cho con trai mình.
Nữ phạm nhân này kể, hai đứa con của mình đang học đại học ngành Xây dựng trong TP Hồ Chí Minh. Lần nào về nghỉ hè và tết chúng đều lên trại giam thăm mẹ. Tiền học hàng tháng cho hai đứa phía bên gia đình Hồng lo. Nhắc đến ngày về, Hồng thắc thỏm: “Nghe nói bà nội của tụi nhỏ nằm liệt giường từ hai năm nay rồi. Mấy tháng trước, cha chồng tôi làm giấy bãi nại, không nhận tiền bồi thường cho gia đình bị hại nữa để tôi được sớm trở về nhưng không biết giấy tờ ra sao rồi. Ông đã già rồi, lại phải nuôi vợ ốm. Tôi cũng đã xác định, ra tù tôi về quê lo cho các con, trả nợ cho tội lỗi mình đã gây ra. Con trai tôi là cháu đích tôn của dòng họ bên đó”.
4.
Tại Trại giam Kim Sơn, hai phạm nhân trên đều đang cải tạo, lao động để trả giá cho những gì đã gây ra. Đạt làm ở bộ phận đan ghế mây, còn Hồng bóc hạt điều. Trước khi phạm tội, họ là những người làm ăn lương thiện, chân chất; chỉ vì nhất thời để cơn giận dữ lấn át trí khôn mà gây ra tội ác tày đình, hậu quả không thể nào sửa chữa được.
Tôi hỏi phạm nhân Đạt: “Nếu giờ gặp kẻ nào đang yêu mà tính làm chuyện dại dột như anh, anh sẽ khuyên gì?”. Đạt đưa hai tay ôm mặt: “Tôi không biết. Chỉ biết rằng quá nhiều người khổ luỵ. Người ta thì thiệt mạng, gia đình họ mất con. Còn gia đình mình bị ly tán, hàng xóm ngó lơ, kinh tế suy sụp. Cái giá quá đắt. Vậy nên, đừng làm gì dại dột, chỉ một phút nông nổi mà đánh mất tất cả. Rồi Đạt khẩn khoản: “Nhờ mấy cô nhà báo chuyển giúp đến gia đình H., rằng tôi xin lỗi họ nhiều lắm, mong họ có thể tha thứ cho lỗi lầm tôi đã gây ra”.
THU HÀ