Một gia đình
* Truyện ngắn của GUY DE MAUPASSANT
Tôi đến thăm Simon Radevin, người bạn cũ đã 15 năm không gặp. Xưa kia, anh là người bạn thân nhất của tôi. Người cùng tôi trải qua những đêm dài tĩnh mịch, tâm sự về chuyện tình cảm, người bộc lộ những suy nghĩ khéo léo, tinh tế với sự cảm thông, mang đến ý vị cho những khoảnh khắc yên tĩnh. Nhiều năm chúng tôi luôn quấn quýt bên nhau, cùng sống, đi dạo, cùng suy nghĩ và mơ tưởng, cùng thích những thứ giống nhau, say mê cùng những cuốn sách, hiểu biết cùng những nhà văn…
Rồi anh bất ngờ cưới vợ, một cô gái bé nhỏ người tỉnh lẻ đến Pari tìm một tấm chồng. Làm sao trong đời này, một người con gái gầy yếu, tẻ nhạt và ngờ nghệch, lại vớ được anh chồng trẻ, tinh tế và thông minh như vậy. Có ai hiểu nổi điều này? Chắc chắn, anh khát khao hạnh phúc, sự giản dị, yên tĩnh và niềm vui lâu bền trong vòng tay của một người phụ nữ chung thủy, dịu dàng và tốt bụng. Anh đã tìm thấy những điều đó ở cô nữ sinh da trắng tóc vàng này.
Anh sẽ như thế nào khi tôi gặp lại? Vẫn hoạt bát, dí dỏm, vui vẻ và nhiệt tình, hay rơi vào trạng thái chán nản bởi cuộc sống tỉnh lẻ? Dĩ nhiên, mười lăm năm rồi, con người phải đổi thay rất nhiều.
* * *
Tàu dừng ở một ga nhỏ, khi tôi rời khỏi toa, một người đàn ông to béo có gò má đỏ ửng và bụng phệ tiến về phía tôi, dang rộng vòng tay, hét lên: “George!”. Tôi ôm anh, nhưng không nhận ra, và rồi tôi cũng kêu lên, đầy kinh ngạc: “Trời ơi! Cậu không ốm đi!”. Anh cười đáp lời: “Cậu trông mong gì thế? Một cuộc sống sung túc, một bàn thức ăn ngon và những đêm tuyệt vời! Ăn và ngủ, đó là tình hình của tớ!”.
Tôi nhìn gần anh, cố gắng khám phá trên khuôn mặt rộng những đường nét thân thuộc. Chỉ riêng đôi mắt anh không thay đổi, nhưng tôi không còn thấy những biểu hiện xưa ở chúng. Giờ đây, mắt anh vẫn sáng, tràn đầy hạnh phúc và tình bè bạn, nhưng nó không biểu lộ sự thông minh, sáng sủa như trước. Đột nhiên, anh nói: “Đây là hai đứa con đầu của tớ”. Đứa con gái 14 tuổi đã ra dáng thiếu nữ, và đứa con trai 13 tuổi mặc đồng phục trường trung học, đứng rụt rè và lóng ngóng. Tôi bảo: “Chúng là con cậu à?”. “Dĩ nhiên”, anh cười trả lời. “Cậu có mấy cháu rồi?”. “Năm! Ba đứa nữa đang ở nhà”. Anh kể điều này với niềm tự hào, tự mãn, với dáng điệu hoan hỉ, và tự sâu thẳm, tôi thấy thương hại, pha lẫn với một cảm giác khinh rẻ mơ hồ cho tính tự phụ về việc duy trì nòi giống đơn thuần của anh.
Tôi lên xe ngựa do anh điều khiển, bắt đầu vào thị trấn, một thị trấn buồn tẻ, chán ngắt, sầu thảm… Chỗ kia là một chủ tiệm, đứng trước cửa, ngả mũ chào, Simon chào lại và nói với tôi tên của ông; chắc là để cho tôi thấy anh biết tất cả mọi người dân nơi đây. Và điều khiến tôi kinh ngạc là anh đang nghĩ đến việc trở thành một ứng cử viên cho chức nghị sĩ, niềm mơ ước của tất cả những ai tự chôn mình ở tỉnh lẻ.
Chúng tôi nhanh chóng qua khỏi thị trấn, cỗ xe ngựa chuyển bánh vào một khu vườn mô phỏng công viên, và dừng lại trước một ngôi nhà có tháp nhỏ, cố làm ra vẻ như một lâu đài. “Đó là chỗ ở của tớ”, Simon nói. Tôi đáp lời, ngợi khen: “Nó đẹp thật”.
Một người phụ nữ xuất hiện nơi bậc cửa, ăn mặc như viên chức và nói những lời xã giao đã chuẩn bị từ trước. Cô không còn là cô gái vô vị tôi đã gặp ở nhà thờ 15 năm trước, mà đã là một người phụ nữ mập mạp với tóc xoăn và gợn sóng… Tóm lại, cô là một bà mẹ, một bà mẹ to béo, tầm thường, chẳng bận tâm việc gì khác ngoài những đứa con và sách dạy nấu ăn.
Cô đón chào tôi, tôi đi vào hành lang, chỗ ba đứa trẻ, xếp hàng theo chiều cao, như chuẩn bị duyệt binh, giống hệt lính cứu hỏa trước mặt thị trưởng. Tôi nói: “À! Vậy đây là những đứa khác?”. Simon hớn hở giới thiệu chúng: “Jean, Sophie và Gontran”.
Cửa phòng khách mở ra, tôi bước vào. Sâu bên trong một chiếc ghế bành, tôi thấy cái gì run run. Một cụ già bị liệt. Bà Radevin tiến đến và bảo: “Thưa ngài, đây là ông của tôi, ông ấy đã 87 tuổi rồi”. Và sau đó, cô hét vào tai cụ: “Cụ ơi, đây là bạn của Simon”. Cụ già cố gắng nói với tôi “Chúc một ngày vui”, nhưng ông chỉ lẩm bẩm được: “Chúc, chúc, chúc…” và vẫy tay. Tôi ngồi xuống rồi nói: “Cụ thật tốt quá, cụ ơi”.
Simon đã bước vào, anh vừa cười vừa nói: “À! Cậu đã làm quen với cụ. Ông cụ này là một của quý, cụ là nguồn vui cho lũ trẻ. Nhưng cụ rất phàm ăn đến mức gần như tự giết mình vào mọi bữa ăn, cậu không hình dung cụ sẽ ăn gì nếu cụ được để cho thỏa thích. Nhưng cậu sẽ thấy. Cụ nhìn bánh mứt như đó là những cô gái. Cậu chưa từng thấy điều gì vui như thế, cậu sẽ thấy ngay thôi”.
Sau đó, tôi được dẫn về phòng, thay đồ để ăn tối, chợt nghe một tiếng ồn ào trên cầu thang phía sau. Tôi xoay người và thấy lũ trẻ bước theo, đi sau cha chúng, chắc là để tôi cảm thấy vinh hạnh.
Cửa sổ phòng tôi trông ra một khu đất mênh mông, buồn tẻ, một đại dương cỏ, lúa mì và yến mạch, chẳng có một bụi cây hay mô đất nào, một khung cảnh u sầu của đời sống chắc hẳn phải diễn ra trong ngôi nhà này.
Tiếng chuông reo, đó là giờ ăn tối, tôi bước xuống cầu thang. Một người hầu đẩy xe cho cụ già lúc nãy ngồi trong ghế bành. Cụ nhìn thèm thuồng và tò mò vào món tráng miệng, cụ khó khăn dịch chuyển cái đầu bị giật từ đĩa thức ăn này sang đĩa khác.
Simon chà xát hai tay vào nhau: “Cậu sẽ tức cười đấy”. Lũ trẻ hiểu tôi đang chuẩn bị thích thú với cảnh tượng cụ ông của chúng, chúng bắt đầu cười to, trong lúc mẹ chúng hầu như chỉ mỉm cười và nhún vai. Tiếp đến, Simon, cuộn bàn tay thành ống, nói lớn bên tai cụ: “Tối nay có bánh put-đinh kem!”. Khuôn mặt nhăn nheo của cụ bừng sáng, và cụ run rẩy mạnh hơn, từ đầu đến chân, cho thấy cụ đã hiểu và rất phấn khích. Bữa ăn bắt đầu.
“Nhìn xem!”, Simon thì thầm. Cụ già không thích súp, không chịu ăn nó; nhưng cụ có trách nhiệm phải giữ sức khỏe, và người hầu đưa muỗng vào miệng cụ, trong khi cụ thổi mạnh, như để không nuốt súp, nước bắn tung tóe khắp bàn và cả những người ngồi cạnh cụ. Lũ trẻ cười lăn lộn trước cảnh đó, trong khi cha chúng, cũng tức cười, bảo: “Đây không phải là trò hài của cụ à?”.
Suốt cả bữa ăn, họ chỉ nói về cụ. Cụ ngấu nghiến những đĩa thức ăn trên bàn bằng mắt, cố nắm lấy chúng và kéo về phía mình với đôi tay run rẩy. Họ đặt những chiếc đĩa ra ngoài tầm với của cụ, để được trông thấy những nỗ lực tuyệt vọng, những cái nắm run rẩy của cụ, lời van nài đáng thương của toàn thân thể cụ, nơi ánh mắt, khuôn miệng và cái mũi ngửi thấy thức ăn. Cụ nhỏ dãi trên khăn bàn ăn bởi sự háo hức trong khi lầm bầm những tiếng không rõ. Cả gia đình thích thú vô cùng với cảnh tượng kệch cỡm và kinh khủng đó.
Rồi họ bỏ mẩu thức ăn vào đĩa của cụ, cụ ăn ngấu nghiến, để được ăn thêm ngay khi có thể. Khi bánh put-đinh được lấy đến, cụ gần như lên cơn, rên rỉ vì thèm. Thằng bé Gontran nói với cụ: “Cụ ăn nhiều rồi, cụ không thể ăn nữa”. Họ tính chẳng cho cụ thêm thứ gì. Cụ bật khóc và run mạnh chưa từng thấy, trong khi lũ trẻ cười phá lên. Tuy nhiên, cuối cùng, họ cũng lấy thức ăn cho cụ, một mẩu rất nhỏ, cụ nuốt trọn, phát ra âm thanh buồn cười trong cổ họng. Khi cụ đã nuốt xong, cụ giậm hai chân, để được xin thêm.
Tôi thương cảm cụ già đói khát buồn rầu, thảm hại ấy, và đòi phần cho cụ: “Này, lấy cho cụ thêm tí put-đinh nữa đi!”. Nhưng Simon đáp lời: “À, không, ông bạn yêu quý, nếu ông ấy ăn quá nhiều, sẽ không có lợi cho ông ấy, ở chừng tuổi này”.
Tôi ngừng nói, và nghĩ về những từ này. Ôi, đạo đức. Ôi, lý lẽ! Ôi, thông thái! Ở chừng tuổi cụ! Vì chúng lấy đi của cụ niềm vui còn lại thông qua việc quan tâm đến sức khỏe cụ! Sức khỏe của cụ! Cụ sẽ làm gì với nó, chậm chạp và run rẩy suy nhược như bây giờ? Họ đang chăm sóc cuộc sống của cụ, nên họ nói thế. Cuộc đời cụ? Còn bao nhiêu ngày? Mười, hai mươi, hay một trăm? Tại sao? Vì lợi ích của cụ? Hay để giữ lâu hơn cảnh tượng đói khát bất lực của cụ trong ngôi nhà này.
Chẳng còn gì để cho cụ làm trong cuộc đời này, chẳng còn gì cả. Cụ chỉ còn ước muốn còn lại, một niềm vui duy nhất; sao lại không chấp thuận cho cụ niềm an ủi cuối cùng trước khi cụ qua đời?
Sau khi chúng tôi chơi bài một lúc lâu, tôi bước lên phòng và đi ngủ. Tôi cảm thấy chán nản và thật buồn! Bên ngoài không tiếng động, trừ tiếng chim líu ríu trên cành, quẩn quanh đâu đó. Chắc hẳn, chim trống sẽ líu ríu suốt đêm ở âm vực thấp, để ru ngủ chim mái đang nằm ấp trứng. Và tôi nghĩ đến năm đứa con của người bạn tội nghiệp, mường tượng về anh, đang nằm ngáy bên người vợ xấu xí.
Nhà văn Pháp Guy de Maupassant (1850-1893) là một trong những bậc thầy của thể loại truyện ngắn. Truyện của ông nói về những kiếp người nhỏ bé, sống dưới đáy xã hội với lòng thương cảm và một văn phong, bút pháp tinh tế. Trong sự nghiệp sáng tạo ngắn ngủi (chừng 20 năm), ông đã để lại hơn 300 truyện ngắn và 6 tiểu thuyết, không ít trong số đó là những kiệt tác.
LÊ MINH KHA (dịch từ bản tiếng Anh “A Family”)